Sáng 8-10, tại vườn hoa phía trước Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và chung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành đoàn Hà Nội tổ chức Chương trình Chào Thăng Long nghìn năm tỏa sáng, với sự tham gia của hàng nghìn đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên Thủ đô cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đồng chí: Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Lâm Phương Thanh, Bí thư Thường trực T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đến dự. Cùng dự, có 65 đại biểu thanh niên quốc tế đến từ các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chương trình Chào Thăng Long nghìn năm tỏa sáng

 Sáng 8-10, tại vườn hoa phía trước Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và chung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành đoàn Hà Nội tổ chức Chương trình Chào Thăng Long nghìn năm tỏa sáng, với sự tham gia của hàng nghìn đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên Thủ đô cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đồng chí: Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Lâm Phương Thanh, Bí thư Thường trực T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đến dự. Cùng dự, có 65 đại biểu thanh niên quốc tế đến từ các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mở đầu Chương trình là màn đồng diễn thanh niên, thiếu niên với sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ, thể hiện tinh thần, khí phách của tuổi trẻ cả nước hướng về Thăng Long - Hà Nội, hướng về cội nguồn của dân tộc. Ngay sau đó là chương trình đồng diễn nghệ thuật trống, kèn kết hợp hát múa của các em thiếu nhi Thủ đô ca ngợi vẻ đẹp của quê hương,  đất nước,  ca  ngợi  truyền  thống hào hùng của dân tộc, của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ðược biết, cùng thời điểm này, tại Nhà Thiếu nhi TP Ðà Nẵng, Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh, hàng trăm em đội viên, thiếu niên và đông đảo đoàn viên, thanh niên hai thành phố đồng loạt biểu diễn những chương trình văn hóa, nghệ thuật cùng tuổi trẻ Thủ đô chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.

Trong khuôn khổ của Chương trình, chung quanh hồ Hoàn Kiếm, khoảng 1.000 đoàn viên, thanh niên, thiếu niên cùng tham gia vẽ bức tranh khổ lớn, với chủ đề: Tôi yêu Hà Nội. Bên cạnh đó, hàng nghìn sinh viên, học sinh các trường học Thủ đô sôi nổi, vui tươi đồng loạt biểu diễn và tham gia đồng diễn hát, múa, nhảy tập thể...

Buổi sáng cùng ngày, tại khu vực chung quanh hồ Thiền Quang, diễn ra  Triển lãm trưng bày 600 hình ảnh và hiện vật với chủ đề: Tuổi trẻ Việt Nam tự hào Thăng Long - Hà Nội 1000 năm, hướng tới tương lai, xây dựng đất nước; nhằm giới thiệu cho người xem những chặng đường lịch sử vẻ vang của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và các phong trào thanh niên Việt Nam gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Lễ hội đường phố: Tuổi trẻ thăng hoa cùng đất nước

Tối 8-10, tại khu vực phía trước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số tuyến đường phố của Hà Nội, hơn mười nghìn đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên Thủ đô và các tầng lớp nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia Chương trình Lễ hội đường phố có chủ đề: Tuổi trẻ thăng hoa cùng đất nước. Ðây là một trong những chương trình lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tổ chức Ðoàn Thanh niên. Ðồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; và đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, đến dự. Cùng tham gia lễ hội có các bạn trẻ đại diện thanh niên các quốc gia ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tại đây, hơn 300 diễn viên biểu diễn tiết mục hát múa Dòng máu Lạc Hồng với những màn biểu diễn võ thuật cổ truyền sôi động, dàn trống hội, cờ xí rực rỡ đã mở màn cho một loạt các hoạt động tưng bừng, vui tươi của tuổi trẻ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ðáng chú ý là Ðoàn xe mô hình mang cờ Ðảng, Cờ Tổ quốc, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều chủ đề khác nhau, như: Văn hiến, Anh hùng, Hà Nội-Trái tim cả nước, Hòa bình, Hội nhập và phát triển đã dẫn đầu khối diễu hành của hàng nghìn đoàn viên, thanh niên, thiếu niên... Trong đó, nổi bật là khối diễu hành với 108 bạn trẻ, gồm 54 nam, 54 nữ trong trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em tham gia diễu hành. Bên cạnh đó, hơn 300 thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài tinh khôi cùng nón lá Việt Nam biểu diễn phụ họa cho bài hát Việt Nam quê hương tôi như lời giới thiệu, mời gọi bạn bè, nhân dân cả nước và du khách quốc tế đến với Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi. Ngoài ra, lễ hội còn có các chương trình xiếc và các trò chơi vui nhộn, như: Ði cà kheo, tung hứng, đi xe đạp một bánh, thổi lửa, hề xiếc, nhào lộn trên không, vũ hội hóa trang... được biểu diễn đan xen giữa các khối diễu hành.

Tại lễ hội, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh kêu gọi các cấp bộ đoàn, hội cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên, thiếu niên cả nước hướng về các tỉnh miền trung bằng những hoạt động thiết thực, góp phần giúp nhân dân, tuổi trẻ nơi đây khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống. Hiện nay, T.Ư Ðoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đã và đang tổ chức các đoàn công tác và Ðội Thanh niên tình nguyện đến với nhân dân miền trung, góp sức trẻ, vật chất khắc phục hậu quả lũ lụt.

Lễ hội đường phố - chương trình của tuổi trẻ cả nước và Thủ đô chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đi qua các phố Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám...

Khánh thành và gắn biển các công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Ngày 8-10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho Công viên Hòa Bình nằm trên địa bàn xã Xuân Ðỉnh, huyện Từ Liêm. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã dự. Công trình Công viên Hòa Bình rộng hơn 20 ha, có tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng. Trong công viên có Tượng đài Hòa Bình bằng đồng nặng khoảng 20 tấn, cao 7,2 m đặt trên đài đế cao 22,8 m, do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường thực hiện. Tượng đài được đặt ở phía nam công viên, gắn kết với không gian cây xanh, vườn tiểu cảnh, tạo thành một chỉnh thể thống nhất về ý tưởng và hình thức thể hiện. Ðây là một công viên văn hóa, đồng bộ về cảnh quan môi trường và hạ tầng, tôn vinh biểu tượng hòa bình, là nét đặc trưng của thành phố Hà Nội, sẽ là điểm vui chơi giải trí và tham quan đẹp.

Sáng 8-10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội giai đoạn 2. Trung tâm nằm trên địa bàn xã Mỹ Ðình (huyện Từ Liêm). Dự án có tổng mức đầu tư 636 tỷ đồng, gồm các công trình luyện tập các môn giu-đô, ka-ra-te-đô, tê-cuôn-đô, bi sắt và các công trình phụ trợ gồm nhà ở cho huấn luyện viên, trung tâm y học và phục hồi sức khỏe, hội trường, câu lạc bộ, nhà điều hành, trụ sở các liên đoàn thể thao, các công trình hạ tầng kỹ thuật... Ðây là trung tâm đào tạo thể thao được xây dựng tập trung, hoàn chỉnh và hiện đại nhất trong cả nước. Công trình hoàn thành là trung tâm đào tạo các vận động viên của thành phố có đủ điều kiện tham gia các giải thể thao thành tích cao trong nước và quốc tế.

Cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài. Tuyến đường mới dài 2,67 km, từ điểm giao cắt với đường Khuất Duy Tiến đến điểm giao cắt với đường 70, đi qua địa bàn quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm. Ðường rộng 40 m với sáu làn xe cơ giới, được thiết kế hiện đại, có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Liên danh Tổng Công ty Ðầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội và Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng đô thị đã xây dựng tuyến đường theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao). Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài hoàn thành kết nối với đường trục phía bắc quận Hà Ðông, tạo thành tuyến đường đẹp, dài hơn 10 km, nối tuyến đường vành đai 3 với tuyến đường vành đai 4, kết nối các khu đô thị mới trên tuyến đường, tạo sức bật thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía tây Thủ đô, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú -Quang Trung.

Ngày 8-10, tại Văn Miếu Mao Ðiền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương tổ chức lễ gắn biển Nhà bia Tiến sĩ nho học trấn Hải Dương. Ðây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Hải Dương chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhà bia dự kiến dựng 14 văn bia, ghi danh và thân thế, sự nghiệp của 637 vị đỗ đại khoa từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn của trấn Hải Dương xưa. Việc xây dựng Nhà bia Tiến sĩ nho học trấn Hải Dương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống tôn sư trọng đạo đối với các vị tiền nhân, đồng thời góp phần xây dựng Văn Miếu Mao Ðiền trở thành điểm du lịch mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, giáo dục trong vùng Thủ đô Hà Nội nói chung và của tỉnh Hải Dương nói riêng.

Triển lãm chuyên đề: Bảo vật hoàng cung

Chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 9-10, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lần đầu tổ chức trưng bày chuyên đề đặc biệt mang tên: Bảo vật hoàng cung. Trưng bày gồm nhiều bảo vật đều có chất liệu chính bằng vàng khối và ngọc quý, được chọn ra từ hàng trăm bảo vật của vương triều Lê, Nguyễn hiện đang lưu giữ tại  bảo tàng. Trong đó có những bảo vật như: Ngọc tỷ truyền quốc, Kim ấn, Bảo kiếm... Ðây là những bảo vật vô giá của nhân dân Việt Nam, không những thể hiện giá trị lịch sử văn hóa phong phú mà còn phản ánh tài nghệ khéo léo của các nghệ nhân Cung đình qua từng thời đại.

Trong dịp này Bảo tàng công bố ấn phẩm mới xuất bản mang tên Cổ vật Việt Nam, giới thiệu nhiều bộ sưu tập cổ vật quý hiếm hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng. Ðây là công trình hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Bắc Kinh (Trung Quốc).

Tỉnh Phú Yên trao giải cuộc thi tìm hiểu Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng

Sáng 8-10, tỉnh Phú Yên, Báo Phú Yên phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Ðào tạo, Tỉnh đoàn và Hội Khoa học lịch sử Phú Yên tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu 'Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng'.

Ðây là một trong những hoạt động hướng về Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cuộc thi thu hút đông người tham gia, với đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Hầu hết bài dự thi đều có chất lượng, đầu tư công phu, thể hiện tình cảm sâu sắc với Thủ đô. Nhiều bài thi sưu tầm phong phú tranh ảnh, tư liệu quý, đề cập các giai đoạn lịch sử của Thủ đô 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và chín giải khuyến khích đã được trao tặng các tác giả trong tỉnh.

Tặng sách của nhà vănTP Hồ Chí Minh viết về Thăng Long - Hà Nội

Ngày 8-10, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã trao tặng TP Hà Nội 100 bản sách, tác phẩm của các hội viên nhân dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh Lê Quang Trang, số sách được trao là bộ đôi tập thơ Một dáng Thăng Long và tập truyện - ký Sắc thu Hà Nội bao gồm sáng tác của 140 nhà thơ, nhà văn là hội viên Hội Nhà văn thành phố viết về Thủ đô. Số sách sẽ được chuyển tới Thư viện Hà Nội để trưng bày và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng Thừa Thiên - Huế 

Tối 8-10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng công - nông - binh - trí thức tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ 8-2010, chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI.

Liên hoan có sự tham gia của gần 500 diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công đến từ 26 đơn vị nghệ thuật quần chúng tiêu biểu được chọn từ liên hoan cấp cơ sở tại các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn. Có hơn 150 tiết mục, gồm đơn ca, song ca, tốp ca, hát múa, kịch... theo các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ của từng địa phương, đơn vị, vùng miền khác nhau.

Khai thanh chuông chùa Tháp Tường Long (Hải Phòng)

Chiều 8-10, tại đỉnh núi Ngọc, quận Ðồ Sơn (TP Hải Phòng), Thành hội Phật giáo Hải Phòng phối hợp UBND quận Ðồ Sơn tổ chức chương trình chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và lễ khai thanh chuông chùa Tháp Tường Long (chùa Tháp).

Tháp Tường Long được xây dựng thời Lý Thánh Tông trên diện tích 2.000 m2 thuộc địa phận phường Vạn Sơn, quận Ðồ Sơn. Theo điều tra khảo cổ học, tháp được xây bằng gạch và đá với những họa tiết hoa văn hình hoa sen, cúc, hoa chanh rất phổ biến tại triều đại Lý. Dự án được khởi công từ tháng 1-2010, có tổng vốn đầu tư 179,7 tỷ đồng. Trong đó, riêng công trình xây dựng Tháp Tường Long với kiến trúc 13 tầng có tổng vốn đầu tư 20,5 tỷ đồng.

Trong lễ chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chuông chùa Tháp đã được khai thanh. Chuông nặng một tấn được đúc theo nguyên bản chuông chùa Vân Bổn - Ðồ Sơn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử văn hóa Việt Nam.

Ninh Thuận tổ chức lễ kỷ niệm và giao lưu văn hóa nghệ thuật

Tối 8-10, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ kỷ niệm và giao lưu văn hóa nghệ thuật chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Với chủ đề hướng về Hà Nội - Thủ đô 1000 năm tuổi; ca ngợi Ðảng CS Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đoàn ca, múa nhạc; đoàn nghệ thuật dân gian Chăm, đoàn nghệ thuật quần chúng của tỉnh Ninh Thuận đã biểu diễn 14 tiết mục ca, múa nhạc đặc sắc, thu hút hàng nghìn người dân đến xem và cổ vũ nồng nhiệt.

Nhân dịp này, Câu lạc bộ nhiếp ảnh Ninh Thuận cũng đã tổ chức triển lãm gần 1.000 ảnh nghệ thuật của nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh đã sáng tác, có nội dung phản ánh đậm nét sự phát triển trên các lĩnh vực của Thủ đô Hà Nội những năm qua.

                                                                                                 Theo ND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục