Mang ý nghĩa cầu mùa, khai hạ đầu năm mới, lễ hội rước Bụt Khụ Dúng ở huyện Lạc Sơn là hoạt động văn hoá, nghệ thuật dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân địa phương, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc.


Nghi lễ rước Bụt từ hang Khụ Dúng về bãi tổ chức lễ hội rước Bụt Khụ Dúng năm 2024, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn).

Có nguồn gốc từ xa xưa, đây là lễ hội của người dân Mường Vó (Vó Dò, Vó Trên, Vó Giữa) thuộc xã Nhân Nghĩa được lưu truyền, gìn giữ cho đến nay. Từ sau khi phục dựng vào năm 2012, lễ hội duy trì 3 năm tổ chức 1 lần, mùng 8 tháng Giêng là ngày chính hội.

Xuân Giáp Thìn 2024, tại địa điểm thờ Bụt khu vực hang Khụ Dúng, giữa không gian bãi hội rộng lớn, lễ rước Bụt Khụ Dúng diễn ra tưng bừng, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự. Không bó hẹp ở vùng Mường Vó, đây còn là lễ hội lớn của các xã vùng Cộng Hoà. Người dân vùng Mường nô nức về đây bày tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ công ơn của thần, Phật, còn gọi là Bụt đã che chở, nâng đỡ để mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, muôn dân được ấm no, hạnh phúc, bình an.    
  
Trong hang Khụ Dúng thờ Bụt và các vị Ngô Vương, Hành Xiển, Cun Bông. Những người già trong làng kể lại, vào những năm kháng chiến chống Mỹ, hang Khụ Dúng  trở thành nơi che chở cho du kích, bộ đội ta làm nơi sản xuất, chế tạo vũ khí đánh đuổi giặc ngoại xâm, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc. Các nhà khảo cứu, nghiên cứu đã đưa ra các dẫn chứng khoa học chứng minh hang Bụt Khụ Dúng là di tích của nền Văn hoá Hoà Bình. Hang còn nằm trong danh mục di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh nhờ có nhiều cảnh đẹp, vòm động cao thoáng, hệ thống nhũ đá, măng đá, cột đá với hình thù kỳ lạ. Trong hang có 6 động chính, gồm động ngoài, động trục chính, hang Chuông, động Con Tằm, động Giếng Nước, động Cối Xay. Mỗi động mang vẻ đẹp của tạo hoá vừa kín đáo, vừa lộng lẫy, linh thiêng.

Vào ngày diễn ra lễ hội chính, từ sáng sớm, người dân chuẩn bị các lễ vật dâng cúng Phật. Sau thủ tục dâng hương, dân làng tiến hành đám rước kiệu Bụt từ hang Khụ Dúng đến các điểm thờ tại xóm Vó Dò, Vó Trên, Vó Giữa để làm lễ cúng thần rồi mới rước Bụt về bãi trung tâm - nơi tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội.

Bà Bùi Thị Khẹn, xóm Vó Dò chia sẻ: Với người dân vùng Mường Vó, lễ hội rước Bụt Khụ Dúng được tổ chức như để tổng kết 1 năm sản xuất, mở đầu cho công việc năm mới hanh thông, thuận lợi, mọi người cùng cầu mong xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, phát triển. Đồng thời là nơi con người tiếp cận, giao hoà cởi mở với nhau hơn, gạt bỏ những lo toan, vất vả của cuộc sống thường nhật, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng, làng xóm cư dân Mường. Theo quy định, phải sau khi tổ chức xong lễ rước Bụt, người dân trong xóm, trong mường mới được phép vào rừng lấy măng, lấy củi, săn bắn…

Không khí lễ hội càng trở nên rộn ràng hơn với hoạt động phần hội cùng các trò chơi dân gian mang tính chất thi thố tài năng: bắn nỏ, đánh mảng, ném còn, đi cà kheo; chương trình văn hoá, văn nghệ dân gian truyền thống: hát đúm, thường đang bộ mẹng, trình tấu nhạc cụ dân tộc; hội thi ẩm thực dân tộc Mường. Ban tổ chức còn lựa chọn môn bóng chuyền để thi đấu trong ngày hội. Đặc biệt, năm nay lễ hội tổ chức hội thi trình diễn trang phục dân tộc Mường, với sự tham gia của hơn 20 thí sinh đến từ các khu dân cư của xã trung tâm vùng Mường Vó. 

Theo đồng chí Bùi Văn Tin,   Chủ tịch UBND xã Nhân Nghĩa, lễ hội được bảo tồn, duy trì và tổ chức nhằm đáp ứng đời sống văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân. Mặt khác, du khách đến đây được tham quan không gian di tích lịch sử danh lam thắng cảnh, khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của hang Khụ Dúng. Trên hành trình khám phá văn hoá, du lịch vùng đất Mường Vang - Mường Vó, lễ hội là điểm đến hấp dẫn, bản sắc, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa. 

 
  Bùi Minh

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục