(HBĐT) - Ngược lên rẻo cao Đà Bắc theo con đường 433 quanh co, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn gỗ, lợp lá cọ. Vành khăn hồng, chiếc áo ngắn trắng cùng nụ cười răng đen của các bà, các mế cho chúng tôi biết rằng mình đã đặt chân đến mảnh đất sinh sống của bà con dân tộc Tày, huyện Đà Bắc. Tạm gác lại những công việc thường ngày, bà con đang phấn khởi dọn dẹn nhà cửa đón Tết. Hòa nhịp với cuộc sống mới, đời sống người Tày đã có nhiều đổi thay nhưng bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục tập quán, nhất là cái Tết của người Tày thì vẫn còn được giữ khá nguyên vẹn.


 Người Tày gói bánh chưng dài, món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên vào dịp Tết Nguyên Đán

Người Tày ở huyện Đà Bắc chiếm 40,6% dân số toàn huyện và chiếm 99,44% dân số người Tày của toàn tỉnh. Khu vực cư trú của người Tày ở các xã vùng cao của huyện như: Tân Minh, Tân Pheo, Trung Thành, Đoàn Kết, Đồng Ruộng, Đồng Chum, Mường Tuổng, Suối Nánh, Đồng Nghê... Người Tày sinh sống chủ yếu dựa vào nghề nông; quần tụ thành các làng bản ở ven đường, dưới chân núi, ven sông, suối và các thung lũng. Hàng năm, sau khi mùa màng đã được thu hoạch xong, thóc lúa đầy nhà và những thửa ruộng được cầy ải xong. Trên những cành hoa đào khoe sắc thắm, hoa mận nở trắng sau vườn cũng là lúc người Tày chuẩn bị đón Tết.

Chúng tôi có dịp về với xóm Nà Nguồn, xã Mường Chiềng để cùng gia đình ông Xa Văn Thiện chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi. Thông thường để đón Tết, mỗi gia đình người Tày thường nuôi sẵn một con lợn, việc mổ lợn thường được tiến hành vào sáng 30 Tết. Anh em trong gia đình và làng xóm giúp nhau mổ lợn, hết nhà này đến nhà khác. Lợn mổ xong được gia đình chế biến theo phong tục. Chiều 30 Tết, bà con quét dọn nhà cửa và trang trí bàn thờ. Đặc biệt, người Tày cũng kiêng không quét nhà vào sáng mùng 1. Bàn thờ của người Tày được bày biện, trang trí khá công phu với những sản vật của một năm gia chủ làm ra như mâm ngũ quả, cành đào, bông lúa sai quả. Chiều 30 Tết cũng là thời điểm để trồng cây nêu với ý nghĩa để xua đuổi tà ma, quỷ dữ. Cây nêu phải được lựa chọn bằng cây nứa bánh tẻ, trên ngọn để lại một số cọng lá. Trên ngọn cây nêu gia chủ đan xương hình con cá bằng nan tre cách điệu. Theo tín ngưỡng, con cá là vật nuôi sống giúp người Tày tồn tại và phát triển. Tỏ tấm lòng biết ơn biết ơn con cá, ở giữa thân cây nêu, gia chủ đan những vòng tròn bằng tre tượng trưng cho tiền vàng cống nạp.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Xa Văn Thiện cho biết: "Chiều 30 Tết, người Tày tổ chức làm cơm tất niên với sự có mặt của con cháu, anh em, họ hàng. Cùng nhau quây quần bên mâm cơm, chúc tụng nhau bên chén rượu và điểm lại kết quả một năm trong sản xuất. Khi uống rượu đã lâng lâng thì nổi trống, chiêng mời cả làng cùng xòe. Tối 30 Tết là thời điểm người Tày gói bánh chưng. Có 2 loại là bánh chưng dài và bánh ốc. Ngoài ra, người Tày còn gói bánh chưng đen, loại bánh này chỉ gói để ăn chứ không thắp hương. Màu đen của bánh là màu của nước tro do đốt rơm lúa nếp. Nhân bánh trưng được làm từ thịt lợn băm nhỏ trộn với rau thì là. Thông thường bánh chưng của người Tày chủ yếu là phụ nữ gói. Con gái sau khi đi lấy chồng, nếu ở gần thì tối 30 Tết sang nhà bố mẹ đẻ cùng mẹ và chị em dâu gói bánh chưng”.

Sáng mùng 1 Tết, mọi người trong gia đình sẽ dậy sớm để người vớt bánh chưng, người thắp hương tổ tiên. Ông Xa Văn Đó, xã Mường Chiềng cho biết: "Theo phong tục người Tày, sáng mùng 1 mới thắp hương tổ tiên mời về ăn Tết. Nếu trên bàn thờ không còn khói hương thì ông bà sẽ trở về thế giới bên kia. Vì thế, trong những ngày Tết lúc nào cũng phải thắp hương. Mâm cỗ sáng mùng 1 cúng tổ tiên của người Tày được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trên mâm có thịt lợn, gà, vịt nuôi ở suối, cá gác trên bếp, thịt chuột khô và các loại rau trồng trên nương. Một phần không thể thiếu là củ khoai lang, khoai sọ. Nếu gia đình nào có nhiều người mất thì số mâm nhiều hơn. Cùng với các mâm cỗ là lễ vật xà tích, tiền, vải vóc… Lời cầu của thầy mo với tổ tiên là ban cho con cháu sức khỏe, chăm ngoan, cầu cho mùa màng bội thu. Thời điểm ông mo cúng cũng là lúc con cháu về thắp hương tổ tiên, thăm bố mẹ. Đối với gia đình có bố mẹ đã mất thì con gái đi lấy chồng phải đem gà và bánh chưng thắp hương ông bà. Họ dành cho nhau những lời chúc may mắn và quây quần bền bữa cơm gia đình.

Sau khi hoàn thành các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, bà con sẽ đến thăm, chúc Tết nhà người thân hoặc cùng tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngày xuân và vui mừng bước sang năm mới với nhiều ước mong mưa thuận, gió hòa.

 

                                                                             Đức Anh


Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục