Chợ văn hóa (hay còn gọi là chợ phiên) miền núi được nhiều người biết đến như một "đặc sản" của các tour du lịch, một đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Mỗi chợ phiên miền núi là một bảo tàng sống về sinh hoạt văn hoá cộng đồng, nơi chứa đựng nhiều nét văn hóa tộc người đặc sắc với những phong tục, tập quán vùng miền phong phú, đa dạng. Thế nhưng, dưới tác động của cơ chế thị trường và "sức nóng" của phát triển du lịch, nhiều phiên chợ ở vùng cao Tây Bắc đã và đang mất dần đi cái vẻ nguyên sơ vốn có của nó...

Sắc màu chợ phiên trên cao nguyên trắng

Qua thị trấn Bắc Hà chừng 30km, xe ôtô đưa chúng tôi tới chợ phiên Cán Cấu - một trong không nhiều những phiên chợ thuộc loại lớn nhất, nhì trên vùng cao Tây Bắc. Chợ nằm giáp ranh giữa huyện Bắc Hà và huyện Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai, họp vào ngày thứ 7 hàng tuần.

9 giờ sáng, khi chúng tôi đến thì chợ đã đông. Anh cán bộ văn hóa tỉnh đi cùng đoàn cho chúng tôi biết, theo chủ trương của tỉnh, chợ được quy hoạch thành chợ văn hóa nhằm tạo ra một điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch Lào Cai - Sa Pa - Bắc Hà. Nhưng cứ mỗi lần Nhà nước đầu tư xây cất chợ thành khang trang thì bà con lại chuyển đi nơi khác. Giờ chợ đóng ngay ven con đường 153 độc đạo nối Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai.

Dù mỗi năm đón hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến thăm nhưng Cán Cấu vẫn giữ được bản sắc của một chợ phiên vùng cao, vẫn là một cái chợ thuần rừng pha chút du lịch ngây thơ. Không có ngôn ngữ chung ở đây, người dân tộc nào đến chợ dùng tiếng nói của dân tộc đó, rất ít người biết tiếng Kinh. Trên tấm nilon trải ngay xuống nền chợ, người ta bày ra những món hàng dân dã: mấy chai mật ong rừng, vài mặt hàng nông sản, ít công cụ lao động... Họ rì rầm trao đổi, mặc cả, bán mua theo cách của riêng mình khiến du khách phương xa nghểnh tai ngơ ngác.

Chúng tôi gặp ở đây rất nhiều khách du lịch Anh, Ý, Mỹ, Pháp... Một đôi vợ chồng già người Israel đến bắt chuyện nhờ chúng tôi phiên dịch giúp để mua đồ lưu niệm. Đôi vợ chồng du khách tỏ ra rất thích thú với những món đồ được làm thủ công tinh xảo, khéo léo và những tấm khăn thổ cẩm thêu tay. Họ bảo, khung cảnh ở đây thật tuyệt, tuyệt nhất là cả con người và sản vật vẫn còn giữ được nét hoang sơ, dân dã.

Hương rừng, gió núi bay đi ít nhiều...

Theo lời anh cán bộ của Sở Văn hóa tỉnh Lào Cai thì ở vùng đất cao nguyên trắng này có khá nhiều phiên chợ lớn được quy hoạch thành chợ văn hóa nhằm thu hút khách du lịch như chợ Bắc Hà, Cốc Ly, Lùng Phình, Bảo Nhai, Cán Cấu... Tuy nhiên, việc quy hoạch chợ theo chủ trương của các cấp lãnh đạo cùng với xu hướng thương mại hóa, "Kinh hóa" đã khiến cho nhiều phiên chợ vùng cao bị biến đổi, bị mai một các giá trị truyền thống. Rất ít chợ còn giữ được những nét riêng độc đáo, dung dị, thuần hậu như vốn có ở thời chưa xa trước đây, mà Cán Cấu là một trong số hiếm hoi đó.

Ngay như chợ Bắc Hà, từng được Tạp chí Serendib (Sri Lanka) bình chọn là một trong 10 phiên chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á giờ đây cũng đã ít nhiều đổi khác. Trước kia, chợ Bắc Hà họp trên một quả đồi thoai thoải, nhưng giờ chợ đã được xây mới trên nền bê-tông, mái ngói đỏ tươi với những dãy ki-ốt chia lô đều đặn. Các loại mặt hàng như nông sản, thổ cẩm, vật dụng gia đình... cũng được chia ra theo từng khu vực. Xung quanh chợ, đường sá, công viên, nhà cao tầng được xây dựng ngày càng nhiều. Điều này đã làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của chợ, phá vỡ không gian văn hoá sinh hoạt chợ truyền thống vốn là đặc trưng của đồng bào vùng cao, đó là không gian tự nhiên, thoáng đãng, nơi con người giao lưu gặp gỡ, sinh hoạt văn hoá tinh thần và hòa nhập với núi rừng. Không đồng tình với cách làm này, nhiều khách thương đã bỏ ki-ốt chuyển ra ngồi trên các bãi đất trống rìa chợ.

 Hiện nay nhiều váy thổ cẩm đã được thêu và may bằng máy may công nghiệp.

Đến chợ Bắc Hà hay một số chợ phiên nổi tiếng khác ở Lào Cai, người ta có thể thấy các quầy hàng bày la liệt những món đồ lưu niệm được sản xuất hàng loạt bằng máy móc, được cất từ dưới xuôi lên hay từ bên Trung Quốc sang để bán cho du khách. Chủ của những sạp hàng này phần nhiều là người Kinh dưới xuôi lên làm ăn buôn bán, họ cũng học được vài câu tiếng dân tộc để lừa khách rằng mình là người dân tộc, để tha hồ nói thách và hét giá. Một mặt hàng lưu niệm độc đáo mà khách du lịch nước ngoài rất thích là bộ trang phục thổ cẩm của người dân tộc. Tuy nhiên, giờ đây thật khó để có thể mua được một bộ váy áo thổ cẩm "xịn", do chính tay người phụ nữ Mông làm. Thay vào đó là bạt ngàn những chiếc váy thổ cẩm "nửa mùa" được may từ vải Trung Quốc, bằng máy may Trung Quốc; hoa văn trên váy cũng được thêu bằng máy với các sợi kim tuyến lóng lánh. Nhìn những món đồ bóng bẩy, diêm dúa được làm bằng máy và các chất liệu công nghiệp ấy mới thấy nhiều giá trị truyền thống đang dần mất đi trước sự xâm thực của cuộc sống hiện đại!

Đó là chưa kể tại một số phiên chợ vùng cao, người ta còn bày bán vô số các mặt hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ bánh kẹo, mì chính, nước giải khát, thậm chí cả dược phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và công dụng. Du khách cũng có thể bắt gặp đâu đó cảnh mời chào, chèo kéo hay cảnh xin tiền du khách trước khi cho chụp ảnh, trước khi cho nghe thổi khèn, cho xem múa gậy. Tính thực dụng thái quá không biết từ bao giờ đã bắt đầu lây nhiễm, làm mất đi bản chất vô tư hào phóng, lối sống chân thành, chất phác của một bộ phận người dân vùng sơn cước.

Đâu là giải pháp?

Vẫn biết hiện đại hóa là xu hướng tất yếu. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển du lịch miền núi thì việc các phiên chợ vùng cao thay đổi bộ mặt là lẽ đương nhiên. Nhưng du khách từ xa đến sẽ thoáng chút thất vọng, sẽ không khỏi lo âu nếu sự thay đổi đó xóa nhòa những nét đẹp mang đậm bản sắc, làm mai một những kết tinh văn hóa đã được tích lũy qua ngàn đời. Bài học về quy hoạch, phát triển du lịch từ thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và trong một chừng mực nào đó là cả Sa Pa (Lào Cai) vẫn còn nguyên giá trị. Một ý thức giữ gìn các giá trị truyền thống bởi chính người dân bản địa; một chủ trương, đường lối đúng đắn trong việc thay đổi cái gì, giữ nguyên cái gì, bảo tồn cái gì, phát triển cái gì từ phía các nhà quản lý, thiết nghĩ, là điều cần phải có để những phiên chợ văn hóa vùng cao Tây Bắc mãi hấp dẫn du khách bằng chính nét nguyên sơ, dung dị và trong trẻo của nó. Đó mới là cách phát triển bền vưng nhất, thành công nhất.

                                                                       Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục