(HBĐT) - Cô giáo Thảo nặng nhọc nhấc chân bước từng bậc cầu thang. Dạy hết tuần này, cô sẽ nghỉ hưu. Vệt nắng chiều còn sót lại trên sân trường, cây bàng màu đã lốm đốm, chuyển sang mùa thay lá. Cô rung mái đầu đã xen những sợi bạc tự hào điểm qua những đứa học trò làm nên danh phận, cô đâu có nghĩ nhiều về điều đó.

 

Lúc này cô thầm nghĩ còn đứng trên bục giảng ngày nào, còn thấy mình được làm thầy ngày đó, cô tin rằng, những con chữ, những kiến thức mà lâu nay cô cần mẫn chuyền tải, truyền thụ đều có điểm đến. Đồng nghiệp thấy cô có tiết dạy chiều nay, bước đi, chiếc bóng đổ dài trong vệt nắng chiều mà lòng thấy se sắt lại. Có đồng nghiệp ân cần chia sẻ:

- Mấy ngày nữa cô nghỉ hưu rồi, cố làm gì, nghỉ chờ quyết định cho khỏe.

Cô lặng lẽ không nói gì, một luồng gió từ đầu tầng 2 thổi lại, mái tóc cô bay phơ phất. Cô nở nụ cười, nụ cười tươi như thuở nào mới vào lớp. Vệt nắng chiều xuyên qua tán bàng, tán phượng xuống sân trường như đung đưa, lay động.

Hơn 35 năm đứng lớp, nhớ lại buổi ra trường ở tuổi ngoài 20 với tấm bằng đại học Sư phạm khoa văn, cô háo hức đến với đàn em nhỏ. Cô đến ngôi trường đầu tiên ở vùng núi cao, bốn mùa lộng gió với những đàn em thơ ngây, bước chân học trò cheo leo trên những chặng đường không hề bằng phẳng. Cô và đồng nghiệp đang cố lên lớp từng ngày để khoả lấp đồng lương eo hẹp hoặc chắt chiu, tằn tiện với cuộc sống thiếu thốn, khó nhọc khi đồng lương ít ỏi, đồng tiền thưởng thì không. Tuy vậy, lòng say mê, lương tâm nghề nghiệp đã thôi thúc cô cùng bạn bè đồng nghiệp lội bộ, luồn rừng vận động học sinh đi học. Mỗi ngày một em đến lớp, đến trường vui vẻ, cô cảm thấy hứng khởi vì đã dệt nên những ước mơ về tương lai xán lạn cho học trò. Cô cảm tác mấy câu thơ:

 

“Gọi về đây những lớp đàn em

 Chở mơ ước lên đường

 Đi gặp tương lại không chờ năm tháng

 Như tiễn những tâm hồn trong bài mình giảng

 Đến chân trời mùa xuân”.

 

Cô và đồng nghiệp vượt khó khăn, thiếu nhiều nhưng lại có đủ đầy tình yêu thương của học trò và bà con xóm núi. Cô cùng đồng nghiệp yên tâm với nghề thanh bạch, thanh cao mà chẳng mấy thanh nhàn, lòng đầy tự trọng.

 

Tiếng trống kết thúc giờ văn của lớp 10, cô cúi đầu nhoẻn miệng cười chào lớp học trò lòng xao động nhưng không để biểu lộ ra ngoài tình cảm cô, trò lúc chia tay cô nghỉ theo tuổi quy định, nghỉ chế độ là quy luật cuộc sống, phép tắc của xã hội chẳng phải gì mà nấn ná, níu kéo. Cô nhẹ nhàng vịn lan can bước từng bước xuống bậc thang.

 

Cuối tuần, cô nhận quyết định nghỉ hưu nhưng giờ dạy hôm nay, giờ cuối vẫn hào hứng, đầy lửa nhiệt tình như giờ dạy đầu tiên.

 

Chiều nay, anh Bình và đứa con gái Vân Anh vòng vèo qua mấy con đường ngoại ô rồi dừng lại trước một ngô nhà cấp bốn ba gian, có mảnh vườn xanh rau cải, hành, ngải cứu. Một khoảng sân đầy cây cảnh và một giàn hoa lý đang ra những chùm hoa vàng phảng phất hương thơm.

 

Bố con anh Bình bước vào sân gặp một phụ nữ luống tuổi, tóc đã bạc nhiều, mắt đeo kính lão bước ra. Anh Bình lễ phép.

 

- Dạ, đây có phải nhà cô giáo Lan không ạ?

- Bình đó phải không? Người đàn bà hỏi lại.

 Bình giật thốt người.

- Cô đây mà, cô giáo Thảo dạy văn cấp 3 trường huyện năm nào đây mà. Bình nhìn cô ngơ ngác:

- Dạ, cô Thảo, cô chủ nhiệm năm em học lớp 10. Trời ơi, cô đã già đi nhiều quá! Mà sao cô lại nhận ra em nhanh như vậy.

Cô mỉm cười, nụ cười vừa hiền từ và bao dung như ngày cô đứng trên bục giảng, say sưa truyền đến cho học trò những kiến thức, những lời dặn dò thẩm thấu đến mỗi học sinh một tấm lòng vừa là thầy, vừa là mẹ:

- Em cứ vào nhà đi, cả cháu nữa, chuyện dài lắm.

 

Vào nhà, căn nhà gọn gàng, ngăn nắp, chỉ có một điều khác là góc nhà có một tủ sách chất đầy, cao hơn đầu người, bên tủ sách một chiếc bàn, trên bàn vẫn những cuốn sách đang mở. Bình tự nhiên trong lòng thấy thương cô, kính trọng cô, về nghỉ hưu rồi vẫn làm việc giúp đỡ những đứa học trò nghèo đến hỏi han về một bài văn, về kiến thức cần dẫn giải hay hướng dẫn cho một cuốn sách cần đọc, cần tham khảo.

Lúc này, một cô gái vừa dừng xe ngoài sân, cởi chiếc mũ bảo hiểm thì Vân Anh nhìn ra và chợt reo lên:

- Cô Lan, em chào cô.

Bình chưa kịp hiểu ra thì cô giáo già đã lên tiếng:

- Phương Lan là con gái của cô đó, em đang là chủ nhiệm lớp 8A5 trường trung học cơ sở.

Bình miên man suy nghĩ, mình ra công tác ở thành phố này mấy năm rồi mà cô giáo cũ ở ngoại ô này không biết. Hôm nay, thật ngẫu nhiên một cuộc gặp hai thế hệ hai cô giáo, hai học trò. Cô Thảo ôn tồn giải thích:

- Em ngạc nhiên lắm sao? Cô biết hiện giờ em đang là Chánh án tòa án thành phố, cô thường thấy em xuất hiện qua những lần họp HĐND và thỉnh thoảng nghe tin qua những phiên tòa mà em là chủ tọa.

Bình chợt hiểu ra tất cả và ngước nhìn cô, thì ra cô chưa bao giờ quên Bình, đứa học trò nghèo của vùng quê. Cô lại thủ thỉ câu chuyện, giọng cô già rồi vẫn trầm ấm như những ngày nào trên bục giảng.

- Cô nhớ chứ, nhớ lớp học trò cuối cấp 3 ngày ấy, có người có danh phận, có người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh ái quốc, có người trở thành doanh nhân ăn nên, làm ra, còn em hình ảnh cậu học trò có nét tính cách sớm bộc lộ từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường là ghét sự thiên vị, đấu tranh cho sự công bằng qua những buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn và nét nổi bật ở em là sự bảo vệ, giúp đỡ những bạn yếu gặp khó khăn. Bình cảm ơn cô, sao mà cô nhớ về mình lâu thế. Bình nhớ lắm một lần đến lớp chậm, quần áo ướt. Bình đứng trước cửa lớp như trời trồng, cả lớp nhìn Bình cười ầm lên bởi mắt mũi lấm lem than, cô ôn tồn, Bình trình bày, trên đường đi học gặp một chiếc xe đạp chở than tổ ong đi bán không may bị xẹp lốp, Bình đã cố đẩy để than khỏi bị mưa, nếu gặp mưa thì xe than cả trăm viên đều thành bùn. Nghe xong, biết cơ sự đó, cô đã khen Bình, bạn bè ồ lên “hảo hán giữa đường”. Bình nhớ hồi đó không có tấm lòng của cô, lời động viên, an ủi của cô để Bình học tiếp thì làm gì có ngày hôm nay. Đứa học trò sau bao nhiêu cố gắng tốt nghiệp trường Đại học Luật  nay trở thành một chánh án đã phân xử, chỉ đạo, cầm cân, nảy mực bao vụ kiện, đã cất cao lời chính nghĩa bảo vệ pháp luật, sự công bằng.

Bình ngồi im lặng, cô giáo vẫn uy nghiêm mà vô cùng gần gũi, mái tóc bạc và cặp kính trắng đã tôn vẻ đẹp của cô như một người mẹ hiền.

Trong vạt nắng nhạt của một chiều thu, cô ngồi đó vẫn nụ cười hiền hậu, không một lời trách cứ.

Trước mắt bố con Bình, Vân Anh, cô giáo già là một người bà, người mẹ, người thầy, một tâm hồn nhân hậu, lương tâm trong sáng vẫn sống đẹp cho các thế hệ học trò kính trọng.

Thấy Bình ngồi im lặng và hình như cô đã đọc được những suy nghĩ của anh, cô nhẹ nhàng nói tiếng:

- Cô về nghỉ hưu được 3 năm thì bố Phương Lan từ chiến trường ra, công tác được một thời gian, vết thương ảnh hưởng vùng chất độc da cam nên qua đời. Thế là 3 mẹ con lại gồng lên nuôi nhau trong khó khăn thời đó của đất nước, không một lời kêu than, cháu trai lớn công tác trên tỉnh, còn Phương Lan sau khi tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm về dạy THCS, hai mẹ con sống với nhau cũng tạm ổn. Thứ bảy, chủ nhật, vợ chồng con trai đưa thằng cháu nội lên 3 về chơi, “cháu lên ba cả nhà tập nói” đúng thật, niềm vui tuổi già thế là mừng

- Cô rất vui vì có người học trò như em và bao học trò nữa đã trưởng thành xứng đáng, tin cậy.

Bình hai tai ửng đỏ, anh nhìn ra sân. Vệt nặng chiều thu còn sót lại trên mảnh sân nhà, gió chiều nhè nhẹ thổi, mấy chiếc lá vàng bay, Bình bỗng nghe môi mình mằn mặn.

 

                                                Truyện Ngắn của Văn Song

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục