(HBĐT) - Phấn đấu mãi, Nam chỉ được ghi danh vào diện quy hoạch cấp phó phòng nên tính chuyện nghỉ việc để về quê cho gần vợ con. Rồi gã được về 176. Mừng vì được về quê nhưng lo vì biết làm gì để sống? Gã tính nát nước rồi cuối cùng quyết định sẽ làm nghề mộc.

 

Do có vốn từ ngày còn nhỏ theo cha đi làm nhà sàn nên Nam học mót rất nhanh, những kiểu tủ ly, buýp-phê, giường mô-đéc đã có trong bộ sưu tập của gã. Thực ra thì trước đó, Nam đã đóng cho mấy người trong khu tập thể cơ quan một vài bộ bàn ghế. Đến khi nhận làm cho ông kế toán chiếc tủ buýp-phê  phải bỏ dở vì lý do chuyển về quê. Thế là ông ta giữ luôn tháng lương của Nam để  phạt về tội phá hợp đồng. Nam chả cần, coi như của thí. 

Về quê với mấy trăm ngàn tiền một cục, Nam chi phí dọc đường gần hết không còn đủ tiền mua đồ nghề. Lợi dụng lúc bố mẹ đi vắng, gã gọi ông buôn bon-sai đến bán phăng cây muỗm sau nhà. Chỉ một buổi sáng, họ đào gốc bưng đi. Nam có 3 triệu bạc. Mua đủ đồ nghề không còn tiền mua gỗ mà người thuê đóng đồ  không ai dám vì họ sợ, có thấy Nam làm thợ mộc bao giờ đâu. Một lần khác, bố mẹ đi đám cưới ở làng bên, Nam gọi thợ chặt cây khế đang ra hoa kết trái để xẻ lấy gỗ. Lần này, bố mẹ bảo: “Mày là thằng điên. Mày có biết cây khế là của cụ nội để lại không?”.  Chả sao, bố mẹ chửi chán thì thôi, đời nào để con chết đói. Xẻ gỗ xong, Nam đóng được bộ bàn ghế nan. Gỗ khế ít người dùng đóng đồ nhưng vân cũng khá đẹp. Gọi bán, ai cũng chê kiểu dáng xấu, mãi mới có người trả 500.000 đồng. Nam đành bán để lấy vốn quay vòng. Vợ gã chết cay, chết đắng vì chồng mình dạo này hâm. Hâm nặng! “Giá như để cây khế bán cả gốc chả được vài triệu à?”.  Nghe vợ nói Nam mới ngã ngửa. Cây muỗm trước đây bé tí tẹo cũng bán được 3 triệu. Tiếc của, Nam đào gốc khế để tạo dáng thành bộ bàn ghế rễ cây. Một ngày, hai ngày, rồi một tuần trôi qua, góc vườn bị cày xới trông như hố bom mà vẫn chưa đâu ra đâu, Nam buồn chán định bỏ cuộc, vợ lại chì chiết “ông hâm ơi! Có định đào thì đào cho dứt nếu không để tôi lấp lại cho”. “Không được! Mai tôi đào tiếp”. Gã trả lời dứt khoát. Hôm sau đào, đào mãi đến tối mịt mà Nam vẫn hăng hái không muốn nghỉ. Bỗng cạch! Gã chạm thuổng vào cái hũ sành, trong đầu lóe lên một ý nghĩ vàng! Đồ cổ? Nhẹ nhàng, Nam bới đất xung quanh rồi lôi được chiếc hũ lên. ôi chao vàng! Vàng thật rồi! Phải tìm cách giấu kỹ đã, xong xuôi Nam mới đi tắm rửa mà không ăn cơm tối. Những ngày tiếp theo, bề ngoài Nam vẫn thản nhiên đào rễ cây khế còn trong bụng thì bồn chồn lo giữ số vàng kia thế nào và sử dụng nó ra sao. Chính vì nghĩ quá đâm ra Nam ốm. Vợ gã thì bảo nửa tháng đào bới làm gì chả ốm. Khỏe lại, hì hục gọt đẽo mãi thì Nam cũng có được bộ bàn ghế bằng rễ cây. Nghe đồn Nam có bộ bàn ghế lạ kỳ, cánh săn “bộ sưu tập gia đình” tìm đến trả giá cao ngất ngưởng nhưng gã không đồng ý. Phải nói là họ tài thật, chính Nam cũng không phát hiện ra bàn ghế của mình giống con gì nhưng đến khi họ nói đấy là dáng nai thì gã mới nghiệm ra. “Con nai rừng” của gã hình dáng tự nhiên, không hề có sự gia công ngoài việc làm sạch sẽ rồi đánh bóng. Mới lại nó là vô giá cũng đáng, từ nó mà Nam có cả hũ vàng. Ngay đến cả ý nghĩ điên rồ của Nam là chặt cây khế xẻ lấy gỗ cũng là phát minh vô giá... không chừng. Bản tính vốn kín đáo, Nam tìm cách sử dụng số vàng đó sao cho người ta không phát hiện là mình được của. Gã khăn gói đồ nghề của ông phó mộc để lên miền núi kiếm việc làm. Cọc cạnh cưa đục, cuối năm gã cưỡi con SH mới coóng về làng, sắm màn hình tinh thể lỏng thế hệ mới 40 inh. Trong thôn có người nói đểu: “Hình như thằng Nam buôn thuốc phiện. Thế mới là chết đây, thiên hạ ghen ăn, tức ở mà. Cũng tại mình không kiềm chế được. Đã thế thì mặc kệ, mình có trộm cắp đâu mà sợ. ăn tết xong, Nam đập nhà cũ đi xây lại. Xóm làng lại dị nghị, ngay đến cả vợ con gã cũng không hiểu nổi. Một năm làm thợ mộc tiền công có cao, may ra mua được con xe SH đằng này... Nghi ngờ nhất vẫn là thằng con trai gã. Nó thấy bố mua két sắt và thường lén lút mở mở, đóng đóng trong đêm tối. Một hôm nó nằm phục sẵn trong gầm giường thấy bố mang cả một hũ toàn vàng ra đếm. Nó cố nhớ mã số két. Sau đó, thỉnh thoảng nó rút ruột vài trăm ngàn rồi vài triệu vẫn êm ru. Nhưng nó nghĩ tìm cách đổi vàng sẽ an toàn hơn. Rồi những chiếc nhẫn mỹ ký thay dần nhẫn vàng thật nằm vào két sắt của Nam. Vợ gã cũng không vừa, thấy chồng có nhiều tiền mà cứ lén lút như “buôn bạc giả” thì dọa “Tôi thấy người ta đang nghi mình buôn thuốc phiện đấy, phải cẩn thận”. Rồi nay thị xin vài chục, mai vài trăm mua quần áo, ăn trắng mặc trơn, phấn son lòe loẹt. “Tao có sợ cái con tiều. ừ thì tao đào được vàng đấy đứa nào làm gì được tao. Vàng trong vườn nhà tao, cá vào ao ai người ấy được. Đấy là vàng cụ tổ tao để lại”. Vợ Nam tức lắm nhưng không làm gì được. Tức nhất là từ ngày lão có tiền thì giao du chơi bời, không để ý đến thị nữa. Hình như lão có bồ nhí trẻ lắm ở trên thị xã. Trả thù đời, thị cũng buông thả, tìm lại tay người yêu cũ sống già nhân ngãi, non vợ chồng. Thằng con gã từ ngày mở được két sắt ăn chơi trụy lạc, thâu đêm, suốt sáng hết ở quán nét lại đến vũ trường trên thị xã. Rồi bỗng nhiên nó đòi lấy vợ, gã không đồng ý “Mày học chưa xong phổ thông việc làm không có, vợ con gì”. Thằng bé trả lời lạnh tanh “ông bô không cho con cưới thì thôi. Mai con bảo cô ấy nạo nháy một cái là xong”. ôi giời! Nó bảo người yêu nạo thai như bảo thay cái áo. Bọn trẻ bây giờ thoáng thật!  Thằng con trai vừa nói chuyện ấy được mấy hôm thì Hiền, con bồ nhí của gã cũng thông báo “Em có thai rồi”. Anh có định cưới em không?  Gã vỗ về “Em đợi vài ngày nữa, anh đã đưa đơn ra tòa. Con mụ vợ anh đòi chia tài sản, anh chưa đồng ý”. Gã quyết tâm để Hiền đẻ nên đưa thị đi khám thai. ở đấy người ta phát hiện Hiền bị HIV giai đoạn đầu, may mà thai nhi chưa bị nhiễm. Gã khẩn cấp đi xét nghiệm và thật không may là gã  cũng đã lây căn bệnh thế kỷ. Họ bảo có thể uống thuốc để kéo dài sự sống. Ban đầu gã bi quan không thuốc men gì hết. Nhưng nghĩ lại số tài sản lớn thế kia để làm gì. Kể cả sang Anh, Mỹ, Pháp gã đều có điều kiện kia mà. Có một hợp đồng chữa bệnh hợp lý bên Singapore, gã đem bán số vàng lớn để nộp cho đối tác. Khi ra ngân hàng quy đổi mới biết số vàng ấy lẫn nhiều vàng giả. Gã ngất lịm. Đến khi tỉnh lại, câu đầu tiên gã mở miệng là “Chả nhẽ các cụ ngày xưa cũng biết làm vàng giả? Thôi! Hãy để tôi chết đi cho rồi”. Hiền bật khóc. Thị lay lay vai gã bảo “Kìa anh sang tên nhà cho em đi”!  Gã tránh câu trả lời và ánh mắt của Hiền nhưng thị vẫn van nài “Coi như là cho con thôi mà”. Nam quát to “Cô cút đi! Chết cả lũ đến nơi rồi còn nhà với cửa. Mà cô lang chạ với thằng nào để đổ bệnh cho tôi”. Hiền cũng không vừa “Tôi bị lây anh thì có! Đồ keo kiệt. Lúc ấy bảo đeo bao vào còn kêu là lãng phí”. Lúc này, ngoài cửa phòng bệnh nhân có tiếng trẻ con khóc oe oe. Một cô gái dễ chưa đến hai mươi tuổi, dáng tiều tụy bế con bước đến trước mặt Nam mếu máo: “Chú Nam đây là cháu nội chú. Cháu trả để cô chú nuôi lấy thằng cháu đích tôn”. Cô ta đặt đứa bé xuống cạnh chỗ Nam nằm. Tiếng khóc xé lòng, xé  dạ những người xung quanh. Hiền không mủi lòng tiếng con trẻ mà còn hét to “Đúng là đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nam tự nhủ mình rằng cô ấy nói sai. ở hoàn cảnh này phải nói là đời cha ăn mặn, cả cha và con cùng khát nước. Giá như mình vẫn là ông thợ mộc thì không đến nỗi nào.

 

                                                   Truyện ngắn của Hoàng Nghĩa

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục