(HBĐT) - Huyện Cao Phong được biết đến với địa danh Mường Thàng, là một trong bốn vùng Mường cổ nổi tiếng của tỉnh. Huyện có nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch, trong đó phải kể đến du lịch tâm linh. Trong những ngày đầu xuân, Cao Phong là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách và người dân trong, ngoài tỉnh.


 Nói đến du lịch huyện Cao Phong không thể không nhắc đến một trong những địa danh nổi tiếng là hồ Hòa Bình với điểm nhấn là du lịch văn hóa tâm linh đền Chúa Thác Bờ. Đền Chúa Thác Bờ trước đây thuộc xã Hào Tráng, sau nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, hiện, đền tọa lạc tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong (phía hữu ngạn) và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc (phía tả ngạn). Đền Thác Bờ phía hữu ngạn tọa lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền. Trước đây, đền Thác Bờ chủ yếu được dựng lên từ tranh tre, nứa lá ngay dưới chân Thác Bờ. Sau này, khi tổ hợp thủy điện Hòa Bình trên sông Đà khởi công xây dựng, nước dâng cao,ngôi đền phải di dời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông.


Ngoài thờ bà Chúa Thác Bờ, hiện nay, đền còn thờ các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt như: Công đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông; bà chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang); Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu; Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn; Tứ phủ chầu bà; Tam toà đức Thánh Mẫu... Đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác, nhưng vẫn uy nghi và nổi tiếng linh thiêng. Lễ hội đền Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Tuy vậy, ngay từ tháng chạp, nơi đây đã tấp nập du khách về lễ tạ. Người đi lễ sẽ cầu nguyện ở đền Trình, rồi lên đền Chúa, mỗi ngôi đền nằm trên một hòn đảo cách xa nhau khoảng gần 20 phút đi thuyền. Vừa đi lễ, vừa thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của những đảo đá nhấp nhô trên mặt nước, du khách sẽ thấy lòng bình yên. Hành lễ xong, khó ai có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của những xiên cá nướng sông Đà vàng ruộm, thơm lừng và những sản vật của bà con bày bán.


 

Đông đảo du khách đến thăm quan tại đền thượng Bồng Lai, khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong).

 

Một điểm du lịch tâm linh nữa được đông đảo du khách gần xa biết đến vào những ngày đầu xuân là khu di tích danh thắng chùa Khánh. Chùa Khánh, xã Yên Thượng nằm trong khu di tích lịch sử cấp quốc gia chiến khu Cao Phong - Thạch Yên, đã được Bộ VH-TT xếp hạng năm 1996. Năm 2007, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huyện Cao Phong đã đầu tư tôn tạo khu di tích lịch sử này, đồng thời phục dựng lễ hội chùa Khánh theo nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, lễ hội chùa Khánh lại thu hút đông đảo bà con gần xa về dự, tạo không khí lễ hội vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân (chính hội là ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch).

Cách chùa Khánh không xa, khu di tích chùa Quoèn Ang, xã Tân Phong từ lâu cũng là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân quanh vùng. Nói đến khu di tích chùa Quoèn Ang phải nhắc đến sự tích "Vườn hoa núi Cối”, bản trường ca dân tộc Mường "Đẻ Đất, đẻ Nước”. Theo thời gian, chùa hư hỏng, trên nền chỉ còn cây đại cổ thụ với khoảng 300 năm tuổi và 1 chiếc chuông chùa bằng đồng cao khoảng 0,8 m, nặng khoảng 85 kg. Chùa Quoèn Ang mới được phục dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con trong và ngoài xã. Đây cũng là địa bàn để huyện phục dựng lễ hội Khai hạ đầu năm của người Mường. Lễ hội chùa Quoèn Ang được tổ chức hàng năm vào hai ngày 8 - 9 tháng Giêng. Đây là lễ hội khai mùa và dâng hương cấp xã.

 Gần đây, với chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch, đền thượng Bồng Lai ở khu 3, thị trấn Cao Phong được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh trên địa bàn. Đền Bồng Lai thờ Cô Đôi Thượng Ngàn, thuộc quần thể hang động núi Đầu Rồng. Năm 2018,đền Đông Sơn cũng ở khu 3, thị trấn Cao Phong được đưa vào khai thác đã thu hút đông đảo du khách trong tỉnh và cả nước.


Cùng với các loại hình du lịch khác, du lịch tâm linh đã và đang góp phần đáng kể vào phát triển du lịch của huyện Cao Phong. Theo thống kê của Phòng VH-TT huyện, trong năm 2018, có 341.170 lượt khách đến thăm quan du lịch trên địa bàn. Trong đó, khách quốc tế 1.058 lượt, khách nội địa 340.112 lượt. Doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 21.195 triệu đồng. Theo đồng chí Bùi Yến Minh, cán bộ Phòng VH-TT huyện, chưa có thống kê chính xác về số liệu lượng khách của du lịch tâm linh nhưng có thể khẳng định, du lịch tâm linh đã góp phần quan trọng vào lượng khách đến với huyện Cao Phong. Những ngày năm mới này, phần lớn du khách đến với Cao Phong là du lịch văn hóa lễ hội và tâm linh.

 

 


Hương Lan


Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục