Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hay tín ngưỡng thờ cúng những ông vua có công khai lập ra một quốc gia, một triều đại của một thể chế nhà nước thuở sơ khai là những nét sinh hoạt văn hóa mang tính tương đồng, dễ nhận thấy ở nhiều nền văn hóa, nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Điều đó càng đặc biệt được thể hiện ở các nước có chung những đặc điểm lịch sử - xã hội hoặc môi trường sinh tồn giống nhau, gần gũi nhau.



Con Lạc cháu Hồng về với cội nguồn. Ảnh: Tư Liệu

Nhìn trong phạm vi châu lục, không khó để nhận biết nét tương đồng của loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng này giữa Việt Nam với các nước khác, chẳng hạn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, hay ở các nước nhỏ bé thuộc vùng Đông Nam Á từ lâu nay.  Với người Hàn Quốc, tục thờ cúng tổ tiên cũng được mọi gia đình hướng về nơi thực hành, thông qua các nghi lễ tưởng nhớ hương hồn các vị vua và các hoàng hậu Triều Joseon (1392 - 1910) tại Tông Miếu (thuộc Jongmyo) - nơi đặt bài vị thờ cúng của họ, được xây dựng vào năm 1395.  Trải qua hơn 600 năm, những nghi lễ được cử hành cùng nhạc lễ và múa nghi lễ ca ngợi công lao, chiến tích nội trị của những người sáng lập ra triều đại Joseon vẫn thường niên được duy trì/bảo tồn, thực hành theo nguyên dạng ban đầu (với hàng trăm chủ tế, nhạc công và chấp sự) một cách trang trọng và tráng lệ. 

Tại Nhật Bản, lịch sử cội nguồn và ngày giỗ Tổ của đất nước hoa anh đào đã được ghi chép trong hai bộ sách Kojiki (Cổ sự ký) và Nihongi (Nhật Bản ký) do các sử gia của triều đình Nhật Bản thế kỷ VIII biên soạn. Từ thế kỷ VIII trước Công nguyên, vị vua Jimmu - Tenno đã được người dân Nhật Bản coi là người khai sinh ra đất nước mặt trời mọc, được dân cả nước khi đó tôn vinh và trân trọng gọi là Thần Vũ Thiên Hoàng. Cũng theo truyền ngôn, ngay từ năm 657 trước Công nguyên, vua Jimmu đã ban lệnh cho phép xây dựng các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của Hoàng gia tại đền Kashihara, ngôi đền dựng lên ở phía đông nam dãy núi Unebi, thuộc tỉnh Nara ngày nay. Sau khi vua Jimmu mất đi, người dân thờ ông tại chính ngôi đền này và coi đây là người có công dựng nước thuở sơ khai. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XIX, triều đình phong kiến Nhật Bản chính thức tổ chức giỗ vua Jimmu (với tên gọi Thần Vũ Thiên Hoàng đế) tại Hoàng cung, người dân không được phép tham gia ! Phải đến những năm cuối thế kỷ XIX, chính phủ Minh Trị mới tổ chức thiết lập lại ngày lễ dựng nước, gọi là Tết Kỷ Nguyên, kỷ niệm ngày vua Jimmu lên ngôi, khai sinh ra nước Nhật cách ngày nay hơn 2.600 năm và dân chúng từ đó mới được phép vào dâng lễ cúng tế !

Trong khi đó, truyền thuyết dân gian đất Phong Châu đã từ nhiều nghìn năm qua vẫn liền mạch lưu truyền về sự hiện tồn của 18 đời Vua Hùng, trong đó, vị Vua Hùng đầu tiên đã có công dựng ra nhà nước Văn Lang đầu tiên trong lịch sử hình thành của cộng đồng Việt Mường - và sau đó là của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Nếu như trên vùng đất Phong Châu cổ xưa, núi thiêng Nghĩa Lĩnh trở thành biểu tượng trung tâm khởi nguồn và quy tụ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng, giống như nơi hiện tồn của Tông Miếu bên Hàn Quốc hay đền Kashihara linh thiêng của người Nhật Bản, thì với người Việt - Mường xưa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà đỉnh cao là biểu tượng Tín ngưỡng thờ các vua Hùng, lại lan tỏa từ trung tâm Kinh đô Văn Lang để đến với mọi gia đình tại khắp các làng bản. Dường như, không nơi đâu như vùng đất Văn Lang này, người dân đã "bình dân hóa” hình tượng các Đức Vua, đón vong linh các Đức Vua (bài vị) về phối thờ trên cùng ban thờ Tổ tiên của dòng họ mình, gia đình mình, tạo ra sự gần gũi thường nhật, can dự vào mọi hành vi, hoạt động của con người trên bước đường làm ăn, đấu tranh sinh tồn qua hàng nghìn năm lịch sử. Và như vậy, ngay từ buổi lịch sử thuở thiếu thời, trong tâm thức người Việt, các vị Vua Hùng, những người luôn được coi là đối tượng có công khai mở quốc gia, dân tộc, luôn được trân trọng, nhưng không bao giờ chiếm thế độc tôn, duy nhất tại bất kỳ không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nào. Không phải ngẫu nhiên mà, chỉ nhận diện trong phạm vi hành chính của tỉnh Phú Thọ lâu nay, trong số gần 1.500 di tích thờ tự (đình, đền, miếu, chùa, nghè) thuộc 275 xã/phường/thị trấn, dễ dàng nhận ra, bên cạnh hệ thống các di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, còn là hàng loạt các hệ thống thờ tự (riêng rẽ hoặc phối thờ) các vị anh hùng văn hóa, các danh nhân lịch sử, từ Sơn Tinh, Quý Minh, đến con cháu các Vua Hùng, từ Hai Bà Trưng đến các nữ tướng cùng các danh nhân đích thực sau này, những người luôn được dân chúng ca ngợi, tôn vinh và trân trọng phụng thờ như những biểu tượng cao đẹp nhất cho công lao đóng góp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước vĩ đại của toàn dân tộc.

 Chính từ không gian văn hóa rộng lớn này, trong tâm thức bao đời, ý thức dân tộc và ý thức lịch sử, sự quý trọng vĩ nhân và ước nguyện cộng đồng, trong tư duy văn hóa người dân qua hàng nghìn năm, luôn luôn hòa quyện, phối nhập một cách hồn nhiên, hình thành nên một lẽ sống, một đạo lý tri ân, mang tính truyền thống đối với các bậc tiền nhân của cộng đồng dân tộc, bất chấp mọi thăng trầm của lịch sử và thời gian xô đẩy. Cũng bởi vậy, dõi theo suốt dọc dài lịch sử, với người Việt Nam, một cá nhân, dù công lao có lớn lao đến mấy, muốn tồn tại trong tâm thức dân gian, tất phải hóa thân vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm gốc để tạo đà sinh ra các giá trị văn hóa, được đời đời vinh danh.

Đối chiếu từ thực tế, nếu như ở khá nhiều quốc gia trên thế giới, vị trí linh thiêng dành cho các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, phụng thờ nhân vật khai sáng cho dân tộc thường chỉ dồn tụ tại một địa điểm/không gian nào đó, nhiều khi/chủ yếu do giai cấp thống trị (triều đình/nhà nước) quy định, thì với người Việt Nam, tại hầu khắp các làng bản, người dân đều có được/sáng tạo được những "địa chỉ” linh thiêng cho cộng đồng mình, nơi quy tụ, chế ngự và điều chỉnh tâm lý cộng đồng, thể hiện ở tất cả các di tích tín ngưỡng được cộng đồng lựa chọn, đồng thuận, tuân thủ qua các đời. Đi kèm với thời điểm thực hành tín ngưỡng còn là hàng loạt các nghi thức, tục hèm, các lớp văn hóa - tín ngưỡng, từ thờ lúa, thờ vật nuôi, thờ thần núi, thần cây đến nhiều loại hình sinh hoạt nghi lễ khác. Đây chính là cội nguồn để tạo đà sáng tạo ra một không gian văn hóa làng/bản độc đáo, bền vững, đủ sức trường tồn qua mọi biến cố lịch sử, trải mọi thăng trầm trước những hiểm họa tự nhiên và mưu toan đồng hóa, xâm lược của giặc thù. 

Đồng thời, cũng từ những địa chỉ tín ngưỡng linh thiêng này, cộng đồng thường xuyên tổ chức các lễ hội sinh động, náo nhiệt bên cạnh các nghi lễ trang trọng, uy nghiêm; một mặt để đánh thức mọi tiềm năng văn hóa, duy trì và trao truyền các giá trị văn hóa từ đời nọ đến đời kia, mặt khác, làm cho các lớp lang văn hóa từ khởi nguồn đến đương đại luôn luôn hòa trộn một cách tự nhiên (nhiều khi đến rắc rối, phức tạp, biến hóa), tạo ra sức mạnh văn hóa tổng lực, phục vụ trực tiếp nhu cầu đời sống xã hội, hiện tại cũng như lâu dài. Và cố nhiên, ẩn chứa trong đó còn là vô vàn những hành vi thực hành tín ngưỡng, những tục hèm mang bản sắc riêng của từng vùng đất, tùy theo nhận thức cùng lý tưởng thẩm mỹ của người dân sở tại. Cũng chính từ không gian văn hóa tín ngưỡng mang vị thế trung tâm là Phong Châu - Phú Thọ, nhờ những giá trị văn hóa với những bản sắc độc đáo của nó, Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã theo tầm lịch sử, lan tỏa tới nhiều miền, vùng trong cả nước, kết tinh thành nguồn vốn văn hóa mang đặc trưng văn hóa tâm linh Việt Nam.

                       Theo BaophuTho.VN

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục