Phillip Noyce "mách nước" cho các nhà làm phim Việt: "Hãy PR quảng cáo gây chú ý cho bộ phim, hãy làm cho công chúng tò mò và háo hức đón chờ xem phim của mình bằng cách tuyển diễn viên rầm rộ, thuê người thiết kế talk show về bộ phim, thuê nhiếp ảnh gia chụp ảnh hậu trường phim thật đẹp để bán, làm các trailer ấn tượng...".

 

Đạo diễn Phillip Noyce là một trong những đạo diễn hàng đầu của kinh đô điện ảnh Hollywood. Ông là một người rất yêu Việt Nam và có sự gắn bó thân thiết với điện ảnh Việt Nam. Khán giả trong nước được gặp ông lần đầu tiên khi ông đến Việt Nam để thực hiện bộ phim nổi tiếng "The Quiet American" (Người Mỹ trầm lặng). Năm ngoái, vào tháng 10, ông trở lại Việt Nam trong vai trò Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ nhất.

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, ông tiếp tục trở lại Việt Nam cùng với vợ Dyasi và con trai Luvuyo (ba tuổi), con gái Ayanda (năm tháng tuổi) để tổ chức một chuỗi sự kiện văn hóa điện ảnh rất bổ ích cho những người làm phim trong nước. Đó là ra mắt cuốn sách viết về cuộc đời ông bằng tiếng Việt "Backroads to Hollywood" (từ đường làng tới đại lộ Hollywood) và gặp gỡ giới điện ảnh, doanh nhân, báo chí, trò chuyện về nghề làm phim với sinh viên ngành điện ảnh - nghe nhìn... Tại Hà Nội, Phillip Noyce cũng có mặt tại cuộc hội thảo về điện ảnh Việt Nam do Cục Điện ảnh tổ chức. Những cảm nhận và ý kiến đóng góp quý báu của ông về điện ảnh Việt Nam là hành trang quan trọng và cần thiết cho các nhà sản xuất, các đạo diễn, diễn viên, nhất là những người trẻ mới bước chân vào nghề.

Từ đường làng tới Hollywood

Trong cuốn sách "Từ đường làng tới đại lộ", Phillip Noyce kể lại cuộc đời mình. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Australia, từ nhỏ đã phải phụ giúp cha đi tìm bò lạc và vắt sữa bò cho cha đem bán. Gia đình ông nghèo đến nỗi không có cả tivi để xem, không có ai hiểu gì về phim ảnh. Nước Úc của ông khi đó chỉ toàn các rạp chiếu phim của người Mỹ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Noyce trở thành một công nhân đào cống. Nhưng ông nuôi ước mơ trở thành một người làm điện ảnh, bởi một lần đến rạp ông đã được xem 3 bộ phim ngắn của các đạo diễn người Úc. Và ông tin rằng mình cũng có thể làm phim như họ.

Noyce đào cống để có tiền thực hiện những bộ phim ngắn theo ý tưởng của mình. Sau đó ông quyết tâm thi vào Trường Điện ảnh và Truyền hình Australia. Sau 4 năm học, bộ phim ngắn tốt nghiệp của ông có tên là "Backroads" (Đường làng). Năm sau, ông đạo diễn phim "Newsfront" và may mắn giành được giải thưởng của Viện phim Australia cho Phim hay nhất, Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc nhất. Thế là con đường làm phim thành công đã mở ra trước mắt vị đạo diễn trẻ biết theo đuổi ước mơ của mình.

Vang danh ở trong nước, Noyce tiếp tục tấn công vào Hollywood. Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi cộng với tài năng hiếm có, ở tuổi 40, ông đã là một đạo diễn được cả thế giới biết đến. Câu chuyện về cuộc đời ông là một nguồn cổ vũ lớn với những nhà làm phim trẻ ở một nền điện ảnh còn nhiều khó khăn thiếu thốn như Việt Nam

Hãy yêu câu chuyện của mình, nếu không, đừng làm phim

Với các đạo diễn Việt Nam, Phillip Noyce đã chuyển một thông điệp quan trọng như vậy. Ông nhấn mạnh niềm say mê, quên mình của đạo diễn. Khi được hỏi, nếu ông thất bại ngay từ bộ phim đầu tiên thì ông có nản lòng không, có quay về làm một anh công nhân đào cống không, Noyce trả lời ngay lập tức, rằng ông sẽ bắt đầu lại, sẽ đi xin tiền để làm phim, tự tạo rạp chiếu phim trong giờ ăn trưa ở các trường đại học hay quán cà phê, tìm cách quảng bá cho bộ phim của mình. Phillip cho rằng, nếu bạn đã có ý tưởng, thì bạn phải ráo riết theo đuổi ý tưởng ấy, và thực hiện nó một cách quyết liệt, không né tránh hay từ bỏ. Đạo diễn lừng danh Hollywood đưa ra nhận định: "Ý tưởng là quan trọng bậc nhất, ý tưởng chính là loại tiền tệ mới trong công nghệ làm phim hiện nay".

Đạo diễn Phillip Noyce và Đỗ Hải Yến - diễn viên đã tỏa sáng trong phim “Người Mỹ trầm lặng”.

Nhìn lại các bộ phim Việt Nam sản xuất trong những năm qua, hầu hết các đạo diễn đều cho rằng kinh phí của chúng ta quá ít nên khó mà có phim hay. Việc làm phim cần nhiều tiền, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng đây chỉ là một lý do dẫn đến việc chất lượng phim kém. Còn một lý do khác không kém phần quan trọng, là người làm phim chưa thực sự "sống chết" với bộ phim của mình, không đi đến tận cùng ý tưởng mình có.

Còn nhớ, năm ngoái, khi đến Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Phillip đã phát biểu trong hội thảo về đổi mới phim Việt: "Kinh nghiệm lớn nhất của tôi là các bạn đừng làm những thứ mà người ta muốn. Nghĩa là theo thị hiếu mà phải tạo ra thị hiếu. Hãy làm những điều thôi thúc bạn. Nếu một đạo diễn không đặt mình vào bộ phim anh ta đang làm, không hướng được khán giả theo với câu chuyện và vấn đề anh ta đưa ra thì bộ phim chắc chắn thất bại! Hãy làm phim bằng cảm xúc mãnh liệt nhất và những suy nghĩ sâu sắc nhất của bạn". Phillip Noyce khuyên các đạo diễn: "Hãy nghĩ đến khán giả và hãy yêu câu chuyện của mình". Và cụ thể hóa sự "yêu câu chuyện của mình" bằng cách đầu tư vào kịch bản.

Vì kịch bản hay là yếu tố tiên quyết cho một bộ phim hay: "Một đạo diễn dở có thể làm ra bộ phim hay. Một diễn viên tồi cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của bộ phim. Nhưng không thể có một bộ phim hay, nếu kịch bản kém". Bên lề cuộc tọa đàm với đạo diễn Phillip Noyce, nhiều nhà làm phim Việt Nam tỏ ý rất tâm đắc với ý kiến này của ông. Rằng, ông đã "điểm huyệt" rất trúng cái thiếu căn bản của điện ảnh Việt Nam, đó là kịch bản hay.

Tìm kiếm các ngôi sao và chiêu thức PR

Đến từ kinh đô điện ảnh thế giới, nơi có nền công nghiệp sản xuất phim khổng lồ và sự cạnh tranh khốc liệt, Phillip Noyce chia sẻ, nguyên tắc cho một bộ phim thành công, có doanh thu lớn là phải có ngôi sao. Các bộ phim thành công của Phillip đều có những ngôi sao lớn của điện ảnh thế giới. Ông là người chỉ đạo diễn xuất cho Nicole Kidman trong phim "Dead Calm" (Sự im lặng chết người) - đây là một trong những phim thành công nhất của ông, Harrison Ford trong phim "Patriot games", Val Kilmer trong "The Saint", diễn viên gạo cội Michael Caine trong "The quiet American" (Người Mỹ trầm lặng)... Philip Noyce chia sẻ: "Tên tuổi các ngôi sao chính là điều kiện để nhà đầu tư chấp nhận một dự án làm phim. Chỉ cần các ngôi sao gật đầu, nhà đầu tư sẽ thò tay vào túi".

Người làm phim phải làm thế nào để có được kịch bản hay và thuyết phục được các ngôi sao. Các diễn viên ngôi sao sẽ đảm bảo cho một bộ phim được thành công. Tuy nhiên, nếu một bộ phim không có diễn viên ngôi sao, thì sẽ cần đến một sự thuyết phục khác. Thực tế Phillip Noyce đã từng thành công với bộ phim "Rabbit - Proof Fence" (Hàng rào ngăn thỏ) mà không hề có diễn viên tên tuổi tham gia. Ông "mách nước" cho các nhà làm phim Việt: "Hãy PR quảng cáo gây chú ý cho bộ phim, hãy làm cho công chúng tò mò và háo hức đón chờ xem phim của mình bằng cách tuyển diễn viên rầm rộ, thuê người thiết kế talk show về bộ phim, thuê nhiếp ảnh gia chụp ảnh hậu trường phim thật đẹp để bán, làm các trailer ấn tượng...".

Với các đạo diễn trẻ Việt Nam như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dung, Ngô Quang Hải, Phan Đăng Di… thì những kinh nghiệm này cực kỳ hữu ích. Bởi họ phần lớn là những nhà làm phim độc lập. Để làm một bộ phim, họ buộc phải bằng mọi cách thuyết phục được các nhà đầu tư. Phillip nói với các nhà làm phim trẻ một bài học hết sức thực tế, nếu nhà sản xuất không đồng ý cho bạn làm phim 100 phút, hãy làm phim 1 phút để thuyết phục họ rằng, bạn có khả năng làm phim 100 phút.

Mặc dù nói về thành công của một bộ phim tức là doanh thu phải lớn - một quan điểm rất thực tế "kiểu Mỹ" nhưng đạo diễn Phillip Noyce lại căn dặn những người trẻ bắt đầu chạm ngõ điện ảnh một điều quan trọng, đừng coi tiền là trên hết. Chúng ta sống trong nền kinh tế thị trường, cái gì cũng đo giá trị bằng tiền. Điện ảnh là một hàng hóa có thể kinh doanh, nhưng nó cũng là một loại hình nghệ thuật. "Nếu bạn biến số lượng vé bán được, biến việc tìm kiếm doanh thu cao trở thành thước đo duy nhất mọi giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của sản phẩm điện ảnh, thì quả là đã phạm một sai lầm nghiêm trọng". Tất cả phải được dựa trên cơ sở của tài năng, tình yêu và thái độ làm việc chuyên nghiệp.

Phillip Noyce đã xem rất nhiều phim Việt Nam và bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, ông chỉ ra những nhược điểm mà các nhà làm phim Việt phải vượt qua để có thể đến được với khán giả thế giới. Và ông đã nhận được tình cảm trìu mến đặc biệt từ các sinh viên ngành Điện ảnh, các nghệ sĩ, đạo diễn và nhà sản xuất.

Đạo diễn nổi tiếng người Úc không ngại ngần khi đưa ra nhận xét, rằng điện ảnh Việt Nam chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công việc PR những bộ phim. PR, xét cho cùng, cũng quan trọng như việc làm một bộ phim vậy. Vì nếu không quảng bá, sẽ không có khán giả đến rạp, và bộ phim hay cũng có thể thất bại. Ông nhấn mạnh: "Khán giả sẽ đến xem phim hay của bạn làm, nhưng họ cũng sẽ đến xem một phim dở nếu PR giỏi". Ở Mỹ, số tiền nhà sản xuất bỏ ra để quảng bá cho một bộ phim có thể bằng số tiền mà học đã bỏ ra để làm một bộ phim.

Ở ta, những năm gần đây, các đơn vị làm phim tư nhân đã bắt đầu chú ý đến vấn đề này. Các chiến dịch quảng bá cho những bộ phim từ lúc mới bắt đầu hình thành ý tưởng, cho đến khi sản xuất, phát hành đều được thực hiện bài bản, và kết quả là thu hút được nhiều khán giả đến rạp. Phim "Cánh đồng bất tận" của Hãng phim Việt là một ví dụ mới nhất. Nhân nói về các bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học ăn khách, đạo diễn Hollywood cũng nói thêm, đây là một lợi thế của người làm phim, vì bộ phim đã có sẵn một lượng khán giả nhất định. Nếu bạn làm PR tốt, chắc chắn bộ phim sẽ gây tò mò, và khán giả sẽ mua vé để được thỏa mãn sự tò mò ấy.

 

                                                                                        Theo CAND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục