(HBĐT) - Những năm trở lại đây, Tết Độc lập không chỉ là dịp để các gia đình đoàn tụ sau những tháng ngày đi làm ăn xa quê mà đây còn dịp được bà con trong tỉnh mong đợi bởi những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đầy sắc màu.



Vào dịp Tết Độc lập, việc tổ chức thi đấu bóng chuyền trở thành hoạt động thường niên ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong ảnh: Trận đấu bóng chuyền giữa 2 đội xóm Rên với xóm Bo, xã Gia Mô (Tân Lạc) trong kỳ nghỉ lễ mùng 2/9.

Đã thành thông lệ, khi đường làng, ngõ xóm được phát quang, vệ sinh sạch sẽ, bên hiên nhà, cờ Tổ quốc được treo trọng, đó là dấu hiệu ngày Tết Độc lập đã đến gần. Vào dịp này, bà con ở 6 thôn, xóm của xã vùng sâu Gia Mô (Tân Lạc) lại háo hức đi cổ vũ cho các đội bóng chuyền của mình. Năm nay cũng vậy, hơn 7 giờ sáng, sân bóng chuyền của xã Gia Mô đã chật kín khán giả. Không chỉ có cánh mày râu luôn sát cánh cùng các đội bóng mà rất đông chị em cũng có mặt từ rất sớm để theo dõi, cổ vũ giải đấu. "Các giải đấu thường xuyên được tổ chức vào các dịp lễ, tết. Chúng tôi rất hâm mộ môn thể thao này, nhờ tổ chức giải đấu mà ngày Tết Độc lập thêm vui tươi, sôi động, anh em, bạn bè được dịp giao lưu, gặp gỡ với nhau”, ông Bùi Văn Ngôm, một khán giả của đội bóng chuyền xóm Rên chia sẻ.

Dù thời tiết trong buổi sáng khá oi bức, đặc biệt là ở trận chung kết giải đấu trời mưa khá to nhưng các khán giả vẫn đội mưa để cổ vũ cho các cầu thủ của mình. Giải đấu kết thúc, có đội thắng, đội thua, niềm vui và những sự nuối tiếc nhưng đó sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ trong ngày Quốc khánh.

Không chỉ ở xã Gia Mô mà ở các xã lân cận khác như: Do Nhân, Quy Mỹ (Tân Lạc) hay Phú Lương (Lạc Sơn), trong dịp này, sân bóng chuyền cũng trở thành "điểm hẹn” lý tưởng. "Vào dịp này năm nào xã cũng tổ chức các hoạt động, có năm giao lưu văn nghệ, có năm tổ chức các trò chơi dân gian. Riêng năm nay, xã tổ chức giải bóng chuyền, đây là hoạt động không thể thiếu trong dịp chào mừng ngày lễ Quốc khánh của dân tộc”, đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Do Nhân cho biết.

Đó cũng là lời khẳng định của ông Bùi Văn Vót, Chủ tịch UBND xã Phú Lương (Lạc Sơn): "Ngày Tết Độc lập là dịp để đoàn tụ, các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Tuy nhiên, nếu thiếu các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ thì niềm vui trong ngày tết lớn thứ hai trong năm sẽ không trọn vẹn. Thế nên vào dịp này, ngoài giải do UBND xã tổ chức, ở các xóm cũng tự đứng ra tổ chức cho bà con ở các KDC giao lưu với nhau”.

Ngoài môn bóng chuyền cứng (chất liệu bóng bằng da), ở các khu dân cư, bà con còn thi đấu bóng chuyền hơi (còn gọi là bóng chuyền mềm) hay cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống. Một số môn thể thao mới cũng được một số xã đưa vào thi đấu để tạo sự đa dạng, hấp dẫn khán giả, điển hình như ở xã Dũng Phong (Cao Phong). "Năm nay, lần đầu tiên chúng tôi đưa môn cờ tướng vào thi đấu. Môn này chủ yếu là những người cao tuổi chơi nên khi đưa vào thi đấu nhằm tạo sân chơi cho nhiều lứa tuổi khác nhau cùng tham gia trong dịp ý nghĩa trọng đại này. Với những hoạt động ý nghĩa đó, Tết Độc lập không chỉ đơn thuần là ngày lễ mà còn trở thành ngày hội của bà con” đồng chí Bùi Văn Liển, Chủ tịch UBND xã Dũng Phong cho biết.

Những tốp người đi ngược, về xuôi, các bản, làng rợp cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, những người đàn ông đang cùng nhau tụ tập mổ lợn, gà làm mâm cơm thết đãi họ hàng. Không quá khi nói rằng, Tết Độc lập như một bức tranh của ngày Tết cổ truyền thu nhỏ, một ngày hội văn hóa với nhiều màu sắc trẻ trung của nhịp sống đang từng ngày thay đổi.

 Viết Đào


Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục