(HBĐT) - Trong chuyến hành trình vào Tây Nguyên viết sách "Người Mường Hòa Bình trên đất Tây Nguyên" của các văn nghệ sỹ Hội VH-NT tỉnh, chúng tôi đến với mảnh đất Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắc). Nơi bà con người Mường ở Hòa Bình, Phú Thọ di cư vào sinh sống từ thập niên 50 của thế kỷ trước.


Lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh với các nghệ nhân chiêng Mường ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắc.

Xã Hòa Thắng cách trung tâm thành phố khoảng 7 km. Người Mường Hòa Bình ở Hòa Thắng chiếm trên 13,47% dân số toàn xã (trên 2.300 người), tập trung tại 3 thôn 1 - 2 - 3, trong quá trình điền dã, chúng tôi được gặp gỡ với nhiều người, nhiều lứa tuổi ở nhiều vùng Mường khác nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là rất nhớ quê hương Hòa Bình. Gặp chúng tôi, biết ở Hòa Bình vào mọi người đón chào hết sức hồ hởi, ríu rít hỏi thăm. Có nhiều người vì điều kiện, từ khi sinh ra đến nay 40 - 50 năm chưa một lần được về quê...

Người Mường Hòa Bình ở Hòa Thắng bảo tồn được nhiều phong tục: ma chay, cưới xin, thờ cúng tổ tiên, quan hệ dòng tộc còn rất nhiều nét cũ. Trong câu chuyện, chúng tôi thường xuyên được nghe nhắc tên các địa danh Mường cũ ở Hòa Bình. Nhiều địa danh chính chúng tôi còn ngơ ngác không hiểu, vì tên Mường cũ đã được thay thế bằng nhiều tên mới.

Chị Bùi Thị Hạnh (SN 1960) ở thôn 3, xã Hòa Thắng. Cha mẹ chị trước năm 1954 ở Mường Cốc (Thượng Cốc - Lạc Sơn). Chị may mắn hơn nhiều người được về quê nhiều lần, là người chịu khó nghiên cứu nên chị khá am hiểu về văn hóa Mường. Chị kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện về đất Mường xưa, về 4 mường Bi - Vang - Thàng - Động.

Trong mạch tìm kiếm chúng tôi tiếp tục được gặp nhiều người nữa: ông Nguyễn Văn Đồng, ông Đinh Thế Đổng, anh Quách Vi, gia đình anh Đinh Công Chinh (thầy mo uy tín tại Hòa Thắng), gia đình anh Đinh Công Thuận… Họ là những người nhớ và hiểu biết khá rõ về Hòa Bình xưa. Trong số đó, ông Quách Cảnh có lẽ là một trong những người làm chúng tôi ngạc nhiên nhiều nhất. Ông sinh năm 1950, quê gốc Mường Khụ (tức xã Ngọc Lâu - Lạc Sơn). Mới 4 tuổi, ông theo gia đình vào Nam. Ngần ấy năm, chưa 1 lần về Hòa Bình nhưng có điều lạ là ông nhớ vanh vách về các địa danh ở Hòa Bình tên cũ cũng như tên mới. Chuyện về các vị lang Mường, vùng Mường lớn nhỏ ở Hòa Bình. Ông kể những câu chuyện cách đây đã gần 1 thế kỷ mà như câu chuyện vừa diễn ra ngày hôm qua bên cạnh nhà ông vậy, những địa danh Mường cổ ông nhớ rất nhiều. Ông tặng tôi một tấm bản đồ du lịch Hòa Bình, trong đó, ông ghi bằng bút mực khá nhiều địa danh cũ bên cạnh địa danh mới trên bản đồ.

Cùng với những thông tin khác nhau của nhiều người và của ông Quách Cảnh, chúng tôi đã xây dựng được danh mục tên gọi các địa danh cũ của Hòa Bình. Muốn thông tin, nhưng còn ngần ngại vì đây mới chỉ là dạng tư liệu thô chưa được "Hội đồng" nào kiểm chứng. Tuy nhiên khi trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, các anh động viên, khích lệ: "Đây là tư liệu quý, cũng còn nhiều người chưa biết, thông tin để mọi người tham khảo và có thể còn có nhiều ý kiến bổ sung cho hoàn chỉnh hơn nên cứ mạnh dạn đưa ra". Nhận được tín hiệu đồng ý từ các anh, chúng tôi đưa ra các địa danh mới - cũ như sau:

Huyện Tân Lạc tên mới và tên cũ như sau: Phú Vinh - Mường Giác; Phong Phú - Mường Bi; Mỹ Hòa - Mường Ngay; Quy Hậu (cũ) - Mường Khang; Địch Giáo - Mường Khạng, Mường Kha; Quy Mỹ (cũ) - Mường Dâm; Do Nhân - Mường Khống; Lỗ Sơn - Mường Troó; Mãn Đức (cũ) - Mường Bui; Tử Nê - Mường Chùa; Thanh Hối - Mường Nel; Đông Lai - Mường Khơi; Ngọc Mỹ - Mường Piêng, Mường Quăng, Mường Phung; Gia Mô - Mường Kêm, Mường Trăn.

Huyện Lạc Sơn: Tuân Đạo - Mường Nạc; Tân Lập - Mường Vang; Văn Sơn - Mường Khênh; Nhân Nghĩa - Mường Vó; Xuất Hóa - Mường Xưa; Liên Vũ (cũ) - Mường Trào; Bình Cảng (cũ) - Mường Cảng; Yên Phú - Mường Trắng - Mường Vành; Bình Chân (cũ) - Mường Cổi; Yên Nghiệp - Mường Diềng; Ân Nghĩa - Mường Khói; Tân Mỹ - Mường Mắc, Mường Bãi Nại, Mường Câu, Mường Nẹc; Phúc Tuy (cũ) - Mường Rồng, Mường Chil, Mường Đảy; Chí Đạo - Mường Ảng; Định Cư - Mường Ót; Thượng Cốc - Mường Cốc; Chí Thiện - Mường Khặng.

Huyện Cao Phong: Bắc Phong - Mường Má; Tây Phong - Mường Bằng, Mường Đồi, Mường Lai, Mường Bảm, Thu Phong - Mường Thá, Mường Túng; Nam Phong - Mường Mạc Khuộn, Mường TLeo; Dũng Phong - Mường Rú, Mường Quáng, Mường Thàng, Mường Ong, Mường Đúc, Mường Trang Cạn; Yên Thượng (cũ) - Mường Thạch Yên, Mường Ngảl, Mường Tal.

Huyện Kim Bôi: Đú Sáng - Mường Đú; Tú Sơn - Mường Đếch (Rếch); Đông Bắc - Mường Tầm; Vĩnh Đồng - Mường Động; Kim Bình - Mường Bo; Kim Truy (cũ) - Mường Yên.

Huyện Lương Sơn: Tân Vinh - Mường Cời; Lâm Sơn - Mường Đồn, Mường Bận.

Thành phố Hòa Bình: Khu vực các phường: Thịnh Lang, Tân Thịnh, Hữu Nghị, Tân Hòa - Mường Thịnh Lang; khu vực phường Chăm Mát (cũ): Mường Chăm, Mường Vát; xã Dân Chủ (cũ) - Mường Rậm.

Huyện Lạc Thủy: Hưng Thi - Mường Măng; Đồng Môn (cũ) - Mường Pỏ; An Bình - Mường Đập, Mường Pôn.

Huyện Yên Thủy: Các xã Lạc Sỹ, Lạc Lương - Mường Âm; Đa Phúc - Mường Khào, Mường Khạ; Bảo Hiệu - Mường Rụng.

Huyện Đà Bắc: Tu Lý (cũ) - Mường Đà; Vầy Nưa - Mường Nưa.

Huyện Mai Châu, huyện Kỳ Sơn (cũ) chúng tôi chưa tìm thấy tư liệu.

Có những địa danh chúng tôi sưu tầm có thể có độ sai lệch về phát âm tiếng Mường ra tiếng Việt, hoặc có thể người cung cấp nhầm lẫn mà chúng tôi chưa có thời gian xác minh, hoặc còn nhiều địa danh Mường trước đây có tên nhưng chúng tôi chưa biết đến… Hy vọng sau khi thông tin sẽ nhận được sự phản hồi của các nhà nghiên cứu, Nhân dân địa phương và những ai quan tâm. Với mong muốn xây dựng được một bản đồ ghi địa danh các vùng Mường cổ của Hòa Bình đầy đủ, chính xác hơn, góp phần vào việc tra cứu địa lý, tài liệu, văn tự cổ cho những người nghiên cứu về Hòa Bình.


Lê Quốc Khánh

(Hội VH-NT tỉnh)

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục