Dù được xác định là một sân chơi nghệ thuật dành cho giới chuyên môn nhưng không đến được với công chúng thì ý nghĩa sáng tạo của Bài hát Việt cũng giảm đi

Chương trình Bài hát Việt - Sự giao thoa của jazz và âm nhạc dân gian đương đại, diễn ra vào đêm 28-3 tại Nhà hát Bến Thành (TPHCM), là live show đầu tiên của phiên bản mới.

Theo phiên bản mới này,  live show Bài hát Việt sẽ được tổ chức theo quý (3 tháng một chương trình), thay vì được tổ chức định kỳ hằng tháng như 5 năm trước.


Ca sĩ Mai Khôi trong đêm diễn đầu tiên của Bài hát Việt phiên bản mới. Ảnh: Đức minh


Thiếu bài hát hay


Lý giải việc tăng thời gian tổ chức chương trình Bài hát Việt từ tháng lên quý, ông Lương Minh (Ban Tổ chức chương trình Bài hát Việt) cho rằng: “Đây là nhu cầu thực tế về chất lượng chương trình, nhằm nâng cao chất lượng ca khúc dự thi cũng như tạo cơ hội cho việc lựa chọn những ca khúc tham gia chương trình có chất lượng”.


Không khó để nhận thấy, sân chơi Bài hát Việt đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ca khúc dự thi (tất nhiên là ca khúc thật sự có chất lượng). Thừa nhận điều này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (thành viên Ban Giám khảo Bài hát Việt) nói: “Theo quan điểm của riêng tôi, nếu chương trình được thực hiện theo quý thì hơi ít nhưng nếu vẫn diễn ra từng tháng như những năm qua thì rõ ràng, chương trình gặp khó khăn về nhịp bài. Nhịp bài ở đây là số lượng bài thật sự có chất lượng theo tiêu chí của cuộc thi là lạ và hay”.


Quả thật, thời gian gần đây, sân chơi Bài hát Việt thiếu hẳn những nhân tố mới. Quanh đi quẩn lại vẫn là sáng tác của các tác giả quen thuộc, xuất hiện khá  đều đặn trong chương trình, như: Giáng Son, Thành Vương, Tăng Nhật Tuệ, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Hải Phong, Đức Tân, Sơn Thạch, Tina Tình, Huy Trực,...


Sáng tác đuối dần


Công bằng mà nói, chương trình Bài hát Việt thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ cho đời sống nhạc Việt. Chính chương trình này đã khuấy động phong trào sáng tác ca khúc mới mang màu sắc Việt. Và từ đây nhiều tên tuổi nhạc sĩ xuất hiện, nhiều ca khúc của họ đến được với công chúng yêu nhạc.

Có những ca khúc sau khi đoạt giải tại sân chơi Bài hát Việt cũng nổi như cồn trên thị trường âm nhạc và đi vào lòng người nghe, trong đó có thể kể đến: Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến), Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến), Em sẽ là giấc mơ (Lưu Thiên Hương), Tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến), Mong anh về (Dương Cầm), Chuông gió (Võ Thiện Thanh), Con cò (Lưu Hà An), Giấc mơ trưa (Giáng Son), Quạt giấy (Lưu Thiên Hương), Thiên đường gọi tên (Mạnh Quân), Giấc mơ mang tên mình (Văn Phong), Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường)...

Điểm chung của các ca khúc này là sự phóng khoáng mang dấu ấn cá nhân, không phụ thuộc vào bất cứ khuôn phép, giới hạn thể loại nhưng vẫn gần gũi với thị hiếu thưởng thức âm nhạc của đại đa số khán thính giả. Thế nhưng, những ca khúc thành công như trên ngày càng khan hiếm dần.

Không ít những ca khúc vẫn mang về giải thưởng cao tại sân chơi này nhưng nhanh chóng đi vào quên lãng ngay sau đó, như: Thì thầm (Lê Võ Tuân), Hết quan hoàn dân (Lê Đăng Khoa), Duyên nợ tang bồng (Nguyễn Văn Tân),  Về ăn cơm (Sa Huỳnh), Cây vĩ cầm (Lê Yến Hoa), Chênh vênh (Lê Cát Trọng Lý),...


Tiêu chí chất lượng, nghệ thuật cao


Ban tổ chức chương trình cho biết nếu 5 năm trước Bài hát Việt đi theo con đường xây dựng tiêu chí, định hướng sáng tạo và kích thích sáng tác thì ở năm thứ 6 này, Ban Tổ chức chủ trương đạt được mục tiêu chuyên sâu về chất lượng, hướng đến những ca khúc đạt tiêu chí nghệ thuật cao.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện vẫn giữ quan điểm: “Bài hát Việt là một sân chơi có đẳng cấp với những đòi hỏi cao mà trong đó, những sáng tác phải đáp ứng tiêu chí chỉ sau nhạc thính phòng một bậc. Đây là sân chơi không dành cho khán giả bình dân”. Điều này đồng nghĩa là ca khúc của Bài hát Việt vốn khó nghe đối với đại bộ phận công chúng hiện nay sẽ càng khó nghe hơn trước. Hẳn nhiên, đời sống của những ca khúc này cũng sẽ khó khăn hơn.


Là một sân chơi nghệ thuật dành cho giới chuyên môn nên Bài hát Việt không cần quan tâm nhiều đến thị hiếu của đại đa số khán giả yêu nhạc (dù chương trình được truyền hình trực tiếp để phục vụ đông đảo khán giả yêu nhạc). Nhưng, nếu một sân chơi nghệ thuật như Bài hát Việt mà không đến được với công chúng rộng rãi thì ý nghĩa sáng tạo cũng giảm đi. 

Sân chơi bị thu hẹp

Sân chơi Bài hát Việt ngày càng bị thu hẹp khi các tác phẩm dự thi chủ yếu ở phía Bắc. Trong khi đó, các nhạc sĩ phía Nam, gần như vắng hẳn sau khi tham gia vài chương trình.

Nhiều nhạc sĩ thừa nhận, với tư duy nhanh, gọn, dễ hiểu, phần lớn ca khúc của các nhạc sĩ miền Nam thời gian gần đây không đáp ứng được tiêu chí của sân chơi Bài hát Việt.

Viện dẫn cho điều này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Với những cây bút đã từng nhận giải Bài hát Việt trước đây, như: Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Hải Phong,... cũng không có những sáng tác mới mẻ hơn trước. Ca khúc của họ bắt đầu đi theo trào lưu đơn giản thay vì đề cao tính sáng tạo (bằng ca từ và hình thức giai điệu). Điều đó phần nào khẳng định, tư duy sáng tác của các cây bút trẻ ở TPHCM không mấy hợp với chương trình Bài hát Việt”.

 

                                                                          Theo NLĐ

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục