Cảnh trong phim “Long thành cầm giả ca”

Cảnh trong phim “Long thành cầm giả ca”

Vui cùng niềm vui chung của cả nước đón mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, những nghệ sĩ phương Nam cũng nô nức đóng góp sức lực, trí tuệ sáng tác những tác phẩm mới thể hiện tình yêu của mình với trái tim Tổ quốc.

 

Bộ phim đẹp về đất kinh kỳ

Đạo diễn NSƯT Đào Bá Sơn nói: “Tôi có khát vọng làm một bộ phim lịch sử ngay trên mảnh đất này”. Khát vọng đó đã trở thành hiện thực khi ông được người bạn, người đồng nghiệp là đạo diễn, nhà văn, nhà biên kịch Văn Lê đưa cho đọc kịch bản “Long Thành cầm giả ca”. Kịch bản ngay lập tức cuốn hút ông, khiến ông mong muốn được biến nó thành những thước phim sống động, mô tả lại một thời kỳ lịch sử đầy những biến cố nhưng cũng ẩn chứa những vẻ đẹp tinh thần đầy quyến rũ của đất kinh kỳ. Cái duyên gặp nhau ở chỗ, kịch bản sau đó được Hãng phim Giải Phóng giao cho chính đạo diễn Đào Bá Sơn thực hiện…

Khó có thể nói đây là một kịch bản, một bộ phim được sáng tác với mục đích hướng đến đại lễ bởi những người thực hiện nó mang trong mình một tình cảm hết sức đặc biệt, thứ tình yêu thiêng liêng dành cho hồn thiêng dân tộc. Nếu không có những tình cảm ấy sẽ không thể có được một kịch bản đẹp và một bộ phim đẹp như vậy.

Giai đoạn của câu chuyện phim là cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn. Rất khó khăn để tái hiện lại một giai đoạn lịch sử như thế. “Điện ảnh cho phép hư cấu nhưng dù hư cấu gì thì cũng phải dựa trên phông nền của lịch sử. Trong tiểu tiết thì có thể sáng tạo, nhưng phần hồn cốt thì không được phép. Tôi đã cố gắng làm tốt nhất có thể để tạo nên một tác phẩm tử tế. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi mong là đã trình bày được một phần văn hóa Thăng Long. Tôi thấy lương tâm mình thanh thản. Còn việc thành công đến đâu, được đón nhận đến đâu thì phải chờ vào sự phán xét của khán giả”, đạo diễn nói.

Tấm lòng nghệ sĩ

Hưởng ứng kế hoạch làm phim đề tài lịch sử để công chiếu dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh VN, Hãng phim Lý Huỳnh đã rất nhiệt tình và không tiếc công sức, tiền của để đầu tư làm phim truyện nhựa Tây Sơn hào kiệt – ca ngợi người anh hùng áo vải cờ đào Tây Sơn - Nguyễn Huệ, với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lừng lẫy.

Với kinh phí 12 tỷ đồng đầu tư cho bộ phim này, NSƯT Lý Huỳnh chia sẻ: “Chúng tôi không nhắm đến lợi nhuận mà cố gắng làm phim thật tốt với mong muốn qua bộ phim này nhắc nhở lớp trẻ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Ước nguyện lớn hơn là mong Tây Sơn hào kiệt được chọn chiếu vào dịp đại lễ. Nay thì ước nguyện ấy đã thành hiện thực, Tây Sơn hào kiệt với Long thành cầm giả ca của Hãng phim Giải Phóng là hai phim truyện chính thức được trình chiếu trong chương trình Những ngày phim Việt Nam chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, diễn ra từ ngày 2 đến 7-10 tại thủ đô Hà Nội. Chúng tôi thấy rất vinh dự, phấn khởi và hạnh phúc”.

Ngay khi bộ phim chiếu cho Hội đồng nghệ thuật quốc gia duyệt, Tây Sơn hào kiệt đã nhận được nhiều lời khen ngợi. GS.TS.NSND Đình Quang còn nêu rõ những điểm nổi bật mà phim mang lại cho ông sự bất ngờ: “Đây là bộ phim rất tốn kém, lại do hãng phim tư nhân sản xuất, tự đảm nhiệm mọi khâu… mà ngay một hãng phim của nhà nước nếu muốn thực hiện cũng không dễ dàng. Tôi tin, phim sẽ hấp dẫn và tạo cảm giác mới mẻ trong khán giả…”.

Theo NSƯT Lý Huỳnh, cuộc đời làm nghệ thuật của ông đã nhận được nhiều thành công, niềm vui, nhưng có lẽ ở lần trình chiếu phim và giao lưu lần này, với ông là những kỷ niệm đặc biệt, đáng nhớ.

Áo dài kỷ lục mừng đại lễ

Hòa chung niềm vui của cả nước đón chào đại lễ, nhà thiết kế Võ Việt Chung đã thiết kế và thực hiện bộ áo dài kỷ lục Việt Nam. Chiếc áo dài được Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy mặc trình diễn trong chương trình ca nhạc thời trang chào mừng đại lễ và 20 năm thương hiệu thời trang Võ Việt Chung vào tối 4-10, tại Trung tâm hội nghị White Palace, TPHCM. Áo được làm từ hơn 1.000m vải lụa truyền thống 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Đặc biệt, có hơn 2.000 viên kim cương và các trang sức bằng vàng được trang trí trên áo và khăn đóng càng làm tăng thêm nét độc đáo của chiếc áo dài. Chiếc áo dài có 9 tà, mỗi tà dài hơn 100m, là biểu tượng của 9 nhánh sông ở đồng bằng sông Cửu Long. Qua chiếc áo dài này, anh muốn tôn vinh vẻ đẹp của áo dài và nghề thêu truyền thống của Việt Nam cũng như tôn vinh chất liệu lụa xưa và nay của 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đó cũng chính là tấm lòng của một nhà thiết kế của đất phương Nam hướng về Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi.

Anh chia sẻ: “Từ trong sâu thẳm, Hà Nội đã ở trong tim nhiều người phương Nam. Với tôi, tôi rất thích thời tiết của Hà Nội, với bốn mùa rõ ràng, đã giúp cho tôi có nhiều cảm xúc khi tư duy, thiết kế các bộ sưu tập thời trang theo 4 mùa xuân - hạ - thu - đông”.

 

                                                                                    Theo SGGP

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục