Ai đã từng sinh ra ở nông thôn hẳn sẽ biết nhiều loài chim trời bay lượn trong không gian khoáng đạt. Những con chim bình dị, gắn bó nhất với con người là chim sẻ. Mùa nào chúng cũng quẩn quanh bên con người và thường làm tổ trong những hốc ngói, những hốc dui của ngôi nhà truyền thống.


Vẻ đẹp cánh chim mùa Xuân.

Mỗi lần về quê, ngoài thăm ông nội, sống với sự giản dị mộc mạc từ ngôi vườn của ông nội với rất nhiều tiếng chim, tôi còn muốn ngắm bầy chim sẻ ông nội nuôi nấng suốt nhiều năm. Cần mẫn. Nhẫn nại. Ngày bé tôi không hiểu việc làm của ông. Tại sao ông lại vãi thóc gạo nuôi chim. Khi ấy một lần tôi hỏi: Ông ơi, sao ông lại cho chim ăn, được lợi gì chứ. Cũng đâu có làm những cơn đau xương của ông thuyên giảm? Ông ôn tồn trả lời: Để chúng được no bụng. Chúng có khác chi những đứa trẻ như các cháu. Ông còn dạy thêm, chúng ta phải đối xử tốt với chim trời, thiên nhiên và học cách sống cộng sinh, để cuộc sống thêm ý nghĩa.

Nhưng vườn của ông đâu chỉ có chim sẻ. Ông yêu nhiều loài chim. Ông yêu tiếng cựa nhẹ của cặp chân xinh xắn nhanh nhẹn uyển chuyển, yêu bộ lông rực rỡ của chích chòe, yêu tấm thân có vẻ kiêu kỳ của chú chào mào. Chẳng cần phải nuôi nhốt chim trong lồng như một số người, chỉ cần giữ cho một không gian thật sự thanh khiết, một sự ứng xử dịu dàng, thì ông nội đã có cả kho tiếng chim, mà dường như lúc nào đứng ngắm cây cảnh, tỉa cành, những chú chim cũng tặng ông bản nhạc, giọng hát của chúng.

Mùa Xuân, chim chóc dâng tặng đại gia đình tiếng hót, rộn rịp, như hương như sắc ấm lòng người. Đó thật sự là ngày hội của tiếng chim, những vũ điệu chuyền cành, cảm giác xao xuyến, vui thú. Những cánh chim trong khuôn viên vườn, nhà cổ của đại gia đình đã tạo một điểm nhấn cho góc làng quê xinh xắn thêm đậm đà bản sắc.

Sau này lên Hà Nội học hành, tôi cũng mang theo lời trao truyền của ông. Nó ăn vào từng nếp nghĩ của tôi như một bài học về nhân nghĩa, bài học làm người. Ông tôi là cựu chiến binh, trở về đời thường với những vết thương nhức tấy. Nhưng chính ông lại lạc quan, bảo rằng những tiếng chim thiên nhiên đã giúp xoa dịu những cơn đau cho ông. Ông vẫn kể chuyện chiến trường, kể chuyện chiến tích như một niềm tự hào tuyệt vời của tuổi hai mươi ngày đó… Sau này lên phố, đi qua ngã tư Bà Triệu – Tô Hiến Thành, gặp bà Tim, người bán nước chè thầm lặng, mấy chục năm vãi thóc nuôi bầy chim sẻ, nhiều người thấy lạ, xuýt xoa. Người bảo bà tốt quá. Người khác lại dùng dằng bảo bà hết việc để làm, đã nghèo, sao lại phải đãi bầy chim! Vậy là tôi quyết định hỏi, và bà bảo: Nuôi chúng, bà thấy mình giàu có hơn.

Hóa ra, ông nội tôi với bà Tim, những người thật việc thật, nuôi dưỡng chim trời có chúng ý nghĩ nhân văn, nhờ chim trời để thấy mình no đủ, sống tốt, vơi đau. Đó chẳng phải là sự cộng sinh tuyệt vời lắm hay sao!

Nghĩ về bầu trời, về tiếng chim và đặc biệt là những tiếng chim Xuân, những cánh chim đã làm đẹp bầu trời, tôi vẫn thường ngước lên nhìn những chùm chim bay ngang nóc thành phố. Tôi cũng từng ngóng những cánh én mùa Xuân, những con chim đi trú đông bay từ phương bắc, qua sông Hồng. Rồi những năm qua, ngoài công việc, tôi đã đi tìm ký ức, những vẻ đẹp của thiên nhiên qua những cánh chim. Tôi đi dọc hàng chục cây số sông Hồng để tìm màu xanh của sông, những nơi trú ngụ của chim trời. Theo thời gian cùng với sự vô tình, tre trúc trong khu vực cứ vơi dần. Màu xanh bạt ngàn xưa kia dần dần bị thay thế, sắc diệp lục từng bao trùm lên cả một đoạn sông dài, tương phản với màu ánh bạc uốn cong cong của dòng nước chảy gần như cạn kiệt. Có lúc tôi cảm giác, cả một vùng ngoại thành tôi yêu sao bỗng thành xa lạ… Hay thi thoảng trên phố, bắt gặp người ta bày bán chim trời để làm món nhậu, làm cảnh, tạo những "vườn chim” trong khuôn viên các ngôi nhà mà thấy rầu lòng. Dọc đường Hoàng Hoa Thám có hàng chục cửa hàng bán chim trời, nướng chim sẻ bán cho dân uống bia. Đó có phải là nghịch cảnh, sự nhẫn tâm hay có người đã tận diệt loài chim để phục vụ cho thói ích kỷ của mình?

Tôi đã từng yêu sông Hồng, sông Đáy, rồi yêu sông Nhuệ, sông Tích… Tôi học ông nội và những người đồng đội của ông năm xưa còn sống nơi quê, yêu cả nhánh sông Hồng nhỏ bé, được người dân tôi trìu mến gọi là sông Nhà Mình. Và khi yêu sông, tôi yêu những cánh chim. Bãi sông Nhà Mình vùng ngoại ô, xưa nổi tiếng vì màu xanh của tre trúc và dong. Hơn thế còn là nơi hiện diện của các loài chim. Ông nội từng bảo: Đất lành chim đậu. Làng ta vì yêu thiên nhiên, đức hạnh nên được ban cho trái tim hiếu học. Nghề học của ta cứ thế mà gìn giữ, đời này nối đời kia. Thiên nhiên vốn rộng lượng và trong trẻo. Thiên nhiên cần con người đối xử công bằng.

Ngẫm nghĩ về lời ông, tôi cũng nghĩ về những cái giả, như núi giả, cây giả. Người ta có thể đã hủy hoại cả thiên nhiên chung, những không gian đẹp thật, để rồi lại bỏ tiền tạo cho mình những hòn non bộ giả, với cả chim chóc được nhốt trong lồng. Càng mùa Xuân thì họ càng làm cho không gian ấy lung linh, rực rỡ. Thậm chí cả một vườn chim chóc trong nhà, được nuôi nhốt trong những chiếc lồng sang trọng. Nhưng như vậy đâu đã tốt. Đó đâu phải thiên nhiên. Đó là sự gượng ép.

Chiến tranh đã lùi xa. Tiếng bom đạn đã tắt. Mùa Xuân năm nào cũng trở về. Mùa Xuân nuôi dưỡng khát vọng và bình yên. Những người như ông nội tôi, như các đồng đội ông, những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã đổ máu, bảo vệ hòa bình độc lập, bảo vệ những mùa Xuân trên mảnh đất này. Vậy hà cớ gì, chúng ta không thể bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ sự trong ngần cho những tiếng chim Xuân?!

 

                         TheoNhandan

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục