Làng Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến (Hòa Vang, TP Ðà Nẵng) được bao bọc bởi sông Yên và sông Tây Tịnh. Ðây là một trong các làng quê tiêu biểu về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

 

Làng Cẩm Nê xưa vốn hình thành từ các cụm dân cư như xóm Ðùng, xóm Ðùng Thủ Lọ, xóm Ðồng Khánh, xóm Bến Ðò, xóm Bến Bắc, xóm Dinh, xóm Làng. Trong ký ức của các cụ cao tuổi, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, hàng nghìn tấn bom đạn của kẻ thù đã giội xuống, san bằng mảnh đất này, hàng trăm ngôi nhà bị đốt cháy, nhân dân phải di dời, sơ tán đi nơi khác. Người Cẩm Nê vẫn chiến đấu anh dũng, kiên cường bảo vệ mảnh đất quê hương, làng quê bé nhỏ này có đến 173 liệt sĩ, 19 Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 90% số gia đình có người thoát ly tham gia cách mạng. Ghi nhận những đóng góp không nhỏ đó, Ðảng và Nhà nước đã phong tặng Cẩm Nê Huân chương Thành đồng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Sau năm 1975, những người con của làng Cẩm Nê đã trở về. Cuộc sống dần hồi sinh, trong xóm ngoài làng, mọi người cùng bắt tay nhau xây dựng lại quê hương.

Về làng Cẩm Nê hôm nay, có thể cảm nhận đây là một bức tranh tiêu biểu của làng quê Việt Nam. Từ ngoài đường bê-tông thảm nhựa chạy qua đồng lúa Cẩm Nê để vào cổng làng, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Cẩm Nê Nguyễn Hữu Cẩm dẫn tôi đi một vòng làng văn hóa. Bên những con đường làng đã được bê-tông hóa là những ngôi nhà xây kiên cố, các cổng chào vào từng ngõ xóm, rồi những ruộng rau mướt xanh... Về nơi này nhớ lại những năm chiến tranh, không thể hình dung sự sống lại đổi thay nhiều đến thế. Mảnh đất trắng năm xưa, nay đã được phủ kín một mầu xanh của ruộng lúa, đồng rau, của những con đường làng đẹp và thơ mộng. Ðất đã không phụ sức người. Cẩm Nê hồi sinh từ trong khói lửa chiến tranh để trở thành niềm tự hào chung của người Ðà Nẵng. Phát huy truyền thống vùng đất thép, người Cẩm Nê hôm nay không chỉ biết trồng trọt và chăn nuôi giỏi mà còn chung tay góp sức để làm mới, làm đẹp xóm làng. Ðứng bên cánh đồng lúa cao sản của Cẩm Nê, tôi cảm nhận được hơi thở cuộc sống đã thật sự đánh thức mảnh đất này.

Sau mười năm triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bộ mặt của làng Cẩm Nê đã mang một hình vóc mới. Trường học, nhà văn hóa khang trang. Kinh tế ngày càng phát triển, làng không còn hộ đói, hộ nghèo, hơn 50% số hộ có kinh tế khá giả, 100% số hộ có điện sinh hoạt, 95% số hộ có nhà xây, 70% số hộ có xe máy, 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn... Hàng trăm mét kênh - mương thủy lợi được xây dựng kiên cố đã đưa nước về tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa và rau màu. Sau mấy chục năm, đời sống vật chất, tinh thần của người Cẩm Nê được nâng lên rõ rệt. Có cái ăn, cái mặc, người Cẩm Nê có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến học tập cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Tất cả trẻ em trong làng đến trường đúng độ tuổi, hằng năm có nhiều con em của làng thi đỗ đại học, cao đẳng. Cẩm Nê bây giờ là làng năm không: không còn hộ đói, không có người mù chữ, không có người ăn xin, không có người nghiện ma túy, không có các vụ trọng án. Chia sẻ niềm vui vì làng Cẩm Nê vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng ba, Trưởng thôn Nguyễn Hữu Cẩm không giấu được niềm xúc động: 'Ðây không chỉ là vinh dự cho bà con dân làng mà còn là niềm tự hào, là sự biết ơn đối với các thế hệ đã ngã xuống, đã hy sinh xương máu trên mảnh đất này. Ở Cẩm Nê, ngọn lửa yêu nước, ngọn lửa cách mạng luôn được truyền giữ cho thế hệ con cháu hôm nay, để cùng góp sức mình làm giàu đẹp thêm cho quê hương anh hùng'.

Nằm cách trung tâm TP Ðà Nẵng không xa, nhưng làng Cẩm Nê hiện vẫn giữ được rất nhiều nét văn hóa truyền thống. Một trong những đặc điểm nổi bật của làng là truyền thống văn hóa họ tộc. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Nguyễn Hơn, thì hiện nay toàn huyện Hòa Vang có 228 tộc có Quy ước gia tộc và hơn 200 tộc có Quy ước xây dựng tộc họ văn hóa. Riêng làng Cẩm Nê có 22 họ tộc, nhiều đời nay bên nhau củng cố, xây dựng, để hình thành nét đẹp truyền thống của văn hóa làng quê, với tình đoàn kết, tương thân tương ái, nỗ lực xây dựng, đổi mới, phát triển quê hương. Cùng với chính quyền địa phương, các họ tộc góp kinh phí để xây dựng Khu văn hóa chung của làng, gồm Nhà truyền thống, Nhà sinh hoạt cộng đồng và hiện đang tiến hành khôi phục lại cảnh quan với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Ông Nguyễn Hơn khẳng định: 'Chính sự thống nhất cao trong các họ tộc đã tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa gia đình, họ tộc, chính quyền, từ đó công việc chung của làng đều được bàn bạc để thông qua với sự thống nhất cao. Những năm qua, các tộc họ của làng Cẩm Nê đã tích cực tuyên truyền giáo dục, bảo ban con cháu thực hiện nếp sống văn hóa trong thôn xóm, chú trọng xây dựng các chuẩn mực trong gia đình, gia tộc, thiết thực góp phần vun đắp tình làng nghĩa xóm. Ðây là một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển vững vàng và toàn diện'.

Các họ tộc trong làng phối hợp ban chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa, các tổ chức đoàn thể, các vị trưởng tộc thống nhất quy định trách nhiệm của con cháu đối với gia đình, gia tộc và xã hội, tập trung giáo dục đạo lý tình nghĩa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, chấp hành nghiêm pháp luật, qua các phong trào như 'Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo', 'Vợ chồng đồng thuận', 'Tộc họ có trách nhiệm với con cháu, con cháu có trách nhiệm với tộc họ'. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, giúp nhau làm kinh tế, không sinh con thứ ba, giúp đỡ gia đình chính sách neo đơn, bảo vệ môi trường... do các họ tộc tổ chức đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con trong làng. Như lời của cụ Hồ Văn Hải, 79 tuổi thì: 'Các họ tộc trong làng đã răn dạy con cháu hôm nay cái nền, cái gốc của dòng họ, gây dựng niềm tin vào cuộc sống. Từ đó các thế hệ con cháu trong làng sẽ vượt khó vươn lên, không ngừng học tập để góp phần xây dựng, phát triển quê hương'. Ðến nay, Cẩm Nê có 11 khu dân cư và 73 tổ nhân dân tự quản, trong đó có 11/11 khu dân cư có ban vận động phong trào xây dựng đời sống văn hóa, hơn 70% số tổ nhân dân tự quản hoạt động có hiệu quả. Năm 2010 có 8/11 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa, gần 87% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa...

Ði đầu trong việc cam kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Cẩm Nê còn cố gắng giữ gìn và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống. Theo nghệ nhân Phan Tấn, 74 tuổi, trong gia phả của họ Phan, nghề dệt chiếu đã được các thế hệ truyền lại tính đến nay đã hơn 500 năm. Chiếu Cẩm Nê đã từng được sử dụng trong cung đình ở Huế, và tương truyền, nghệ nhân Nguyễn Hữu Diên cùng nhiều gia đình dệt chiếu trong làng thời đó đã làm một khung dệt lớn gấp 2,5 lần so khung dệt bình thường mới dệt nên chiếc chiếu hoa mỗi chiều 10m. Sau này nghệ nhân Nguyễn Hữu Diên được phong tặng chức Cửu phẩm. Nghệ nhân Phan Tấn hiện là một trong những nghệ nhân dệt chiếu còn lại của làng Cẩm Nê. Các nghệ nhân vẫn truyền giữ được bí quyết nghề nghiệp độc đáo, từ cách phơi đay, xẻ lác đến việc nhuộm phẩm mầu sao cho mầu không phai, cách thêu dệt hoa văn đặc sắc trên chiếu. Hàng trăm năm nay, chiếu Cẩm Nê nổi tiếng với chữ 'thọ' ở giữa, chung quanh điểm xuyết các hoa văn được dệt bằng nhiều mầu sắc. Chiếu Cẩm Nê không chỉ đẹp về hình thức mà còn được dệt dày, sử dụng rất bền. Từ vùng quê thanh bình này, chiếu Cẩm Nê đã theo chân thương lái về nhiều vùng, miền đất nước. Nhưng nghề truyền thống dệt chiếu Cẩm Nê đang có nguy cơ bị xóa sổ do không có người kế cận. Từ chỗ có gần 500 hộ gia đình chuyên dệt chiếu, nay chỉ còn lại vài ba hộ. Việc khôi phục lại làng nghề truyền thống này đã nhiều lần được chính quyền địa phương bàn bạc thảo luận, nhưng khôi phục lại nguyên một làng nghề rất khó khăn, vì thiếu nguyên, vật liệu và thiếu lao động. Ðể duy trì nghề dệt chiếu, các gia đình ở đây phải đi mua lác và đay tại TP Hồ Chí Minh. Hiện một vài hộ dân ở Cẩm Nê đang trồng thí điểm cây đay, nhưng số đay này cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất chiếu. Bên cạnh đó, lao động trẻ của địa phương thường đi làm ăn xa hoặc làm việc trong các khu công nghiệp, cho nên lao động tại chỗ rất thiếu.

Nghệ nhân Phan Tấn trăn trở: 'Bây giờ làng Cẩm Nê đã là làng văn hóa tiêu biểu toàn quốc, nhưng nếu để nghề dệt chiếu truyền thống này mai một, là điều đáng buồn. Rất mong chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để giữ lại nghề này, chí ít là khôi phục lại làng nghề để phục vụ du lịch tại địa phương, để tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động'. Trăn trở của nghệ nhân Phan Tấn cũng là nỗi niềm chung của người dân làng văn hóa Cẩm Nê. Bởi việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của một làng quê có bề dày truyền thống như Cẩm Nê sẽ góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.

 

                                                                                          Theo ND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục