Âm sắc núi rừng. Ảnh Quốc Dũng (TTV)

Âm sắc núi rừng. Ảnh Quốc Dũng (TTV)

(HBĐT)- Là người con của đất Mường, từ khi sinh ra đã thấy niềm tự hào trong đó. Có lẽ bởi vậy mà những thi sĩ của đất Mường dù thả hồn theo mây, gió, theo dòng chảy của thời gian cũng không quên nhớ về nguồn cội. Bản sắc khó phôi pha ấy đã tạo nên chất liệu cho thơ với ngàn vạn lời hay, ý đẹp tồn tại mãi với thời gian.

 

Nhà sàn - nét văn hoá đặc trưng của người Mường đã đi vào thi ca đẹp như huyền thoại, xa đấy những cũng thật gần gũi thân quen. Nhà sàn được làm bằng: “Những thân rừng dựng cao chiều núi/ Những nứa, tre lóng mốt, lóng đôi” và “tàu cọ, phên tranh đan mưa, đan nắng”... (Nhà sàn - Lò Cao Nhum). Trong nếp nhà sàn ấy là bếp lửa bập bùng ngày đêm, là tiếng đùa vui của con trẻ, là lời răn dạy của người già. Nhà sàn có gian trong, gian ngoài và mỗi thành viên, mỗi thế hệ trong gia đình được sắp xếp theo thứ tự: “Đàn ông voóng ngoài/ Đàn bà voóng trong/ Con trai xếp bằng/ Con gái xếp mái...” Lời thơ mộc mạc, dung dị nhưng đã miêu tả được những nét đặc trưng trong sinh hoạt của người Mường bên nếp nhà sàn truyền thống.

 

Đất Mường hiếu khách nhưng không ai đón khách quá vồ vập, vồn vã mà chỉ thể hiện bằng những ánh mắt, cử chỉ, nhẹ nhàng. Để khách Mường trên, Mường dưới không nỡ “hiểu nhầm” thiện ý chủ nhà, thi sĩ  Bùi Minh Chức, người con của đất  Mường đã mượn lời thiếu nữ đưa vào thơ đôi lời nhắn gửi: “Đến  đất Mường em/ Cũng thành hào hoa/ Mường em có bến nước/ Gột sạch hết bụi đường/ Mường em có khung dệt/ Làm lành mọi tả tơi” (Khách Mường). Lời mời gọi thật ngọt ngào, sâu lắng mang theo cả khung trời hứa hẹn, nhưng vẫn không quên kèm theo lời nhắc nhở: Khi làm khách Mường em anh ơi/ Đừng có rửa chân phía trên bến nước/ Đừng quay lưng vào bóng núi/ Khi uống ngụm nước suối/ Phải hiểu lòng trắng trong/ Khi ngồi hát với em/ Phải ngồi xa một sải... bởi vì... Khi làm khách Mường em anh ơi/ Thì anh làm khách cả Mường em đấy”. “Lời thơ nhẹ nhàng, tươi vui nhưng vẫn thể hiện nét đằm thắm, nết na, thùy mị của người thiếu nữ. Cả bài thơ muốn nói lên lời nhắn gửi của người thiếu nữ rằng: đất Mường em có tinh thần cộng đồng sâu sắc và cả cộng đồng người ấy trong đó có “em” luôn tự hào với những phong tục đẹp đã làm nên tên đất, tên Mường. Bởi đó là nét văn hóa riêng cần được trân trọng.

 

Trong giao tiếp hàng ngày, người Mường vẫn hay dùng lối nói ẩn dụ, gần xa nhưng đôi khi cũng hết sức chân thành, mộc mạc: “ Trâu ra đồng ăn cỏ/ Người đến nhà ăn cơm/ Lý lẽ thật giản đơn/ Lời mời thật mộc mạc/ Chân đã leo thang gác/ Đừng vội bước quay lui...” Mộc mạc đấy, đơn giản đấy nhưng luôn sâu nặng nghĩa tình. Đọc câu thơ dù người quen hay lạ có thiện chí hay không cũng hiểu được tấm chân tình của người dân đất Mường: Lời quê Mường mộc mạc/ Lòng người Mường ấm áp/ Tình đất Mường chân thành... (Lời quê - Bùi Văn Duôi). Bằng sự cảm nhận tinh tế của mình về những dư âm của cuộc sống, tác giả đã bộc lộ hết tình đất, tình Mường trong từng câu thơ chắc, gọn.   

 

Cũng bàn về phong tục, tập quán, cách ứng xử của người Mường, nhà thơ Đinh Đăng Lượng phác họa lên bức chân dung của người cao tuổi: Luôn nhìn xa, trông rộng, trăn trở với việc nuôi dạy cháu con  sống sao cho hợp đạo lý: “... Người có tuổi biết ngó lui, nhìn tới/ Nuốt trăm lời giận để nói một lời thương/ Nhắc cháu con: ăn xem nồi, ngồi xem hướng/Lội qua con suối lo người mường dưới nước chẳng còn trong...”

 

Có nhiều cách để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng những lời hay, ý đẹp, những tứ thơ ngọt ngào, đằm thắm, những thi sỹ của đất Mường đã lưu lại nét văn hóa ứng xử, những phong tục đẹp để truyền tới muôn đời sau.

                                

 

                                                                                      Lam Nguyệt

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục