(HBĐT) - Ngày xuân trong sương khói lãng đãng mơ màng bên tách trà, ngắm nhìn những nụ đào hồng tươi khoe sắc, lòng người xốn xang, thường hay nghĩ về chuyện đã qua với nỗi lòng trải nghiệm suy ngẫm.


Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy với các nhà khoa học, các đại biểu dự Hội thảo khoa học xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: T.L

Tôi nhớ vào năm 2002, trong một lần may mắn được nghe cố Giáo sư Trần Quốc Vượng lên Hòa Bình giảng bài, ông có kể về một lần cùng người học trò nhận được một văn bản chữ Hán của một gia đình ở huyện Kim Bôi. Hai thầy trò dịch, phải một tháng mới dịch xong, cả hai cùng vỡ ra đây là văn bản Hán ghi tiếng Mường. Một Giáo sư đầu ngành khoa học xã hội của đất nước, người thông kim bác cổ, giỏi chữ Hán còn khó khăn vậy, người thường thật khó học. Điều này cho thấy từ lâu, người Mường đã có ý thức tạo dựng cho mình một bộ chữ viết ghi lại tiếng nói của tổ tiên mình.

Hiện nay trong nhân dân vẫn còn lưu lại một số văn bản người xưa sử dụng chữ Hán để ghi lại tiếng Mường. Hiện chưa ai có thể dịch được. Thật đáng buồn, lời người xưa để lại, con cháu không đọc, không hiểu được, đó là nỗi đau của một dân tộc không có chữ viết.

Tất nhiên việc này không chỉ ở người Mường, bản thân người Việt hàng nghìn năm sử dụng chữ Hán làm chữ viết quốc gia, để bây giờ hàng vạn sách của người xưa để lại có rất ít người đọc được. Các đình, chùa, miếu mạo, am đài... trong Nam, ngoài Bắc của người Việt thờ người Việt, song các đại tự, hoành phi, câu đối, gia phả... đều viết bằng chữ Hán, con cháu về thắp hương nhìn không biết là những chữ gì...

Quả là việc khó khăn, vì chữ Hán rất khó học, ngay những người được học bài bản, trình tự vài năm học cũng rất khó nắm bắt, huống hồ là dân nghèo không có điều kiện học hành thì việc học chữ Hán để ghi âm tiếng Mường càng khó hơn.

Sau Cách mạng tháng 8 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta chính thức sử dụng bộ chữ Quốc ngữ là bộ chữ quốc gia. Từ đây tiếng Hán không còn sử dụng nhiều. Nhờ có chữ Quốc ngữ nên người Việt Nam học chữ rất nhanh, trong một thời gian ngắn đã có gần 100% dân số biết đọc, biết viết, thật là một kì tích.

Cũng từ đây các nhân sĩ, trí thức người Mường bắt đầu sử dụng chữ Quốc ngữ để ghi lại tiếng Mường. Kết quả là hàng vạn câu thơ Mo Mường được sưu tầm, nhiều ấn phẩm được xuất bản, song mỗi tác giả ghi một kiểu khác nhau, người đọc rất khó đọc. Một điều nữa, tuy tiếng Việt và tiếng Mường gần gũi, có rất nhiều từ đồng âm, song có nhiều âm trong tiếng Việt không có, chữ Quốc ngữ càng không có các nguyên tắc để đọc các âm này, như âm: W (wơ̒), Tl (tlơ̒)..., âm L cuối âm tiết như: Mâl - mây, păl - bay, kâl - cây...

Thanh huyền trong tiếng Mường nhẹ hơn thành huyền trong tiếng Việt. Hệ quả là các văn bản ghi lại tiếng Mường người viết ra có thể đọc tốt bằng tiếng Mường, sang đời con cháu sẽ khác, chúng không đọc được ra tiếng Mường, vì thực chất đó là mượn chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) để ghi lại tiếng Mường. Các di sản văn hóa, sách viết... đời sau có thể đọc hiểu bị sai... Đó thực sự là nguy cơ thêm vào để thúc đẩy tiếng Mường càng nhanh có nguy cơ biến mất.

Việc cần có một bộ chữ ghi lại tiếng Mường đã được thai nghén từ những năm 1960, song do điều kiện chiến tranh và nhất là do tranh cãi trong chính người Mường, không thể thống nhất được với nhau sử dụng tiếng Mường vùng nào trong tỉnh để làm tiếng Mường phổ thông, họ cho rằng phải từ đó mới có cơ sở để làm ra chữ Mường. Càng tranh cãi, càng bế tắc vì ai cũng cho lý lẽ của mình là đúng, đến nỗi nhiều người tâm huyết cũng phải bỏ cuộc.


Bàn giao sản phẩm đề tài khoa học và công nghệ xây dựng bộ gõ chữ Mường và tài liệu học chữ Mường cho người biết chữ Mường.

Hòa Bình đang vươn lên phát triển mạnh mẽ, kinh tế có bước phát triển vượt bậc, song nền văn hóa các dân tộc trong tỉnh như nguồn tài nguyên còn nằm dưới các lớp trầm tích, giờ đang được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống. Mo Mường - một di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Mường Hòa Bình nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung đã được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia và đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã có nhiều sưu tầm được in ấn, song mỗi bản in, các nhà sưu tầm ghi bằng loại chữ viết khác nhau để ghi lại tiếng Mường. Đây là khó khăn lớn một lần nữa đặt ra vấn đề chữ Mường.

Năm 2016, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các sở, ngành liên quan vào cuộc, mời các nhà khoa học ở Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trực tiếp về Hòa Bình thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh "Xây dựng Bộ gõ chữ Mường, Biên soạn tài liệu dạy - học chữ Mường” do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, nhà khoa học uy tín của Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài. Đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tham gia trong nhóm làm đề tài.

Việc thực hiện thật gian nan, nhóm làm đề tài đã đi khảo sát tại hơn 20 xã có đông người Mường sinh sống trong tỉnh thuộc các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi... Đã gặp gỡ hơn 100 người trực tiếp phỏng vấn, ghi chép tư liệu và thực hiện phát phiếu điều tra xã hội học. Tại các huyện đều tổ chức tọa đàm, hội thảo nhỏ quy mô hơn 20 người là các nhân sĩ, trí thức, người có hiểu biết tham gia. Mỗi cuộc hội thảo, tọa đàm đều tranh luận, có lúc gay gắt "nảy lửa”, tất cả đều thành tâm nhằm tìm đến chân lý cho sự ra đời của bộ chữ Mường. Đề tài đã thực hiện 5 lớp dạy chữ Mường thể nghiệm ở các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình cho các đối tượng là học sinh, nông dân, cán bộ, công chức... đạt kết quả tốt. Qua đó nhóm thực hiện đề tài có thêm cơ sở thực tế để tiếp tục hoàn thiện Bộ chữ viết dân tộc Mường.

Sau 2 năm (2016 - 2017) thực hiện đề tài, các sản phẩm khoa học: "Tài liệu hướng dẫn dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường”, "Tài liệu tiếng Mường cơ sở”, "Tài liệu đọc, hiểu tiếng Mường” thuộc đề tài Xây dựng Bộ gõ chữ Mường, Biên soạn tài liệu dạy - học chữ Mường đã ra đời, được Hội đồng khoa học nghiệm thu, đạt loại xuất sắc. Ngày 8/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố Quyết định số 2295/QĐ-UBND về việc phê chuẩn bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Với mục đích đưa Bộ chữ dân tộc Mường được phê chuẩn vào đời sống dân tộc Mường; đồng thời nhằm khẳng định Bộ chữ dân tộc Mường là chữ viết chính thức của dân tộc Mường; qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường.

Đường hướng đã mở, việc thực hiện giờ đang được triển khai, xuân mới không quên chuyện cũ, càng không nên để tiếng nói dân tộc Mường ngày càng phai nhạt, biến mất. Điều này còn phụ thuộc vào ý thức của chính những người dân tộc Mường.

Ghi chép của Bùi Huy Vọng


Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục