Nhũ đá thuộc quần thể di tích hang động tại Chùa Tiên, Phú Lão (Lạc Thuỷ) vẫn còn nguyên vẹn nhờ chính quyền địa phương làm tốt công tác bảo tồn.

Nhũ đá thuộc quần thể di tích hang động tại Chùa Tiên, Phú Lão (Lạc Thuỷ) vẫn còn nguyên vẹn nhờ chính quyền địa phương làm tốt công tác bảo tồn.

(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có 37 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và 3 di tích đang chờ xếp hạng. Ngoài ra còn có trên 110 di tích chưa được xếp hạng. Những di tích được xếp hạng không chỉ được nhân dân trong tỉnh mà nhiều địa phương trong cả nước biết đến. Đây là tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, thực trạng là sau khi được xếp hạng, nhiều di tích đã xuống cấp do thiên nhiên và chính người dân phá.

 

Thực trạng các di tích

Nhà tù Hòa Bình nằm trên địa bàn phường Tân Thịnh  (TP Hòa Bình) được thực dân Pháp xây dựng năm 1896. Trong quá trình xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành nơi giam hãm, tra tấn các chiến sỹ cách mạng. Công nhận giá trị của chứng tích lịch sử đó, năm 2000, Bộ VH - TT & DL đã cấp bằng công nhận di tích lịch sử cách mạng nhà tù Hòa Bình. Mặc dù vậy, trải qua một thời gian khá dài, di tích này không được tu bổ, tôn tạo nên đã dần bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo những người dân sống gần khu di tích, trong những năm đầu xây dựng công trình thủy điện sông Đà, vào khoảng những năm 1981 - 1982, khu nhà tù này vẫn còn một nhà giam, một lô cốt và một bốt canh được phân bố trên một diện tích rộng. Nhưng sau đó, lô cốt, nhà giam bị đập lấy gạch và sắt vụn. Kể từ đó đến những năm 90, di tích này mới được biết tới và ở trong tình trạng xuống cấp, trần nhà đổ bê tông đã bị thấm dột, lớp gạch ngoài đôi chỗ đã bị tróc lở.

 

   

 Động Thác Bờ, Vầy Nưa (Đà Bắc) thuộc di tích Thác Bờ được Nhà nước xếp hang di tích lịch sử văn hoá ngày càng thu hút du khách nhờ được khai thác tiềm năng du lịch.

 

Khu di tích mộ cổ Đống Thếch, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi)  được công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia ngày 23/11/2007, được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây là nghĩa địa dành riêng cho quan lang, thổ tù của dòng họ Đinh Công thuở xưa. Khu mộ đá nằm giữa thung lũng có hình miệng rồng. Mọi thêu dệt về sự hoang vu, bí ẩn của rừng mộ, mọi quy tắc về sự bất khả xâm phạm của thánh địa Đống Thếch, nơi an nghỉ riêng của nhà lang thuộc dòng họ Đinh chỉ có thể tồn tại được đến khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, bất chấp giá trị của khu mộ cổ, không ít người đã tàn phá khu mộ; họ đào xới tìm các vật quý, cổ vật chôn theo người chết để bán.

 

Di tích thành nhà Mạc xã Cao Thắng (Lương Sơn) là di tích lịch sử duy nhất về kiến trúc lịch sử quân sự của tỉnh được Sở VH - TT & DL xếp vào loại A (loại di tích đề nghị Bộ VH - TT & DL công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia). Mang trong mình giá trị lịch sử to lớn, được khởi dựng trong thời nhà Mạc khoảng thế kỷ thứ XVI vào khoảng năm Nhâm Tý (1552) và được tu sửa, tôn tạo lớn vào năm 1831 dưới thời nhà Nguyễn. Trong suốt quá trình tồn tại của mình từ thời phong kiến cho đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, tòa thành này đã trải qua nhiều biến cố, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử quan trọng. Trải qua những biến cố thăng trầm về thời gian và cả sự tàn phá của con người nơi đây đã biến tòa thành cổ thành đống hoang phế. Cả khu thành bây giờ chỉ còn lại 2 cổng thành phía nam và cổng phía tây. Cổng phía đông thì đã bị xóa sổ sau nhiều đợt xẻ gạch xây móng nhà, tường rào. Hàng tường rào được xây bằng đá ong dài hàng nghìn mét, cao khoảng 3,5 - 4 m đã bị đập, cậy lấy hết đá ong, giờ chỉ còn trơ lõi đất. Phía trong thành cũng không còn lưu giữ bất cứ dấu tích lịch sử nào mà thay vào đó là vườn cây ăn quả, rau màu của các hộ dân.

 

Cùng với khu mộ Đống Thếch, nhà tù Hòa Bình, thành nhà Mạc, nhiều di tích khác trong tỉnh cũng đang dần xuống cấp. Năm 2008, hang Mãn Nguyện, xã Cao Răm (Lương Sơn) cũng bị nhân dân khai thác đá cảnh và lấy đi nhiều khối nhũ...

 

Có đầu tư nhưng chưa hệ thống

 

Theo anh Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng quản lý di tích,  Bảo tàng tỉnh, để hoàn thiện một bộ hồ sơ về di tích trình Nhà nước hay tỉnh phê duyệt cần có chi phí lớn. Chính vì sự eo hẹp về kinh phí nên một số nơi đã tự trích nguồn ngân sách địa phương vào quy hoạch, lập hồ sơ cho di tích, việc trùng tu, tôn tạo các di tích chưa được toàn diện.

 

Ngay sau khi được công nhận di tích khảo cổ học cấp quốc gia, khu mộ Đống Thếch được phục dựng, đầu tư làm đường, xây tường rào, nhà bảo vệ. Khi bắt tay vào phục dựng lại khu mộ cổ, cột đá bị phân tán mỗi nơi một chiếc, người lấy làm cầu bắc qua mương, qua ruộng, người lấy làm hòn kê rìa đường;... Nhờ những nỗ lực phục dựng lại, khu di tích mới được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, qua nhiều năm không được đầu tư tôn tạo, thánh địa Mường ma uy nghiêm, huyền bí tồn tại không khác gì một hoang tích nằm lọt thỏm, chen giữa mía, ngô của người dân. Lý giải về điều đó, anh Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm: Không riêng gì khu mộ cổ Đống Thếch, khó khăn nhất trong vấn đề gìn giữ, bảo tồn đó là kinh phí. Hàng năm, ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá - thông tin rót về cũng rất hạn chế. Trong khi cả tỉnh có tới 37 di tích cấp quốc gia, hầu hết đều đang trong tình trạng xuống cấp, cần phải đầu tư, tu bổ. Vì thế, việc đầu tư cần phải chia nhỏ, không thể tập trung đầu tư cho một di tích. Thêm vào đó, các di tích của tỉnh đều phân bố đơn lẻ nếu phát triển thành điểm du lịch khó có thể thu hút đông du khách do đó ít công ty du lịch, nhà đầu tư mặn mà. Như vậy, trong khi chờ đợi nguồn ngân sách của Nhà nước, công tác bảo tồn di tích không chỉ là  của các cấp ủy, chính quyền mà mỗi người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn những giá trị lịch sử, vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng.

                                                                                     Hồng Nhung 

 

 

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục