100 chiếc trống đồng được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống sẽ trình làng và hòa âm trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chương trình đúc trống đồng dâng đại lễ do Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Liên chi hội di sản văn hóa Lam Kinh (Thanh Hóa), Hội Cổ vật Thanh Hóa, Hội Doanh nghiệp trẻ Thanh Hóa và Công ty hữu nghị Á Châu phối hợp thực hiện.

Trong cuộc họp báo vừa diễn ra tại Hà Nội, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: Trống đồng là vật linh thiêng, là đặc trưng văn hóa của Việt Nam được dâng lên Đại lễ 1000 năm với hào khí Thăng Long sẽ là sự kiện tiêu biểu, độc đáo trong đại lễ.

Chương trình đã được khởi động với nghi lễ cầu an, cầu phước, cầu Quốc thái dân an nhập linh trống đồng, lễ nổi lửa chập lò đúc trống được tổ chức trang nghiêm và hoành tráng tại Đông Sơn - Thanh Hóa (ngày 22/12/2009). Dự kiến 100 chiếc trống đồng này sẽ hoàn thành và tổ chức nghi lễ cầu an, cầu phúc và trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.

100 chiếc trống đồng này được đúc bằng phương pháp thủ công, bảo đảm chất lượng, kỹ xảo, hoa văn mỹ thuật, yếu tố lịch sử, văn hóa được ghi chép trong hồ sơ từng trống, mang ý nghĩa bảo tồn, gìn giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc. Các hoa văn trên mặt, thân của 100 chiếc trống đồng được các nghệ nhân thể hiện trên cơ sở phiên bản của trống đồng Ngọc Lũ, Quảng Xương, Hoàng Hạ và Sông Đà. Những chiếc trống đồng này không phải đúc theo mẫu của các trống đồng vừa nêu theo tỷ lệ 1/1, mà có sự sáng tạo trên cơ sở hoa văn của 4 loại trống đồng vừa nêu và đưa về chung một kích thước: đường kính mặt 60cm, chiều cao thân trống 48cm, trọng lượng mỗi chiếc trống từ 55 - 60kg đồng. Kinh phí đúc trống đồng phần lớn huy động từ nguồn xã hội hóa. Việc đúc 100 chiếc trống đồng do Cơ sở đúc đồng Thiều Quang Tùng (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn), Cơ sở đúc đồng Lê Văn Bảy (làng Chè Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và Cơ sở đúc đồng Nguyễn Minh Tuấn (TP. Thanh Hóa) thực hiện.

Những chiếc trống đầu tiên mới ra lò được đánh thử trong họp báo.

Ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Hội Di sản Lam Kinh - Thanh Hóa cho biết: Trước khi đúc, hội đã tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học cả về phương pháp đúc lẫn âm thanh trống đồng. "Chúng tôi đúc 100 trống với qui trình nghiêm ngặt, không được thủng, không có một vấn đề gì kể cả về âm lượng và âm thanh. Chúng tôi đã đúc xong 26 chiếc. Và để chuẩn bị, chúng tôi có 32 khuôn để sẵn sàng đổ đồng vào đúc. Mỗi chiếc trống đồng phải đúc trong thời gian 60 ngày nên chúng tôi tính toán trước ngày 12/9 sẽ xây dựng kịch bản Festival trống đồng để rước trống từ Thanh Hóa ra và tặng cho Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", ông Hồ Quang Sơn nêu rõ.

Trong số 100 chiếc trống quý, đáng chú ý phải kể đến chiếc trống đại tặng thành phố Hà Nội. Nó sẽ được làm theo hình dáng và hoa văn thời nhà Lý. Đường kính trống 1m, cao 79m, trang trí bằng 1.000 con rồng thời Lý. Trên mặt trống, ngoài hai con cóc (theo truyền thống trống đời Lý) còn có hai cụ rùa. Bệ trống cao 120cm, mỗi mặt 9 con rồng (thể hiện cho Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long). Bên cạnh đó còn có chiếc trống đồng tặng Đảng và Nhà nước nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 120cm, trên đó đưa 9 hình ảnh đặc sắc trong cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.

Đặc biệt, màn biểu diễn hòa khí 100 trống đồng cùng cồng chiêng có tên gọi "Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long" trong 10 phút sẽ là một trong những sự kiện độc đáo, một ý tưởng hấp dẫn, tạo dấu ấn hoành tráng về tinh thần Đại Việt trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã hoàn thành hợp xướng cho buổi biểu diễn này và việc dàn dựng sẽ được tiến hành trong thời gian tới.

Sau đại lễ, Ban tổ chức sẽ tổ chức lễ bàn giao trống đồng cho đại diện các tỉnh, thành  trong cả nước và các tổ chức, cá nhân đã đăng ký là chủ nhân của trống đồng. Trong số đó sẽ có một chiếc được bán đấu giá với giá khởi điểm là 500 triệu đồng để dành ủng hộ, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Ban tổ chức cam kết chỉ thực hiện đúng 100 chiếc trống đồng để đảm bảo tính duy nhất mang giá trị lịch sử văn hóa chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.    

                                                                                       Theo Báo SKĐS

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục