Trước những băn khoăn về chất lượng các bộ phim đoạt giải, trả lời câu hỏi của phóng viên: "Có nên tiếp tục trao giải Cánh diều nữa không", đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và đạo diễn Lê Bảo Trung đã trình bày những quan điểm khác nhau về giải Cánh diều.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Có cơ sở để lo rằng Giải Cánh diều năm nay chỉ là bản sao LHP QG

Mô tả ảnh.
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn trên phim trường.

Mấy chục năm nay giải thường niên của Hội Điện ảnh VN vẫn tồn tại song hành với LHP Quốc gia, chẳng thấy ai đặt vấn đề giải của Hội là cái bóng của LHP VN. Vậy mà năm nay, vấn đề ấy bỗng nhiên được đùng đùng đặt ra như chán chường, như tiên tri, lại như báo động...

Người ta cũng chẳng bao giờ có nỗi lo ngược lại, lo rằng là LHPQG trở thành bản sao của giải Cánh diều Vàng. Vì ngay cả khi tổ chức sau giải của Hội, LHPQG vẫn không bị kết quả của Cánh diều Vàng chi phối. LHPQG có quyền lực riêng, nó sẵn sàng ốp các BGK cho giải khác với giải Cánh diều Vàng. Cánh diều Vàng tổ chức sau LHP thì tình hình có khác.

Các “nghệ sỹ chân đất” trong các BGK Cánh diều Vàng dù luôn tự tin và kiêu hãnh hơn các “nghệ sỹ chân giày” trong các BGK của LHP, vẫn ít khi dám chống lại một kết quả trong giải thưởng LHP trước đó. Vì thế, người ta có cơ sở để lo rằng Giải Cánh diều năm nay chỉ là bản sao LHPQG.

Có thể Cánh diều Vàng sẽ bị trở thành cái bóng của LHPQG trong cái năm “hổ dữ” này thôi. Về lâu dài nó vẫn luôn độc lập và sang trọng như nhiều năm trước đó. Nhưng biết đâu, năm nay các nghệ sỹ điện ảnh sẽ vượt lên "lời nguyền" ? Nỗi lo của xã hội sẽ như lời cảnh báo, như một thứ đô-ping kích cho họ trở nên mạnh mẽ, quyết tâm làm nghệ sỹ, quyết tâm là chính mình để cho ra một kết quả thuyết phục khác hẳn với LHPQG lần thứ 16 thì sao?

Nhà biên kịch Hồng Ngát: Nếu các hội khác trao giải mà Hội Điện ảnh không thì sẽ rất buồn cười!

Mô tả ảnh.
Nhà biên kịch Hồng Ngát.
Thực ra tất cả các hội từ Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc đến Hội Nghệ sĩ sân khấu... chứ không riêng gì Hội Điện ảnh đều trao giải thưởng hàng năm để tôn vinh lao động của nghệ sĩ. Có 10 hội thì 10 hội đều được quyền trao giải thưởng thường niên và đều được cấp tài chính như nhau. Do vậy nếu các hội khác trao giải mà Hội Điện ảnh không làm thì sẽ rất buồn cười.

Điện ảnh có đặc thù riêng là loại hình được công chúng rất quan tâm. Khán giả rất muốn biết mặt những diễn viên tham gia các bộ phim họ từng xem. Diễn viên là trung tâm của màn ảnh. Vậy thì tại sao không nhân dịp đó để quảng bá cho cả nước biết mặt những người đoạt giải lại vừa tôn vinh lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ. Vì thế không thể tổ chức úi xùi như bắc rạp giữa sân hay trao giải riêng trong văn phòng của Hội như trước đây.

Điện ảnh là lĩnh vực được công chúng quan tâm hơn cả nên giải Cánh diều cũng bị soi xét nhiều hơn những giải thưởng thường niên của các hội nghề nghiệp khác. Với giải Cánh diều, tôi thấy ít nhất nó cũng là một ngày hội để những người làm phim gặp gỡ nhau. Trong cuộc đời có rất ít ngày vui và trong một năm thì ít nhất lễ trao giải Cánh diều cũng là một ngày vui với những nghệ sĩ.

Giải Cánh diều cũng giống như một sự động viên với những người làm nghề. Nếu như đoạt giải thì ít nhất anh cũng có một vị thế nhất định trong giới. Thêm nữa, sau này, việc đoạt giải thưởng nào đó cũng được tính vào việc xét danh hiệu nghệ sĩ. Ví dụ ba lần giành giải xuất sắc ở LHP hay Cánh diều thì sẽ được xét thẳng danh hiệu NSƯT mà không cần xin xỏ. Danh hiệu chỉ là cái danh nhưng cũng là sự ghi nhận sự cống hiến của nghệ sĩ. Danh hiệu ấy khi chết họ không mang đi được nhưng lại để lại một giá trị tinh thần cho con cháu. Do vậy, giải thưởng vừa là sự động viên, vừa là quyền lợi của các nghệ sĩ nữa.

Thêm nữa, tôi cho là chúng ta không thể không duy trì việc trao giải Cánh diều hàng năm vì đây là lệnh của cấp trên. Điều này là không thay đổi được. Có điều là nên tìm cách trao giải cho hấp dẫn và hợp lý hơn. Ý kiến của các nhà báo rất đúng. Chỉ những nghệ sĩ đi trước và có thành tựu thì mới được quyền trao giải cho thế hệ sau. Nhiều cô người mẫu rất đẹp, nhưng họ làm ở lĩnh vực khác, trong lĩnh vực điện ảnh họ là gì mà lên bục trao giải cho các nghệ sĩ? Điều này tạo nên cảm giác không tôn vinh được các nghệ sĩ.

Đạo diễn Lê Bảo Trung: Một giải có tới 6000 người chấm và một giải chỉ có 10 người chấm thì chắc chắn nó phải khác nhau!

Mô tả ảnh.
Đạo diễn Lê Bảo Trung chỉ đạo một cảnh quay trong "Nhật ký Bạch Tuyết’.
Lý do năm nay bộ phim "Nhật ký Bạch Tuyết" của tôi không tham dự giải Cánh diều vì nhà sản xuất không gửi đi. Nhưng nếu được quyết định thì tôi cũng không gửi phim tham gia giải này vì khi làm "Nhật ký Bạch Tuyết" tôi không có chủ đích sẽ mang đi tranh giải mà mục đích là hướng về khán giả.

Chừng nào làm phim mà mục đích để nhắm giải thưởng nào đó thì chắc chắn tôi sẽ gửi phim tham dự giải Cánh diều bởi đây là giải thưởng mà tôi rất trân trọng. Trước đây khi được nhận giải Cánh diều cho phim Hải Âu tôi cũng thấy rất vinh dự.

Giải thưởng là niềm khích lệ và tôn vinh cho những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Nhưng chất lượng của giải thưởng thế nào thì nó sẽ đánh giá được tầm quan trọng của giải đó. Tôi thấy không hay khi có năm không bộ phim nào đoạt giải Cánh diều Vàng. Một năm cho dù chỉ có 5 phim đi thi, chất lượng không cao nhưng cũng phải tìm ra một phim nhỉnh hơn số còn lại để trao giải vàng.

Trao giải Cánh diều Vàng nhưng rồi lại không tìm được bộ phim nào đoạt giải vàng vì nó không xứng đáng thì đừng có làm giải đó làm gì. Cho dù nó dở nhưng nó vẫn đứng đầu trong số 5 phim hay 8 phim tham gia thì nó vẫn xứng đáng giành giải Vàng. Cho dù năm nay chất lượng phim tham gia Cánh diều có thể dở hơn hoặc hay hơn phim tham gia Cánh diều năm trước nhưng nó vẫn phải được tôn vinh với giá trị đó. Nếu được trao Diều vàng thì người nghệ sĩ sẽ cảm thấy vinh dự hơn vì năm đó phim của họ được công nhận là hay nhất.

Mặc dù không có phim dự giải năm nay nhưng tôi vẫn rất quan tâm đến những thông tin xung quanh Cánh diều. Tôi rất muốn biết thẩm định nghệ thuật của giới nghệ sĩ xung quanh các bộ phim tham gia tranh giải thế nào, khán giả sẽ quan tâm đến phim nào và giữa khán giả và BGK có sự đồng cảm nào với nhau không. Riêng năm nay tôi thấy phim Công chúa teen và ngũ hổ tướng có nhiều khán giả nhưng Đừng đốtChơi vơi lại được một số giải thưởng nên muốn biết khuynh hướng của người chấm giải sẽ như thế nào. Không biết khán giả sẽ quan tâm đến Đừng đốt hay Công chúa teen?

Đương nhiên khi làm phim ai cũng có mục đích riêng, chứ chẳng có ai lại không biết mình làm phim ra để làm gì. Mục đích của Đừng đốt Chơi vơi là dự giải nên nếu đoạt giải thì họ đạt được mục đích của mình rồi. Cái hay cái dở phụ thuộc vào sự nhìn nhận của BGK. Nhưng nếu như giải Cánh diều chỉ có vài thành viên thì Oscar họ có tới mấy nghìn thành viên Viện Hàn lâm chấm giải. Một giải có tới 6000 người chấm (Oscar) và một giải chỉ có 10 người chấm (Cánh diều) thì chắc chắn nó phải khác nhau. Do vậy, nếu muốn có một sự thay đổi ở giải Cánh diều thì tôi đề nghị ở giải năm sau ít nhất phải có 100 người chấm có uy tín và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

                                                                                      Theo VNN

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục