(HBĐT) - Mường Bi - Tân Lạc là 1 trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển KT-XH, những năm qua, huyện Tân Lạc đã triển khai nhiều biện pháp để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII).


Huyện Tân Lạc bảo tồn và phát huy tốt giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Ảnh: Đội văn nghệ quần chúng xóm Lũy Ải, xã Phong Phú biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách.

Lưu giữ bản sắc văn hóa

Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú có diện tích gần 1,5 km2, với trên 80 nóc nhà sàn nằm ven các sườn đồi, gò đồi nhỏ trong thung lũng Mường Bi rộng lớn. Năm 2008, xóm được Bộ VH-TT&DL công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước; được công nhận là điểm du lịch địa phương năm 2014. Xóm Lũy Ải đang là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, mỗi năm thu hút từ 1 - 2 nghìn lượt khách thăm quan, trải nghiệm.

Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Huyện đã triển khai thực hiện quy chế bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, danh thắng, quy chế phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa tới Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Lưu giữ, phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống như các lễ hội, trò chơi dân gian (đánh mảng, bắn nỏ...). Mở các lớp học hát thường đang, bộ mẹng, nhạc cụ dân tộc... Khuyến khích việc khai thác, phát triển văn hóa dân gian các dân tộc. Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, trang phục dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc trong đời sống.

Hiện nay, toàn huyện còn lưu giữ khoảng 700 chiếc chiêng, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như: mo Mường, hát ví, thường đang, bộ mẹng... Các lễ hội được phục dựng, tổ chức theo đúng quy định. 100% xóm, bản trong huyện có đội văn nghệ quần chúng. Ngoài ra, huyện thành lập được 16 đội văn nghệ xã, thị trấn, 1 đội tuyên truyền lưu động của huyện. Trên địa bàn có 19 điểm di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh được bảo vệ và khai thác, trong đó có 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 9 điểm được UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê. Huyện có 5 ông mo được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp giấy chứng nhận có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình.

Phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập

Trong bối cảnh hội nhập, du lịch được xem là một giải pháp nhằm mở hướng cho việc khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên nhân văn. Dựa trên những tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi, lợi thế về địa lý, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong thời gian qua, huyện tập trung phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, như: du lịch cộng đồng tại làng Mường cổ Lũy Ải (xã Phong Phú), xóm Ngòi (xã Suối Hoa); xây dựng mới 2 điểm du lịch cộng đồng tại xóm Chiến (xã Vân Sơn), xóm Bưởi Cại (xã Phú Cường)… Du lịch thăm quan các điểm như: động Thác Bờ, động Hoa Tiên, động Nam Sơn, vịnh Ngòi Hoa. Du lịch văn hóa - tâm linh: chùa Kè (xã Phú Vinh), hang Bụt (thị trấn Mãn Đức), lễ hội Khai hạ Mường Bi (xã Phong Phú)... Đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hút 10 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, xây dựng dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch; trong đó, 5 dự án được UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng số vốn trên 1.829 tỷ đồng, 5 dự án còn lại đang trong quá trình thẩm định, xin ý kiến và trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy cho biết: Thực tế cho thấy, công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần quan trọng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Những thuần phong, mỹ tục được phục hồi, tập tục lạc hậu bị loại bỏ. Văn hóa chính là nguồn động lực thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển toàn diện, đồng thời cũng là mục tiêu của sự phát triển.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân bằng nhiều hình thức. Tiếp tục phục dựng các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh công tác sưu tầm; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.


Đinh Thắng


Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục