Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh - một tài năng lớn của điện ảnh, sân khấu Việt đã qua đời ở tuổi 81, trong sự thương tiếc của bạn bè văn nghệ sỹ và đông đảo khán giả sân khấu, điện ảnh.



NSND Thế Anh cùng NSND Lan Hương trong bộ phim "Em bé Hà Nội". Ảnh: vov.vn

Tài năng lớn của điện ảnh Việt

Nhà biên kịch, Đạo diễn Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau một thời gian bị ốm phải nằm viện, sáng 29/9, Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh - một tài năng lớn trong làng điện ảnh, sân khấu Việt đã qua đời ở tuổi 81.

Thông tin từ gia đình Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh cho biết, Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 1/10 tại Nhà tang lễ thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh Dương Cẩm Thúy cho biết, những năm gần đây, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông cũng thường xuyên tham gia giao lưu truyền cảm hứng, kinh nghiệm diễn xuất cho nhiều lớp nghệ sỹ trẻ, góp phần không nhỏ vào việc phát triển của điện ảnh nước nhà.

"Sự ra đi của ông khiến rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và nghệ sỹ thế hệ sau vô cùng thương tiếc. Đây cũng là sự mất mát lớn lao đối với ngành Điện ảnh, Sân khấu Việt Nam”, bà Dương Cẩm Thúy ngậm ngùi chia sẻ.

Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh sinh năm 1938, tại Từ Liêm, Hà Nội, trong một gia đình khá giả. Năm 1964, ông tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu đầu tiên của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, với vai nhân vật sỹ quan Mỹ bị vây trong lô cốt ở vở kịch "Đêm đen” của tác giả Ngô Y Linh. Ra trường, ông về nhận công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam).

Cũng trong thời gian này, Nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy, Đạo diễn Huy Thành tìm kiếm diễn viên mới đóng vai Trung úy Phương trong bộ phim nhựa "Nổi gió” (dựa theo kịch bản cùng tên của Đào Hồng Cẩm), Nghệ sỹ Thế Anh thử vai và được chọn. Dù mới vào nghề, nhưng diễn xuất tinh tế, chân thực của chàng diễn viên trẻ Thế Anh đã chinh phục cả đạo diễn, khán giả và hầu hết các diễn đàn phê bình nghệ thuật khi thể hiện thành công vai Trung úy Phương, với những giằng xé tâm lý mãnh liệt…, góp phần không nhỏ trong việc bộ phim "Nổi gió” giành Giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam đầu tiên, năm 1970.

Sau vai Trung úy Phương trong "Nổi gió”, một vai diễn khác của Nghệ sỹ Thế Anh cũng được nhiều người nhắc đến, đó là vai Ba Duy trong phim "Mối tình đầu” của đạo diễn Hải Ninh. Ở tuổi gần 40, nhưng ông đã thể hiện xuất sắc vai chàng sinh viên 20 tuổi yếu đuối, nghiện ngập, rồi sa ngã trở thành một gã giang hồ khét tiếng ở Sài Gòn. Bộ phim ra mắt đã giành được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, gây sốt các rạp chiếu phim thời bấy giờ. Bộ phim "Mối tình đầu” được trao giải Bông sen Bạc, đồng thời mang về cho Thế Anh giải thưởng "Nam diễn viên xuất sắc” nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, năm 1980.

Ngoài hai vai diễn nổi tiếng trên, Nghệ sỹ Thế Anh còn thành công trong nhiều vai diễn ở nhiều bộ phim khác nhau. Có thể kể đến vai Dư trong phim "Đường về quê mẹ”, Tiểu đoàn trưởng pháo binh trong "Em bé Hà Nội”, Thiếu tá Vĩnh Quán trong phim "Tự thú trước bình minh”, Chúa Trịnh Sâm trong "Đêm hội Long Trì”, Đại tá Võ trong "Chiến trường chia nửa vầng trăng”, ông chủ rạp trong phim "Gánh xiếc rong”, ông Cọp trong phim "Điện Biên Phủ”… Sau này, ông còn tham gia đóng một số bộ phim truyền hình như: Giao thời, Dốc tình, Hoa dã quỳ, Xin lỗi tình yêu, Tiếng cuốc đêm khuya...

Bên cạnh những vai diễn nổi tiếng trong điện ảnh, trong lĩnh vực sân khấu, Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh cũng có nhiều vai diễn ấn tượng như: Bác sỹ Hải trong vở "Đôi mắt”, vai Rubakov trong vở "Chuông đồng hồ điện Kremlin”, gián điệp Đức Stavinsky Nila trong vở "Cô bé đánh trống trận”, vai Trần Luận trong "Người thi hành án tử”…

Trọn đời với nghệ thuật

Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh thuộc thế hệ vàng đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, cùng thời với các nghệ sỹ Trà Giang, Thanh Quý, Lâm Tới, Như Quỳnh... Hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật, bằng tài năng, trí tuệ, tinh thần miệt mài trong lao động nghệ thuật, ông đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp điện ảnh, sân khấu nước nhà.   

Trong con mắt của những người làm điện ảnh, sân khấu, Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh là một diễn viên tài năng, kỳ cựu trong nghề. Dù là đóng phim hay diễn kịch, ông đều thể hiện vai diễn một cách xuất sắc. Nhờ tài hoa, chiều sâu trong diễn xuất, ông hóa thân thành công vào nhiều nhân vật cả phản diện và chính diện, từ sỹ quan đến bộ đội, các bác sỹ, kỹ sư, thầy giáo, thủy thủ...  

Nhà biên kịch, Đạo diễn Dương Cẩm Thúy chia sẻ: Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh là người có đóng góp lớn cho sự nghiệp điện ảnh, sân khấu Việt Nam, người đã dành trọn đời mình cho nghệ thuật nước nhà. Trong công việc, ông vừa là người thầy, vừa là người anh, là hình mẫu nghề nghiệp để các thế hệ diễn viên noi gương, học hỏi. Trong cuộc sống, ông là người lạc quan, yêu đời, hóm hỉnh, nhiệt tình, sôi nổi, được bạn bè, đồng nghiệp yêu quý, công chúng mến mộ.

Sinh thời, Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh từng nói, với ông, được lao động nghệ thuật là khát vọng cháy bỏng, là sự theo đuổi cả đời. Ông cho rằng, mình sinh ra để làm nghệ thuật và ông vô cùng hạnh phúc vì mình có hàng trăm vai diễn, trong đó có nhiều vai diễn để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Đó là "tài sản” không phải diễn viên nào cũng có được.

Quả thực, những ai đã từng gặp gỡ, trò chuyện với Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh, đều dễ dàng cảm nhận ở ông tình yêu với nghệ thuật, sự đam mê và "cháy” hết mình trong từng vai diễn. Có lẽ vì tình yêu, vì khát vọng cháy bỏng với nghề diễn, trong bất kể vai diễn nào của mình, dù là vai chính hay vai phụ, ông đều làm việc một cách nghiêm túc, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Để chuẩn bị cho các vai diễn của mình, Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh luôn dành thời gian để nghiên cứu, tìm tòi cách diễn xuất sao cho phù hợp nhất. Ðể vào vai Ba Duy trong phim "Mối tình đầu”, ông đã dành cả tháng trời lăn lộn ở các ngõ ngách Sài Gòn, xem các con nghiện sống như thế nào, khi lên cơn nghiện sẽ vật vã làm sao. Để đóng vai một bác sỹ, ông dành nhiều ngày trời đi theo bác sỹ học cách cấp cứu cho bệnh nhân, băng bó, cầm máu… Đối với những vai diễn trong phim lịch sử, như vai chúa Trịnh Sâm trong "Đêm hội Long Trì”, không có kinh nghiệm thực tế để tham khảo, ông lại dành rất nhiều thời gian để đọc sách lịch sử, tìm hiểu tính cách nhân vật để vận dụng vào vai diễn…

Với những đóng góp, cống hiến cho điện ảnh, sân khấu Việt Nam, năm 1984, diễn viên Thế Anh được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú. Năm 2001, ông được phong tặng tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân. Tại giải Cánh diều vàng năm 2014, Nghệ sỹ Nhân dân Thế Anh được trao danh hiệu "Thành tựu trọn đời” với nhiều đóng góp vượt bậc cho điện ảnh cách mạng Việt Nam.

               Theo TTXVN

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục