Từ cổng đình - chùa làng Mọc Quan Nhân (một làng cổ ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có thể thấy sự “áp đảo” của những khối nhà cao tầng khu đô thị Trung Yên kề ngay sát làng

Từ cổng đình - chùa làng Mọc Quan Nhân (một làng cổ ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có thể thấy sự “áp đảo” của những khối nhà cao tầng khu đô thị Trung Yên kề ngay sát làng

Hội thảo kiến trúc quốc tế “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng” nằm trong hoạt động thường niên “Gặp gỡ mùa thu” của các kiến trúc sư (KTS) Việt Nam và thế giới được tổ chức tại Hà Nội

 

Trước Hà Nội - một di sản kiến trúc sống động và độc đáo không thể gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới, nơi mà cái cổ kính xen lẫn với sự ồn ào, gấp gáp; kiến trúc truyền thống phương Đông sánh vai cùng kiến trúc thuộc địa, tân cổ điển, hiện đại; hội thảo đã cố gắng “giải mã” những bí ẩn về vẻ quyến rũ trong mâu thuẫn và phức tạp của Hà Nội, cũng như cố gắng đưa ra những bài giải sinh động từ các góc độ khác nhau cho bài toán quy hoạch một Hà Nội văn minh, vừa hiện đại vừa duyên dáng, bản sắc.

Hãy nhìn kiến trúc Hà Nội đúng như những gì nó đang có, không hạ thấp nhưng cũng đừng quá huyễn tưởng về con số 1.000, đó không chỉ là những quan điểm mà còn là những nghiên cứu mang tính khoa học từ khảo cổ, lịch sử, kiến trúc... mà các KTS Laurent Pandolfi (Pháp), Nguyễn Chí Tam, Trương Văn Quảng, Đào Ngọc Nghiêm... cùng chia sẻ.

Những sai lầm lịch sử trong quy hoạch - kiến trúc Hà Nội

Bất cứ sai lầm nào nếu được nhìn nhận chính xác đều có giá trị và ý nghĩa như những bài học lớn. Sai lầm đầu tiên và lớn nhất trong quy hoạch đô thị Hà Nội của người Pháp cuối thế kỷ 19 được các nhà sử học và các KTS Pháp, Việt, Ý...thống nhất là đã phá hủy khu thành cổ cùng các di tích tôn giáo ở trung tâm Thăng Long để xây khu hành chính mới. Nhiều công trình mới đè lên công trình cũ một cách thô bạo như Nhà thờ lớn xây trên nền cũ tháp Báo Thiên và khu hành chính của thành phố thuộc địa xây trên nền chùa cổ Báo Ân...

Sau đó, nghiêm trọng hơn là đã lấp sông Tô Lịch và một chuỗi hồ chạy dọc từ bắc xuống nam để lấy đất cho đô thị mới - hệ quả của nó là cho đến tận hôm nay Hà Nội vẫn bị bịt mất đường thoát nước tự nhiên vốn là một ưu thế của mình.

Sai lầm tiếp theo thuộc về chính quyền mới, khi đã để những kiến trúc thuộc địa mẫu mực bị phá hủy tự nhiên và dần dần kéo dài suốt ba thập niên từ năm 1954 đến giữa những năm 1980. Việc biến các biệt thự - vốn là những công trình kiến trúc thuộc địa hoàn hảo - thành những khu tập thể với lượng người cư trú tăng đến hơn 10 lần, chủ yếu là cư dân nông thôn nhập cư, đã khiến các công trình này biến dạng về công năng và kiến trúc, phần nhiều trong số đó đã bị hư hại và biến mất.

Diễn ra cùng lúc với tình trạng này là việc xây dựng ồ ạt hàng loạt khu dân cư mới với cấu trúc lắp ghép bêtông tấm lớn (Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân, Nghĩa Đô, Đồng Xa...) tạo ra sự đơn điệu mệt mỏi cho bộ mặt kiến trúc thành phố và sự bất tiện trong sinh hoạt của người dân. Hành vi cơi nới, làm “chuồng cọp”, lấn chiếm sân chơi, vỉa hè làm hàng quán... chứng tỏ sự bất cập trong thiết kế và quy hoạch. Chưa bao giờ Hà Nội có nhiều công trình “xấu đều” như giai đoạn này.

Sai lầm gần nhất và để lại hậu quả sâu sắc có lẽ không biết bao giờ mới khắc phục được là sự “bung ra” của nhà chia lô mặt phố, băm nát bộ mặt đô thị, phương châm “đường mở tới đâu, nhà bâu tới đó” đã khiến những con đường, tuyến phố mới của Hà Nội trở thành những đường phố vô hồn và đắt đỏ nhất hành tinh - vì tiền đền bù giải tỏa quá cao.

Song song với sự bùng nổ của nhà mặt phố chia lô là các khu đô thị mới “photocopy” các khu chung cư cao tầng của Seoul, Bắc Kinh, Singapore... một cách thiếu bình tĩnh. Việc xuất hiện các khu đô thị mới nằm kề các nút giao thông cửa ngõ thủ đô đã tạo ra sự quá tải hạ tầng, mà điển hình nhất là tình trạng tắc đường, kẹt xe cục bộ và úng ngập cục bộ ngay sau những trận mưa không lớn lắm. Các KTS Nguyễn Quốc Thông, Trần Hùng, Đào Ngọc Nghiêm, Nguyễn Tấn Vạn... còn bày tỏ lo lắng về hiểm họa “triệt tiêu bản sắc Hà Nội” nếu hai mô hình nhà chia lô và chung cư cao tầng nhân bản vô tính này giữ vai trò phát triển chủ đạo của kiến trúc thành phố.

“Hà Nội của mỗi công dân Hà Nội”

“Một điều kỳ lạ là bất kể tất cả những chính sách mang tính phá hủy trong lịch sử, những quyết đoán sai lầm do hiểu biết hạn chế; bất chấp sự phát triển lộn xộn, bát nháo, trọc phú, trưởng giả... kể trên, Hà Nội vẫn... đẹp” - KTS Nguyễn Chí Tam - Công ty cổ phần kiến trúc High-end, một công dân Paris chính hiệu, sống và làm việc ở Pháp từ nhỏ, về Hà Nội vì gốc gác và yêu cầu công việc - đã khẳng định như vậy.

Theo ông, Hà Nội nên bắt đầu xây dựng lại “Hà Nội của mỗi công dân Hà Nội” trên nền tảng của một chữ “hơn”: xanh hơn, thân thiện hơn, đẹp hơn, cộng đồng hơn, trách nhiệm hơn... Và muốn như vậy, đầu tiên phải khuyến khích các KTS Việt Nam xây dựng thành phố của chính mình. Thái độ vọng ngoại trong kiến trúc là nguyên nhân chính dẫn đến Hà Nội mất dần bản sắc. Bài học của Tokyo khi để cho các KTS Nhật tự xây thành phố không cũ với bất cứ ai.

KTS Trương Văn Quảng thì khẩn thiết cảnh báo: thách thức giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề của mọi quốc gia, mọi đô thị, nhưng với Hà Nội nó đặc biệt quan trọng và nghiêm trọng. Ông dẫn ra con số: theo thống kê của UBND TP Hà Nội tháng 6-2010, chỉ tính riêng bốn quận nội thành cũ - nơi lưu giữ quỹ di sản đô thị lớn của Hà Nội - đã có tới 223 dự án xây dựng công trình mới cao từ chín tầng trở lên, đây mới chỉ là một trong vô vàn yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến diện mạo kiến trúc đô thị lịch sử.

Một chuyên gia kiến trúc Anh, KTS Denis Gray, đã cảnh báo: “Một số người cho rằng sự tiến bộ và hiện đại hóa được đo bằng độ cao của công trình trong thành phố. Với khuynh hướng đó, có thể lo ngại rằng Hà Nội sẽ gia nhập hàng ngũ đông đảo các thành phố châu Á đã san bằng lịch sử và thế là xóa bỏ cả đặc điểm riêng của mình”.

Các chuyên gia còn nói rất nhiều nữa, có những người như KTS Ý Marco Ferrera còn nồng nhiệt trình bày “một ý tưởng cho khu phố cổ Hà Nội” với việc quy hoạch khu vực quanh hồ Gươm thành quảng trường cho người đi bộ. Có KTS như Ngô Viết Nam Sơn tha thiết trình bày kinh nghiệm thu nhận được từ hàng chục thành phố - di sản thế giới trong việc bảo tồn và phát triển đô thị...

Nhưng rất tiếc, như hàng chục cuộc hội thảo rất nghiêm túc và bổ ích khác, lại vẫn chỉ là các KTS nồng nhiệt trình bày... với nhau.

Một dự án trùng tu của Việt Nam đoạt giải kiến trúc quốc tế

Dự án trùng tu đình Chu Quyến - một di tích kiến trúc gỗ tiêu biểu và đặc sắc trong hệ thống kiến trúc truyền thống Việt Nam - vừa đoạt giải thưởng về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế.

Đình Chu Quyến (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) được trùng tu bởi một dự án thực nghiệm do Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) thực hiện. Từ ngày 28-9 đến 2-10-2010, dự án được gửi tham dự triển lãm quốc tế những trường hợp điển hình về bảo tồn di sản kiến trúc ở châu Á. Một ủy ban giải thưởng bao gồm các nhà chuyên môn xuất sắc và các học giả có uy tín trong lĩnh vực kiến trúc đã bỏ phiếu chọn ra sáu dự án (trong số 33 dự án được gửi đến từ 14 nước) để trao giải thưởng lớn.

Dự án trùng tu đình Chu Quyến của Việt Nam đã vinh dự được nhận giải thưởng này và đứng đầu về số phiếu bình chọn. Đây là lần đầu tiên một dự án trùng tu của Việt Nam đoạt giải thưởng kiến trúc quốc tế.

 

                                                                                  Theo TuoiTre

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục