Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2010), sáng 4/10, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ VH-TT và DL, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Tố Hữu - Thân thế và sự nghiệp”. Tới dự, có đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; các thế hệ lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ và đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu cùng gia đình nhà thơ Tố Hữu.

 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Tô Huy Rứa đã nêu bật vai trò của nhà thơ Tố Hữu là “ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam” và còn là nhà cách mạng xuất sắc, nhà văn hóa làm thơ vì sự nghiệp cách mạng và là người viết lịch sử bằng thơ. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo TƯ, đồng chí Tô Huy Rứa bày tỏ sự trân trọng trước nhân cách và sự nghiệp to lớn của nhà thơ Tố Hữu.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, tướng Đồng Sĩ Nguyên, GS Hà Minh Đức, GS Mai Quốc Liên, GS Phong Lê, GS Trần Thanh Đạm, nhà phê bình Lê Thành Nghị, nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyễn Bao,… đã chia sẻ những góc nhìn khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, thơ Tố Hữu là tiếng nói tình cảm, yêu thương thấm thía với biệt tài nổi trội là biến những khoảnh khắc thành vĩnh cửu trong thi ca ông. Nhiều vấn đề ông đặt ra đến nay còn nguyên giá trị. Sức hút nổi bật của thơ Tố Hữu còn là sự nhất trí cao giữa tư tưởng và hành động, giữa nội dung và nghệ thuật. Bởi thế, Tố Hữu là một trong những nhà thơ có lượng công chúng và lượng xuất bản rộng rãi nhất.

GS Hà Minh Đức cũng nhấn mạnh: Trên 6 thập kỷ đến với thơ, Tố Hữu đã có những đóng góp quan trong cho thơ ca thời hiện đại. Sự gặp gỡ giữa tuổi trẻ, cách mạng và thơ là sự hòa hợp kỳ diệu để tạo nên một đời thơ, phong cách thơ giàu bản sắc ngay từ buổi đầu. Trong thơ Tố Hữu có lý trí, tình cảm, chất lãng mạn và cuộc đời thực, cái tôi và cộng đồng, tượng trưng và hiện thực, dân tộc và hiện đại. Tất cả tạo nên một sự hòa hợp thơ bền vững trong suốt những chặng đường thơ cách mạng. Thời gian đã và sẽ ghi nhận những đóng góp của dân tộc, với nhân dân của ông. Chúng ta trân trọng những giá trị thơ mà Tố Hữu đã đem đến cho cách mạng, cho đời. Một thập kỷ của thế kỷ 21 đã sắp qua, thơ Tố Hữu vẫn hiện diện, vẫn được đón nhận trên dòng thời gian và được bạn đọc trân trọng.

Các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình đều nhất trí rằng, thơ Tố Hữu đồng hành với lịch sử đất nước, lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc và cả thế giới trên những chặng đường lớn của thế kỷ 20. Thơ ông luôn đón nhận kịp thời mối giao cảm thời đại, kiên trì và chung thủy với những gì đã được xác định từ tập thơ “Từ ấy”.

Từ nội dung đến hình thức, từ tư tưởng đến nghệ thuật, thơ Tố Hữu là thơ dân tộc và thơ nhân dân. Nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng đọc lại thơ ông, vẫn nhận ra tài năng lớn nhất chính là sự say đắm và cường độ say đắm lý tưởng cách mạng, sẵn sàng dấn thân. Bởi vậy, thơ ông là một bộ phận không thể tách rời cách mạng, không thể tách rời thời đại. Tố Hữu chính là nhà thơ Việt Nam đầu tiên mang vào thơ phẩm chất mới mẻ là trữ tình riêng tư. Mỗi tác phẩm của ông đều có tính biểu tượng cao và tinh tế trong nắm bắt cảm giác.

Các sáng tác của ông đều là động lực tinh thần tác động tới đời sống xã hội và đánh dấu những sự kiện chính trị, lịch sử của đất nước: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Việt Nam máu và hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta, vv… Thơ Tố Hữu luôn trong sáng, giản dị, dù là đi vào cuộc chiến đấu long trời lở đất hay đi vào cuộc sống làm lụng lo toan, xây dựng đất nước, con người. Mà, giản dị là đỉnh cao mà mọi nghệ thuật, mọi nghệ sĩ mong muốn đạt tới, song thường vô cùng khó đạt. Tố Hữu, suốt một đời thơ cho đến những bài thơ cuối đời, là thơ của một hồn thơ lớn nói lên thành những lời giản dị.

Dù nhiều ý kiến khác nhau ở hội thảo, song tất cả đều gặp nhau ở một điểm: đánh giá cao sự cống hiến của nhà thơ Tố Hữu cho sự nghiệp cách mạng, cho nhân dân. Cuộc sống, sự nghiệp chính trị của Tố Hữu có một vị trí xứng đáng trong lịch sử cách mạng và trong lịch sử văn hóa nước nhà

 

                                                                                      Theo CAND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục