Thủ đô Hà Nội đang trong tiến trình trở thành một đô thị hiện đại. Nhưng dù phát triển đến đâu, văn hóa vẫn luôn là điều tạo nên bản sắc Hà Nội. Từ mùa thu năm Canh Tuất 1010 cho đến mùa thu lịch sử năm 1954 và mùa thu của hơn 30 năm đổi mới, dẫu có những bước thăng trầm, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vẫn khiến bao thế hệ yêu mến, gìn giữ và bồi đắp. Đó chính là điều làm nên sức mạnh trường tồn của văn hóa Hà Nội.


Nhiều trò chơi dân gian truyền thống được nhóm My Hanoi tổ chức tại không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: ĐĂNG ANH

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh ra tại khu phố cổ Hà Nội, trong một gia đình giàu truyền thống Nho học, nhưng ông chịu ảnh hưởng khá nhiều của Tây học, thành thạo nhiều ngoại ngữ. Sau này, quá trình công tác lại kinh qua nhiều vị trí liên quan đến việc giao lưu văn hóa với các nước, nhà văn hóa Hữu Ngọc sớm nhận ra: Giao lưu văn hóa thời đại ngày nay là tương tác đa chiều, giữa nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa. Thách thức trong gìn giữ bản sắc ngày nay khó khăn hơn tất cả những gì chúng ta từng trải qua. Nhưng ông cũng nhận thấy, giao lưu không chỉ có thách thức. Giao lưu còn là dịp để quảng bá văn hóa. Với vốn kiến thức uyên thâm, ông luôn tận dụng mọi cơ hội giới thiệu nét đẹp của văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội với bạn bè quốc tế, từ các cuộc nói chuyện, cho đến viết sách, viết báo...

Ðối với Thăng Long - Hà Nội, sau rất nhiều bài viết trên các ấn phẩm trong và ngoài nước, năm 1997, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho ra mắt tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Anh và Pháp, mang tựa đề "Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội". Cuốn sách đã bao quát toàn bộ diện mạo của Hà Nội một cách cô đọng, mà hấp dẫn, qua các phần giới thiệu về kinh thành, về sự hình thành các con phố, nét đẹp của văn hóa Hà Nội từ ẩm thực, đến các phong tục, tập quán... Tuy chỉ là "phác thảo", nhưng độc giả vừa thấy được cái bao quát, vừa cảm nhận được những nét đẹp cụ thể. Cuốn sách được Chính phủ Việt Nam dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ bảy tại Hà Nội.

Một bộ sách mang tính "cẩm nang" khác về Hà Nội mà nhà văn hóa Hữu Ngọc đã xuất bản là bộ "Hanoi, who are you?" (Hà Nội, bạn là ai?). Mỗi tập trong bộ sách giới thiệu về một lĩnh vực, khía cạnh của Hà Nội như: Lịch sử Hà Nội, Khu phố cổ, Khu phố Tây, Khu Thành cổ, Ẩm thực, Tìm hiểu các nhân vật qua tên phố, văn hóa nghệ thuật, giáo dục... Ngay khi cuốn sách ra đời, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều có chung nhận xét: Cuốn sách đánh "trúng" tâm lý và đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài khi đến Hà Nội. Ngôn ngữ tiếng Anh được sử dụng trong cuốn sách hết sức tao nhã, lối viết dí dỏm, hấp dẫn. Tình yêu Hà Nội, tình yêu văn hóa Việt trong ông được thể hiện bằng thành quả lao động xuyên qua năm tháng. Ông có nhiều cuốn sách giới thiệu văn hóa Hà Nội với thế giới như "Chân dung Hà Nội, thành phố Rồng 1000 tuổi", "Hà Nội của tôi"... Giờ đây, khi đã gần 100 tuổi, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn dự kiến xuất bản một cuốn sách mới, tập hợp những bài viết đã đăng trên tạp chí của Ðức trong nhiều năm qua.

 

 

Các thành viên nhóm My Hanoi hướng dẫn trẻ em làm đồ chơi truyền thống.

Tháng 8-2017, nhà văn hóa Hữu Ngọc được báo Thể thao và Văn hóa trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, hạng mục Giải thưởng Lớn. Ông được vinh danh cùng nhiều tên tuổi khác đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho Hà Nội, như: nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán, Giáo sư Phan Huy Lê, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà nghiên cứu Giang Quân, hay những nhiếp ảnh gia Lê Vượng, Quang Phùng… Ðã qua mười năm kể từ khi Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ra đời, cùng với những tên tuổi lớn nêu trên, còn có những con người ở các lứa tuổi, tầng lớp khác nhau được vinh danh ở các hạng mục về ý tưởng, việc làm, tác phẩm. Ðiều đáng chú ý hơn cả là nhiều bạn trẻ cũng được trao giải, như nhóm 3D Hà Nội - những người "đánh thức" Hà Nội cổ xưa bằng phục dựng phố cổ, kiến trúc Pháp bằng công nghệ 3D; hay nhóm Hanoi Lovers và trang Ashui.com với dự án Hà Nội - những góc nhìn từ không trung... Hoặc được đề cử trao giải về hành động như nhóm Hanoikids - tình nguyện hướng dẫn du lịch Hà Nội miễn phí cho khách nước ngoài; nhóm Nhặt rác Hồ Gươm thuộc Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ...

Dẫu chưa từng được xướng danh trong Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, nhưng có một nhóm bạn trẻ có nhiều hoạt động đóng góp cho văn hóa Hà Nội, đó là nhóm My Hanoi (Hà Nội của tôi). Người sáng lập My Hanoi là Ngô Quý Ðức - một chàng trai từng theo học chuyên ngành công nghệ. Sinh ra ở Hà Nội, Ðức có nhiều năm tháng gắn bó, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống ở Hà Nội. Thấy những tư liệu về Hà Nội trên in-tơ-nét còn ít ỏi, năm 2006, Ðức cùng bạn bè thực hiện dự án "Thư viện thông tin trực tuyến về Hà Nội". Ðó là hoạt động khởi đầu của nhóm. Cho đến nay, nhóm có khoảng 50 thành viên chính thức, nhưng thường xuyên có sự tham gia của hàng trăm tình nguyện viên, chủ yếu được huy động qua mạng xã hội. Mỗi thành viên trong nhóm đều có một Hà Nội của riêng mình, với những kỷ niệm, suy nghĩ, hành động, tình yêu không giống nhau, nhưng có một điểm chung là nỗ lực kết nối thành Hà Nội của chung bằng những dự án, chương trình bảo tồn, phát triển văn hóa Hà Nội.

Là tổ chức tập hợp những bạn trẻ, nét nổi bật của My Hanoi là sự năng động. Khi in-tơ-nét phát triển, nhóm lập tức chuyển hướng sang những hoạt động như: thực hiện Ðề án nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu thông tin về lễ hội truyền thống tại các làng thuộc khu vực Hồ Tây; Ðề án "Dây leo tạo không gian xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông" nhằm khuyến khích cộng đồng tạo dựng không gian xanh; Chương trình "Em tập làm nghệ nhân" giúp trẻ em hiểu về các nghề truyền thống; các chương trình tìm hiểu những loại hình nghệ thuật truyền thống; múa rối nước; các loại đồ chơi dân gian cho trẻ em... Những năm gần đây, trẻ em Hà Nội bắt đầu quen dần với các trò chơi dân gian như: nhảy dây, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê... chính là nhờ nỗ lực không ngừng của My Hanoi trong việc tổ chức những trò chơi này tại nhiều cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa, nhất là tại không gian đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần trong hơn một năm qua.

Trong khi những không gian dành cho văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống ngày một hiếm hoi, thì tháng 6-2017, My Hanoi chính thức đưa vào hoạt động Không gian Giao lưu văn hóa Hà Nội 1010 tại số 32 phố Võng Thị, quận Tây Hồ. Con số 1010 chính là năm Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Những người yêu mến văn hóa truyền thống sẽ tìm được nhiều điều bổ ích từ Không gian Giao lưu văn hóa Hà Nội qua các hoạt động lưu giữ, trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống, thư viện sách về Hà Nội, về lịch sử văn hóa của Việt Nam... và nhất là các buổi giao lưu, tìm hiểu về các làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống, biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian... thường xuyên được tổ chức. Một số chương trình đáng chú ý như: Tìm hiểu nghề mây tre đan cổ truyền, giao lưu với các nghệ nhân làm đồ chơi Trung thu, giao lưu với các nghệ sĩ ghi-ta cổ điển... Nhóm My Hanoi đã bền bỉ hoạt động hơn mười năm qua, với vô vàn sáng tạo trong hoạt động. Nhóm cũng đã có "thủ lĩnh" mới, song, mục đích thì vẫn vẹn nguyên: góp phần "thắp" lên tình yêu Hà Nội trong mỗi người.

Cho đến nay, đã dần vắng bóng những người cả đời hành động "vì tình yêu Hà Nội" như nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán, Giang Quân, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc... Song, tình yêu ấy vẫn tiếp tục lan tỏa đến các thế hệ trẻ. Không những thế, các bạn trẻ còn biết sử dụng lợi thế của công nghệ khi lập các trang mạng, diễn đàn để quảng bá văn hóa Hà Nội, tập hợp cộng đồng. Qua đó, tình yêu Hà Nội được kế thừa qua các thế hệ, góp phần tiếp tục gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa Thủ đô.

                                           TheoNhandan

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục