Trước sự tấn công ồ ạt của kỹ thuật máy ảnh số và công nghệ photoshop, gần chục năm qua, nhiếp ảnh đen trắng ngỡ như bị vùi dập không ngóc đầu lên được. Hàng chục vạn người chơi máy ảnh nghiệp dư coi ảnh đen trắng là câu chuyện cổ. Còn các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, không mấy ai mặn mà với hai mầu bình dân này bởi lẽ thị trường đòi hỏi, không thể đùa được với chuyện cơm áo gạo tiền, nên họ thường xếp ảnh đen trắng vào loại tồn kho. Tuy vậy, vẫn còn không ít người coi loại ảnh nhà nghèo này vào hàng nghệ thuật thứ thiệt. Họ miệt mài sáng tạo và kiên trì khám phá mảnh đất tưởng như cằn cỗi này. Và thật bất ngờ, trong thời gian gần đây, họ đã làm sống dậy những câu chuyện lạ lùng từ hai mầu đen trắng trong các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới (FIAP) tổ chức.

 

 Lơp học trên xác máy bay Mỹ. Ảnh: Vũ Quang Huy.

Một quá khứ đáng ghi nhớ

Không ai có thể quên cố nhiếp ảnh gia lão thành Võ An Ninh, người đã chụp ảnh đen trắng xuyên hai thế kỷ, với hàng chục vạn tác phẩm khắc ghi những hình ảnh, phản ánh sự lớn mạnh của đất nước qua từng thời kỳ lịch sử phát triển. Đặc biệt, ông có bộ ảnh đen trắng độc nhất vô nhị mang tên Nhân chứng, tố cáo tội ác của phát xít Nhật gây ra nạn đói năm 1945 ở nước ta. Với những tác phẩm nghệ thuật thì bức ảnh Sapa bồng bềnh trong mây trắng của ông đẹp như tranh thuỷ mặc sau 40 lần lên Sapa và nằm phục cả tuần liền để chọn khoảnh khắc bấm máy tuyệt vời nhất. Cùng thời với ông còn có nghệ sĩ Phạm Văn Mùi ở Nam Định, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những bộ ảnh đen trắng về mái tóc với các chủ đề như Suối tóc, Duyên dáng, Theo chiều gió, Đôi dòng thác, Tâm tư. Ông còn là người đầu tiên được Bảo tàng Mỹ thuật Braxin chọn tác phẩm Duyên dáng treo vĩnh viễn từ năm 1963.

Bên cạnh lứa “bách niên” này còn có các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng với hàng trăm tác phẩm đen trắng, gắn bó với lịch sử cách mạng như Vũ Năng An, Đinh Đăng Định, Nguyễn Bá Khoản, Lâm Hồng Long, Triệu Đại.

Đặc biệt nghệ sĩ Lâm Hồng Long ở TP.HCM nổi tiếng với hai tác phẩm Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn và Ngày hội ngộ. Bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn được ông chụp vào tháng 9/1960, trong cuộc liên hoan chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Hồ Chủ tịch đã đến dự và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng biểu diễn. Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh ấy vẫn sống động, điển hình về tác phong và tư tưởng của một lãnh tụ cách mạng giải phóng dân tộc, mang tầm vóc quốc tế.

Những kỷ lục giải thưởng trong mơ

Nếu kể hết những giải thưởng của các nghệ sĩ Việt Nam trong các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế thì nhiều “tuyển thủ” các bộ môn nghệ thuật khác sẽ thấy rất “choáng”. Bởi lẽ con số mà các nhà nhiếp ảnh đoạt giải quốc tế gấp cỡ trăm lần thành tích của các ngành điện ảnh, hội hoạ, sân khấu.

Tuy nhiên, những con số giải thưởng này thường tập trung vào một số tay máy chuyên nghiệp và cả đời theo đuổi nghệ thuật ảnh đen trắng khó tính như Duy Anh, Hoài Linh, Huỳnh Lâm, Long Thành, Vũ Quang Huy, Lê Hồng Linh...

 Nàng tiên cá. Ảnh: Lê Hồng Linh

Nhưng gần đây, người đạt kỷ lục tuyệt đối về ảnh đen trắng lại là nghệ sĩ Lê Hồng Linh, hiện là Chủ tịch hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Việt Nam (NAVN), khoá 7 (2010). Có thể nói anh là một hiện tượng, đại diện cho sự trưởng thành của tầng lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ trong thời đại mới.

Tính đến nay, anh đã đoạt khoảng 350 giải thưởng, trong đó có hàng trăm giải quốc tế về ảnh đen trắng. Tôi luyện khoảng 20 năm trong nghề, anh đã nhanh chóng được xếp hạng trên thế giới. Nếu từ năm 2001, anh chỉ được FIAP xếp thứ 12, trong thể loại ảnh đen trắng, thì đến năm 2006, với hàng chục tác phẩm được giải và trưng bày, trong các triển lãm quốc tế, anh đã đoạt giải Nhất do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) trao và trở thành nghệ sĩ ưu tú của FIAP. Thời gian này, anh nổi tiếng là tay “sát giải” quốc tế với kỷ lục có 21 tác phẩm được trình bày vĩnh viễn trong các bảo tàng, thư viện ảnh của nhiều nước.

Với sự phấn đấu không ngừng, năm 2008, Lê Hồng Linh lại được PSA bầu số 1 về ảnh đen trắng và thứ 2 về ảnh màu với 52 lượt tác phẩm ảnh được trao giải và triển lãm trong năm, so với hàng trăm tác giả của 40 nước tham dự. Chưa hết, mới đây, vào giữa tháng 5/2010, anh tiếp tục được PSA xếp thứ nhất thể loại ảnh đen trắng của năm 2009 với 67 lượt tác phẩm được chọn triển lãm và đoạt giải tại các cuộc thi quốc tế. Phải nói sức lao động của anh dành cho nghệ thuật ảnh đen trắng quả là “phi thường”. 

Tuy nhiên, hiện tượng độc tôn này cũng chẳng khó lý giải chút nào, bởi lẽ bảng xếp hạng hằng năm của PSA cũng không hẳn phân biệt nhiếp ảnh gia nào đoạt nhiều giải mà tuỳ thuộc vào tác giả đó có bao nhiêu tác phẩm lọt vào triển lãm của các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế trong năm. Nên có người nói, ai chuẩn bị công sức nhiều, bỏ ra phí dự thi nhiều thì càng có cơ hội được xếp hạng. Chính vì lẽ này mà nghệ sĩ Lê Hồng Linh cũng là một hiện tượng “nghịch lý” ở các cuộc thi nhiếp ảnh ở Việt Nam, bởi trong nhiều năm anh không được bình chọn vào các giải do Hội NAVN tổ chức!?

Cần vượt qua cảnh một mình một ngựa!

Lẽ dĩ nhiên, nghệ thuật bao giờ cũng là sự vận động và sáng tạo của những cá thể riêng biệt. Đặc biệt với nghệ thuật ảnh đen trắng, nhiều người đã dừng cuộc chơi, nên hiện trạng Lê Hồng Linh một mình một ngựa trên con đường vinh quang là lẽ tự nhiên. Nhưng khoảng 5 năm qua, các hoạt động của nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn luôn sôi nổi với loại ảnh đen trắng. Công sức tổ chức của Hội NAVN đã tạo nên một trào lưu hướng tới tầm quốc tế của các nghệ sĩ trẻ.

Thành tựu bắt đầu từ HCV nhiếp ảnh thế giới lần thứ 28 tại Trung Quốc cho bộ ảnh đen trắng của 10 nghệ sĩ NAVN. Và ngay chỉ 2 năm sau, lại với những cái tên mới lạ xuất hiện trong cuộc thi ảnh đen trắng quốc tế, cũng do FIAP tổ chức, các nghệ sĩ NAVN đã đoạt giải thưởng lớn: Cúp vàng ảnh nghệ thuật thế giới lần thứ 29 tại Slovakia, năm 2008. Lúc này người ta đã nhớ đến các tay máy đen trắng tài ba như Bảo Hưng, Trần Phong, Hoàng Quốc Tuấn, Ngô Huy Tịnh, Vương Quốc Kim, Chính Hữu, Nguyễn Long, Tam Thái, Ngọc Thái và Lê Quang Phú. Họ đã làm nên kỳ tích cho nền nhiếp ảnh Việt Nam trong một cuộc thi ảnh nghệ thuật có quy mô lớn nhất toàn cầu.

Mái nhà cổ phố Hàng Bạc. Ảnh: Võ An Ninh

Chính do sự vượt trội đó Việt Nam đã đứng ra đăng cai cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 30 vào tháng 5/2010 và tổ chức Đại hội Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế tháng 8/2010.

Quả nhiên, các nghệ sĩ trẻ đã không phụ lòng mong mỏi của giới nhiếp ảnh trên toàn quốc với những huy chương cao quý trong cuộc thi vừa qua. Bộ ảnh đen trắng với chủ đề Vượt khó của Việt Nam đoạt 3 giải lớn: HCV cho tập thể, HCV cho tác giả Phạm Thị Thu với tác phẩm Di chứng da cam và HCĐ cho bức Yêu thương của Nguyễn Đình Quốc.

Như vậy, mặc dù mới chỉ 3 năm qua, nghệ thuật ảnh đen trắng của Việt Nam đã bước lên ngôi hàng đầu thế giới. Những thành tựu đạt được đã xoá đi mặc cảm tủi phận của ảnh đen trắng bấy lâu bị lãng quên trước cơn lốc thị trường. Giờ đây, những nghệ sĩ trẻ, đặc biệt ở TP.HCM đã tạo nên phong trào khám phá cảm xúc từ ảnh đen trắng. Đó là những khoảnh khắc ánh sáng mô tả được chiều sâu của tâm hồn và những ý tưởng sắc sảo thể hiện qua sự tương phản giữa sắc độ đen trắng hết sức giản dị này.

Cùng với cuộc thi Khoảnh khắc Thăng Long mới được khởi động, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hy vọng thêm một lần nữa các nghệ sĩ trẻ sẽ bứt phá với những hình tượng đặc sắc trong nghệ thuật ảnh đen trắng, làm nên những kỳ tích mới cho nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

                                                                              Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục