(HBĐT) - Gặp lại người con gái Lào Ngày đó là năm 1974, đã hơn 38 năm rồi nhưng mỗi khi nhớ đến hình ảnh người nữ bác sỹ Pha thét Lào đang học tại Học viện Quân y đến thăm trường Sỹ quan pháo binh (trường 400) và hình ảnh người nữ bác sỹ rưng rưng nước mắt khi nghe tôi báo cho cô cái tin không vui ấy! Giờ đây, mấy chục năm qua đi, chiến tranh cũng đã lùi xa nhưng mối tình giữa người con trai Mường Vang (Lạc Sơn) và cô gái Lào cứ làm tôi trăn trở mãi ...

 

Hôm đó, tôi đang bắn kẹp nòng ở sa bàn bắn tập của trường 400 pháo binh nhưng chỉnh mãi mà không trúng mục tiêu vì mấy ông giáo viên đã sửa lại kính ngắm để thử trình độ học viên. Đang loay hoay toát mồ hôi tính lại lượng sửa hết lệch phải lại lệch trái mà không bắn trúng mục tiêu... Đúng lúc đó, cậu liên lạc của thượng tá Phùng Văn Khầu (anh hùng LLVT), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, chuyên huấn luyện sỹ quan pháo binh cho nước bạn Lào, đến sa bàn báo cáo với đồng chí trực ban là muốn gặp tôi (ông là Phó Chính uỷ E 45 chúng tôi, trong chiến dịch Nam - Lào 1971). Tôi thay vội bộ quần áo chiến thuật rồi lên gặp thượng tá, nhưng tôi cứ lưỡng lự ngoài sân vì thấy trong phòng khách, thượng tá đang nói chuyện bằng tiếng Lào với một nữ trung uý quân y Lào khá xinh đẹp, trong bộ quân phục gọn gàng trông rất duyên dáng, mái tóc cắt ngắn chấm vai như các nữ quân nhân Việt Nam thời bấy giờ... Thấy tôi lưỡng lự, thượng tá vẫy tay bảo:              

 

- Này Phong, cậu có nhận ra đồng chí này không? Thượng tá chỉ tay về phía nữ trung uý Lào và hỏi tôi.  Nhưng chưa để tôi kịp trả lời, nữ bác sỹ đã lên tiếng:

 

- Xa hải Phong, không nhận ra noọng nữa hay sao, có còn nhớ con suối ở chân  đèo chữ chi và Tiểu đoàn 101 Pha thét Lào chúng tôi không...?  Tôi phải lục lại bộ nhớ hồi lâu mới nhận ra người nữ bác sỹ quân y Lào xinh đẹp đang đứng trước mặt tôi nhưng vẫn ngỡ ngàng, giữa cô y tá Chăn Tha 17 tuổi nhỏ nhắn, gầy yếu ngày nào và người nữ bác sỹ quân y đang bắt tay tôi bây giờ...

 

Nhớ ngày chiến đấu trên đất bạn

Ngày đó là cuối năm 1965, Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 335 chúng tôi vừa giải phóng xong cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng thì được lệnh hành quân tham gia chiến dịch 74, phía nam Xiêng Khoảng, trấn giữ các nơi trọng yếu  cùng các đơn vị Pha thét Lào, không cho địch từ hướng Tha Thơm, Tha Viêng đánh ra vùng giải phóng phía nam Xiêng Khoảng của ta! Trong lúc lực lượng của bạn mỏng và phải phòng ngự khá vất  vả để giữ các cao điểm, không cho địch tấn công lấn chiếm vùng giải phóng của ta...

 

Lúc đó, Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 335 chúng tôi phòng ngự cách Tiểu đoàn 101 khoảng 2 giờ đồng hồ, đang đêm chúng tôi được các đồng chí cố vấn của ta cho liên lạc đến báo là các bạn Tiểu đoàn 101 đang rút khỏi đèo chữ chi, các vị trí phòng ngự để về Xiêng Khoảng ăn Tết...

 

Thế là đang đêm chúng tôi phải đánh chiếm lại đèo chữ chi vì  là địa bàn trọng yếu nên ta và địch giành giật nhau quyết liệt, thương vong không nhỏ. Tiểu đoàn 101 của bạn là đơn vị được huấn luyện tấn công, có khả năng chiến đấu thắng lợi trong bất cứ điều kiện địa hình và thời tiết khắc nghiệt nào...! Nhưng chiến đấu phòng ngự thì anh em Tiểu đoàn 101 không ưng lắm. Trường hợp Tiểu đoàn 101 rút khỏi đèo chữ chi nằm trong bối cảnh như vậy...

 

Những kỷ niệm tốt đẹp giữa Sư đoàn 335 chúng tôi với các đơn vị pha thét Lào ngày chiến đấu trên đất bạn làm tôi không biết nói thế nào để Chăn Tha vợi được nỗi nhớ thương người con trai Mường Vang to cao, trắng trẻo, đẹp trai, có chiếc răng vàng ở khoé trái rất duyên ấy. Anh đã để lại Chăn Tha một mối tình cao đẹp, khi anh quên mình chỉ huy trung đội tả xung hữu đột ở đèo chữ chi để giải vây cho một phân đội pha thét Lào bị địch bao vây và đã cõng được Chăn Tha, người nữ y tá của D 101 nhỏ nhắn, gầy yếu, chân bị thương nhưng vẫn đeo cái túi cứu thương to bè bên sườn! Trung đội trưởng Bùi Văn Vim đã cõng Chăn Tha  vượt làn đạn địch bắn như mưa, lội qua con suối chảy xiết và bị ngã xuống suối. Trong đêm tối, người lính tình nguyệõn Việt Nam ấy đã đuối sức và mặc dù bị nước cuốn trôi nhưng bằng sức mạnh của tình yêu thương đồng chí, đồng đội, Vim đã ngụp lặn bơi theo và kéo được Chăn Tha vào bờ...!        

 

Sau đó, chúng tôi đã thay nhau cõng Chăn Tha về tiểu đoàn và đơn vị thấy người con trai Mường Vang nói tiếng Lào khá thạo nên  đã giao cho trung đội của Vim chăm sóc đặc cách cô y tá Tiểu đoàn 101 của bạn hàng tuần liền, cho đến khi Chăn Tha và đồng đội của cô bình phục, chúng tôi bắt được liên lạc với Tiểu đoàn 101, mới đưa anh em về đơn vị...

 

Sau khi về nước, Bùi Văn Vim đã kể  cho tôi nghe là Chăn Tha đã yêu anh. Hôm đưa Chăn Tha cùng đồng đội về Tiểu đoàn 101, cô đã cố đi chậm lại và nói với Vim là suốt đời cô không bao giờ quên được người lính tình nguyện Việt Nam đã cứu cô thoát chết và nếu sau chiến tranh còn sống, cô sẽ sang Việt Nam tìm Bùi Văn Vim...     

 

May mắn làm sao, cô được sang  học tại Học viện Quân y, Chăn Tha đã nhờ bạn bè, cả các thầy, cô học viện  tìm giúp nhưng không có địa chỉ, bức ảnh nào, kỷ vật duy nhất cô còn giữ được là số quân 91 của Vim đưa cho  lúc chia tay nhau và cô đã báo cáo với nhà trường là Vim ở “Mường Vàng” (Mường Vang) nên thầy, cô ở học viện đã tìm kiếm nhiều lần nhưng không có kết quả... ước mơ không thành

 

Trong lúc Chăn Tha không còn hy vọng tìm được người lính tình nguyện Việt Nam mà cô đã đem lòng yêu thương ấy, vì thời gian học đã hết, Chăn Tha sắp phải về nước, vì vậy cô đã xin phép học viện lên Tiểu đoàn 5, có  các sỹ quan pháo binh Lào đang học để thăm mấy người bạn cho nguôi ngoai nỗi nhớ mong của một mối tình mà cô đã ấp ủ 9 năm trời và hôm ấy trong lúc đi ăn cơm trưa, cô vô tình thấy tôi, là bạn của Bùi Văn Vim mà cô được biết, đang xếp hàng đi đều đến nhà ăn...   

 

Nhưng khi Chăn Tha hỏi về Bùi Văn Vim thì tôi hết sức lúng túng nên phải báo cáo thượng tá Phùng Văn Khầu, xin gặp riêng ông và báo cáo lại toàn bộ câu chuyện 9 năm về trước và chuyện Chăn Tha với Vim đã yêu nhau nhưng trong chiến dịch Nam - Lào (1971), Bùi Văn Vim đã nằm lại bên bờ sông Xê Pôn trong mát của đất nước triệu voi, khi anh lao vào giữa làn đạn địch, nằm úp lên đỡ đạn cho hai em bé người Lào đang chạy về phía bộ đội Việt Nam và trung uý Bùi Văn Vim đã hy sinh cho mối tình Việt - Lào mãi mãi.

 

Từ lúc gặp Chăn Tha, tim tôi buốt nhói, khi nghĩ đến đứa bạn thân nhất của tôi, giờ đây không còn nữa, anh không còn để được gặp người con gái đất hoa chăm pa, xinh đẹp đang yêu thương say đắm và mong ngày gặp anh...! Nhưng trung uý Bùi Văn Vim đã hy sinh trong một trường hợp tương tự như anh đã cứu Chăn Tha ngày nào...!

 

Thượng tá Phùng Văn Khầu nghe xong câu chuyện, ông liền báo tôi: Thôi Phong ạ! Không thể nói dối được đâu, cậu cứ nói thật cho Chăn Tha biết rồi sẽ tính sau! Nhưng vừa nghe xong, Chăn Tha đã ngất xỉu xuống bàn nước của phòng khách Tiểu đoàn 5. Chúng tôi phải nhờ các học viên Lào đến cấp cứu và động viên Chăn Tha hồi lâu cô mới nguôi ngoai dần và nói trong nước mắt:

 

- Nếu không có Vim thì chắc em đã chết ở con suối chân đèo chữ chi rồi. Khi chia tay, em đã hứa là sau chiến tranh, nếu còn sống em sẽ sang Việt Nam tìm anh ấy, anh Vim thương em lắm, hứa là sẽ đợi em, quê anh ấy ở “Mường Vàng” gì đấy. Cả Học viện và các thầy, cô không ai biết cả! Hôm qua xuống nhà ăn thấy anh nên em nhờ thủ trưởng Khầu mời anh đến xem có đúng anh Phong không và để em hỏi anh Vim bây giờ ra sao... Nhưng nào ngờ...!

 

Nói đến đấy Chăn Tha lại khóc nấc lên và các bạn Lào phải dỗ dành mãi cô mới thôi...

 

Sáng hôm sau, Chăn Tha chia tay chúng tôi trong nước mắt, cô đi nhờ xe của thượng tá Hoàng Hải về Hà Nội để về Học viện Quân y, kịp dự lễ nhận bằng tốt nghiệp bác sỹ để về nước phục vụ cuộc chiến đấu giải phóng đất nước Lào!  

                                                

                               

                                                  Bùi Xuân Phong

                                             (P. Phương Lâm, TPHB)

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục