Phần lớn những ông, bà bầu khởi nghiệp đều gặp thuận lợi. Nhưng ở đoạn cuối chặng đường, không ít người trong số họ toàn gặp những điều ngang trái

Bà bầu Hương Loan nổi tiếng với “đại bang” Sao Đêm, một thời làm mưa làm gió trên thị trường ca nhạc Việt Nam những năm thập niên 90 của thế kỷ trước. Đó là một người đàn bà quyền lực nhất của giới nghệ sĩ cả về tiền bạc và thế lực. Thế nhưng có ai ngờ...


Bầu Minh Quân và NSƯT Vũ Linh

Tiền vô như núi, nợ đòi tứ phương


Không chỉ được mệnh danh là bà bầu chơi sang, bầu Hương Loan còn nổi tiếng là người thích thử nghiệm những chiêu thức mới trong hoạt động biểu diễn.

Đoàn ca nhạc Sao Đêm mỗi tối tổ chức ba điểm diễn khác nhau ở mỗi tỉnh. Hầu hết các ngôi sao ca nhạc đều đã cộng tác lưu diễn dài hạn với đoàn Sao Đêm, trong số họ có không ít tên tuổi nổi tiếng nhờ trở thành ca sĩ thường trực của bầu Hương Loan.


Vốn chơi sang nên đưa đoàn đến tỉnh, thành nào bà cũng đều thuê khách sạn hạng sang cho nghệ sĩ ở; ngay cả nhân viên hậu đài, chuyên viên âm thanh, bảo vệ, soát vé cũng được ăn theo.

Ca sĩ Phương Thanh tâm sự: “Tôi quý chị Hương Loan như một người chị tinh thần. Những năm sau này đoàn Sao Đêm thua lỗ do chị chủ quan cứ tổ chức biểu diễn quanh năm suốt tháng. Tiền lãi những đêm diễn đông khán giả không bù lỗ nổi cho những suất hát ế ẩm ngày càng nhiều, nên nợ nần đến với chị cứ chồng chất”.

Bầu Hương Loan đã nhiều lần cầu cứu ca sĩ Ngọc Sơn giúp chị trả tiền nợ thuê nhà. Cuộc sống của chị ngày càng lâm vào cảnh khốn cùng vì món nợ vay quá cao, lãi mẹ đẻ lãi con ngày một lớn. Bà đã rút lui khỏi làng giải trí, sau đó nghe tin đã xuống tóc quy y tại một ngôi chùa ở đèo Hải Vân,  thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

NSƯT Minh Vương cho biết: “Anh em chúng tôi đã có lần quyên góp tiền giúp cô Loan, vì cô bị bệnh tai biến mạch máu”.


Chết trong nợ nần, cô độc


Giới sân khấu còn lưu truyền câu chuyện về một bà bầu cuối đời ra đi trong cô độc. Đó là bầu Ba Bê.

Bầu Bòn nổi tiếng ở Sóc Trăng, có ba chiếc ghe tam bản lớn, gánh hát đi đến đâu đều thắng lớn. Trong gánh hát có một phụ nữ làm nghề gác cửa. Một lần người phụ nữ ấy làm mất thùng tiền bán vé vét của bầu Bòn, nên phải gá đứa con gái của mình là Ba Bê cho bầu Bòn xem như để bồi thường. Bầu Bòn xem cô gái ấy như vợ bé, lăng xê thành cô đào chánh và thành công nổi tiếng với những vai đào thương.

Sau đó vì tính trăng hoa của bầu Bòn nên bà Ba Bê hận ông, bỏ xứ lên Sài Gòn lập gánh hát với người chồng sau, đóng ở đình Cầu Muối. Bản tính của Ba Bê quá hiền lành, nên liên tục thất bại trong nghiệp bầu.

Gánh hát sụp đổ, nợ nần chồng chất. Bà bầu Ba Bê đi tu sau khi cầu cứu con dâu của chồng cũ là bà Kim Chưởng, đứng ra trả nợ. Cuối đời bà bầu Ba Bê tu tại một ngôi chùa ở Vĩnh Long, lìa cõi đời trong cô độc.
 
Bầu Thanh Giang (hay còn gọi là bầu Quới) một thời được xem là ông bầu giàu nhất miền Nam. Doanh thu mỗi đêm diễn đã giúp ông mua 3 căn nhà mặt tiền.

Không chỉ thắng lớn ở các TP lớn, đoàn của ông lưu diễn ở bất cứ tỉnh, thành nào từ miền Trung đổ vào miền Nam đều đạt doanh thu cao.

Khi có trong tay số tài sản kếch sù từ việc làm bầu, ông ngỏ lời cầu hôn một nữ ngôi sao sân khấu. Hôn sự không thành, quá chán nản ông sinh ra trò đỏ đen, đánh đề, đá gà... và mê tín dị đoan đến nỗi bất cứ lời phán truyền nào của thầy bói ông cũng đều nghe theo!

Ông có thể chơi một ván bài 10 lượng vàng, bao số đề “nguyên lô” vài trăm triệu đồng. Sự nghiệp làm bầu của bầu Thanh Giang tiêu tan vì nợ nần chồng chất.

Nổi tiếng là ông bầu “tiền rừng bạc biển” nhưng những năm gần cuối đời lâm bệnh nặng không có ai nuôi, mẹ ông trên 80 tuổi vừa lo tang chồng vừa vào bệnh viện nuôi ông. Lúc đương thời ông có trên 10 căn nhà, ngày tàn nghiệp bầu, ông phải ở nhà thuê.

Ông qua đời tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, để lại số nợ cho người mẹ già gánh. NSƯT Vũ Linh đã đứng ra trả hết nợ và lo chu tất đám tang cho ông bầu đã một thời giúp anh tạo dựng nên tên tuổi.


Điểm lại số phận của những ông bà bầu để thấy có người sống đàng hoàng được tổ đãi, nghệ sĩ kính trọng; một số người sống không có lương tâm nghề nghiệp nên phải hứng chịu những chuyện không hay. Công bằng mà nói chính nhờ những ông, bà bầu mà đời sống tinh thần người dân nghèo vùng sâu vùng xa được cải thiện, góp phần đưa nghệ sĩ, ca sĩ đến gần hơn với công chúng.

Theo NSƯT Kim Cương: “Bầu chính là người nắm bắt thời cơ, định hướng và góp phần vạch ra xu hướng phát triển cho làng giải trí ở mỗi giai đoạn. Không có bầu, không thể có ngôi sao”.

Chỉ yêu nghề thôi, chưa đủ


Số phận những ông, bà bầu cải lương một thời đều có mẫu số chung là sự tận tụy với nghề nhưng lại thiếu chiến lược phát triển. Trừ những “đại bang” có hậu thuẫn kinh tế lớn như Bầu Thơ (đoàn Thanh Minh - Thanh Nga), Kim Chưởng, bầu Xuân (Dạ Lý Hương), bầu Mười Cơ (đoàn Tinh Hoa), bầu Long (Công ty Kim Chung), bầu Thu An (Đoàn Hương Mùa Thu)... còn lại đều có phong cách làm việc tùy hứng. Có người nổi hứng đứng ra làm bầu, ba tháng sau bán nhà trả nợ, dẫn con cái ra ngủ ở gầm cầu. Có người vay nợ nóng với lãi suất cao, lập gánh hát chỉ công diễn được một vở rồi trốn mất!

 

                                                                               Theo NLĐ

Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục