(HBĐT) - Hàng năm, cứ vào ngày 26 tháng 10 âm lịch, người dân Mường Rậm, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy lại gác công việc thường ngày để đón Tết cơm Đe. Năm nay cũng vậy, dù trời lất phất mưa nhưng không vì thế mà Tết cơm Đe kém vui.


Trong ngày Tết cơm Đe, gia đình bà Bùi Thị Khoa, xóm Đình, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) chuẩn bị món cơm Đe để đãi khách.

 

Ngược lại, đối với người dân ở đây, cứ ăn Tết cơm Đe mà có mưa là báo hiệu một vụ mùa bội thu, một năm với nhiều may mắn và thành công.

Tết cơm Đe bắt nguồn từ câu chuyện được lưu truyền nhiều đời trong cộng đồng người Mường Rậm. Câu chuyện kể về một vị tướng đem quân đi đánh giặc phương Bắc. Trong một trận đánh, ông thua và bị thương. ông cùng đoàn tùy tùng vô tình chạy về vùng đất Yên Thủy. Vị tướng đã vào nhà một người dân tộc Mường và xin nghỉ lại. Trời lúc đó chưa sáng hẳn, nhà chủ nghèo không còn gì ăn đã luộc đu đủ, mướp đắng và măng giang để vị tướng ăn qua bữa. Được nửa bữa, chủ nhà nhớ ra còn một ít cơm Đe đang ủ chuẩn bị nấu rượu dùng vào dịp tết nên đã lấy ra mời. Nó không còn là cơm, cũng chưa phải là rượu, vừa cay, vừa ngọt nhưng đúng lúc tướng lính đều đang đói, món cơm Đe trở nên ngon miệng.

Sáng hôm sau, trò chuyện với người dân được biết, vùng này thường xuyên xảy ra hạn hán nên dân tình đói khổ. Xúc động trước tấm lòng của gia chủ, vị tướng đã lập đàn cầu mưa. Vừa cúng xong thì trời chuyển mưa, nhân dân vui mừng khôn xiết. Tưởng nhớ công đức của vị tướng, hàng năm, người dân Mường Rậm lại tổ chức lễ cơm Đe. Trong mâm cỗ cúng, ngoài những món mà vị tướng đã ăn không thể thiếu món cơm Đe. Và cũng từ đó, người dân quan niệm cứ Tết cơm Đe mà có mưa là báo hiệu một năm mới mùa màng bội thu, cây trái tốt tươi.

Ngày nay, dù cuộc sống đầy đủ hơn, người dân Lạc Thịnh vẫn coi trọng Tết cơm Đe. Cùng cán bộ xã Lạc Thịnh, chúng tôi có dịp được thưởng thức lễ cơm Đe của người Mường Rậm. 10 giờ sáng, con đường dẫn vào xóm Đình, xóm khởi nguồn của Tết cơm Đe đã tấp nập người vào, ra. Đã thành lệ, cứ đến Tết cơm Đe, con em Mường Rậm ở khắp mọi miền lại trở về quê hương, quây quần bên gia đình, họ hàng để cùng thưởng thức cơm Đe.

Trong ngôi nhà nhỏ mới được xây dựng khang trang, bà Bùi Thị Khoa, người dân xóm Đình vừa đơm từng bát cơm Đe đặt lên mâm cỗ vừa niềm nở tiếp chuyện những vị khách. Năm nay, lễ cơm Đe của gia đình bà có niềm vui đặc biệt, ngoài họ hàng hai bên nội ngoại, gia đình cô còn đón nhiều vị khách từ xa đến chung vui. Bà Khoa phấn khởi cho biết: Tết cơm Đe là tết không mời, vào ngày này, nhà nhà đều thịt lợn, đồ xôi đãi khách nhưng gia chủ không mời. Họ hàng, người làng biết thì tự đến chung vui với gia đình. Chính vì vậy, càng đông khách, gia chủ càng vui vì như thế nghĩa là gia chủ càng gặp nhiều may mắn, hưởng nhiều phúc lộc.

Để làm Tết cơm Đe, bắt đầu từ ngày 20 âm lịch, các hộ đã chuẩn bị ủ cơm. Gạo nếp để ủ cơm Đe là loại gạo nếp trắng và nếp cẩm do gia đình tự trồng trên nương và được lựa chọn, đãi kỹ ủ với men lá rừng của người Mường. ủ đủ 5 ngày, cơm Đe dậy mùi thơm và đúng sáng 26 tháng 10 âm lịch sẽ làm lễ cũng tổ tiên. Mâm cỗ cúng tổ tiên rất đơn giản chỉ gồm đu đủ luộc, mướp đắng, măng giang, muối vừng và món cơm Đe.

Sau khi cúng tổ tiên, các gia đình mới làm cỗ thết khách. Có một điều đặc biệt tại lễ cơm Đe là hầu hết những món ăn trong mâm cỗ đều do gia chủ tự làm. Đó là thịt lợn bản, là xôi nếp nương, cá suối nướng và rau rừng do tự gia chủ đi hái. "Không chỉ toàn món ăn cây nhà lá vườn, Tết cơm Đe còn là cơm đoàn kết, bởi vì không cần là khách, bất cứ ai khi vào xóm đều được mời vào ăn cỗ và thưởng thức món cơm Đe thơm nồng”, ông Bùi Văn Tiếp, xóm Đình Cạn, xã Lạc Thịnh cho biết.

Với ý nghĩa về lòng biết ơn tổ tiên, Tết cơm Đe đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Mường Rậm. Ngày nay, con em Mường Rậm lớn lên với Tết cơm Đe và cả với những nàng dâu, chàng rể không sinh ra, lớn lên trên đất này cũng nhớ nằm lòng "20 cơm đồ, 26 là cơm Đe”. Bởi ngày tết đặc biệt này còn là dịp để anh em họ hàng, làng trên, xóm dưới quây quần, tụ tập. Tết cơm Đe vì thế càng thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, là tết đoàn viên, đoàn kết.


 P.L


Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục