Màn rước Thánh Tản trong lễ hội khai hạ Mường Bi.

Màn rước Thánh Tản trong lễ hội khai hạ Mường Bi.

(HBĐT) - Trong cái nhìn của những người quan tâm đến nền văn hóa của đất Mường Hòa Bình, cho đến nay, huyện Tân Lạc (theo cách gọi xưa là Mường Bi) còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng qua từng lễ hội.

 

Với hàng chục cái tên như: “Lễ hội khuống mùa” (Khai hạ), “Cầu mưa”, “Rửa lá lúa”, “Lễ cơm mới”, “Lễ nạ mụ”, “Lễ cầu mát”,  “Lễ nhóm lửa”, “Hội chùa Kè”, “Lễ hội đánh bắt cá suối”... có thể thấy, lễ hội ở nơi này được tổ chức rải rác ở tất cả 4 mùa trong năm. Thế nhưng, rộn ràng, tươi vui, tràn ngập sự hứng khởi vẫn được hội tụ ở lễ hội “Khai hạ”, một lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày mồng 7 đến mồng 10 tháng giêng hàng năm.

 

Tôi may mắn được có mặt trong lần đầu tiên huyện Tân Lạc phục dựng và nâng tầm cho lễ hội khai hạ. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể lý giải được có phải vì lý do trời đất giao hòa, thần linh chứng giám ban phát lộc trời hay không mà giữa chừng  xuân, ban ngày, bầu trời cao xanh thoáng đãng, nhưng tối đến lại mù mịt, vần vũ bởi cơn giông. Sau màn khấn Thánh Tản của ông mo cầu cho mùa màng tươi tốt rồi rước kiệu đưa Thánh Tản về miếu tất cả sự trang trọng pha chút hơi hướng phiêu linh cũng được gói ghém lại cất giấu nơi miếu thờ. Rời khỏi không gian trầm mặc nơi miếu thờ, đoàn người trẩy hội trở về khu đất bằng phẳng để xem trình tấu cồng chiêng, thi ném còn, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đánh mảng, đi cà kheo... những trò chơi dân gian mang đậm đà bản sắc. Trong không gian thoáng rộng ấy, già trẻ, gái trai của đất Mường Bi cùng nhau trổ tài thi thố làm cho ngày hội  thêm phần hấp dẫn. Có được sống trong không gian của lễ hội mới thấy con tim như muốn vỡ òa bởi sự dâng tràn của miền xúc cảm. Cảm xúc đó cứ đọng lại mãi để rồi “đến hẹn lại lên”, cứ vào quãng độ mồng 7 tháng giêng, những bước chân lại muốn dồn về dự lễ khai hội Mường Bi.

 

“Khai hạ” là lễ hội mở đầu cho một năm mới và cũng là lễ hội lớn nhất trong năm. Tiếp đến là  “Lễ hội chùa Kè”, được tổ chức vào ngày 16/2 âm lịch tại xã Phú Vinh. Lễ hội này được tổ chức tại một ngôi chùa lợp gianh, không có sư trụ trì. Tương truyền trong ngôi chùa có một hòn đá gọi là bụt mọc. Lễ hội này chủ yếu thu hút nhân dân các xã vùng thượng Bi về dự. Năm nào được mùa, người dân mổ trâu tế Phật, tổ chức hội xéc bùa, ném còn tưng bừng nơi cửa Phật, đây là dịp để những người đàn ông ở mọi lứa tuổi khoe tài và những người phụ nữ khoe sắc qua những bộ váy áo, xà tích điệu đà, xúng xính. Phần nửa cuộc đời sống ở Phú Vinh, khi trưởng thành lấy chồng rồi sinh con, đẻ cái ở Phú Cường, mế Niệm, người mà tôi đã tình cờ gặp và chuyện trò đã kể về lễ hội chùa Kè với tất cả niềm tự hào sâu sắc: Cả đời tôi chẳng được đi đâu xa khỏi vùng đất mường Bi này nên cũng chẳng biết ở đâu có gì vui. Quanh năm làm lụng vất vả, chỉ mong đến mấy ngày Tết để được nghỉ ngơi, được ăn ngon, mặc đẹp. Hết Tết lại quấn vào việc làm ăn rồi đến tháng giêng, hai dành cho mình chút thời gian khoảng đôi ba ngày để mua sắm mọi thứ chuẩn bị cho lễ hội chùa Kè. Lễ hội không lớn nhưng vui lắm! Mế gặp và quen ông ấy (chồng của mế - PV) cũng tại lễ hội chùa Kè này. Sống với nhau đã có 6 mặt con và hơn chục đứa cháu nội, ngoại, năm nào, làng tổ chức hội chùa chúng tôi cũng có mặt. Tôi mong làng xã tổ chức lễ hội đều đặn  để các  thế hệ con cháu hôm nay cũng được vui chơi, thể hiện lòng thành kính với đức Phật mà sống cuộc sống lành mạnh, ôn hòa.

 

Là người con của đất Mường Bi, sống ở nơi thẫm đẫm nét văn hóa của người Mường cổ, ông Bùi Văn Linh, Trưởng phòng VH-TT huyện đã dốc hết sức mình để tiếp bước những người tiền nhiệm thực hiện Nghị quyết T.ư 5 (khóa VIII) về giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc. Với sự tham mưu đắc lực của ông Linh và những người tâm huyết với văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng, huyện Tân Lạc đã có sự quan tâm đúng mức với việc bảo tồn, phát huy các lễ hội. Đó là lý do những năm gần đây đã có thêm nhiều lễ hội được phục dựng, nâng tầm để thỏa ước nguyện nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. 

 

Ngắm gian trưng bày ẩm thực là những sản vật hồn quê của các xã vùng Mường Bi trong lễ Khai hạ năm 2011, chúng tôi nhận được lời mời thú vị: vào quãng tháng 3 âm, các bạn lại về Mường Bi nhé! Năm nay chúng tôi tổ chức lễ hội đánh bắt cá suối xã Lỗ Sơn phong phú và quy mô hơn. Sẽ vui lắm đấy! “Được lời như cởi tấm lòng”, dù bận bịu với công việc, với những mối lo toan thường nhật nhưng chúng tôi mong mãi cuộc điện thoại  với lời mời chính thức khi xã ấn định xong ngày tổ chức lễ hội. Rồi ngày vui ấy cũng đến và không chỉ đến với riêng người dân Mường Bi mà lan rộng tới tỉnh lỵ. Khi chúng tôi tới con suối Cái , nơi diễn ra lễ hội đã gặp khá nhiều gương mặt quen thuộc, họ là những cán bộ, công chức công tác tại UBND, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và họ cũng đến dự lễ hội với cương vị là khách mời. Dường như sự háo hức, hân hoan ngự trị trong con tim của tất cả mọi người có mặt trong lễ hội. Bởi khoảng không gian thoáng rộng bên suối luôn rộn rã tiếng nói, cười và ồ lên thích thú mỗi khi có người bắt được con cá dù lớn hay nhỏ. Sự sôi động của lễ hội thật đáng quý vì đã giúp cho mọi người có được những khoảnh khắc diệu kỳ, gạt bỏ đi những nỗi  lo toan, ưu phiền trôi theo dòng nước để tận hưởng niềm vui theo mỗi nhịp quăng chài của những ngư dân “một mùa” vốn chỉ quen với việc bắt cá ở ao nhà. ý nghĩa của lễ hội không chỉ dừng lại ở đó mà sâu sắc hơn, đó là dịp để người dân bày tỏ sự tôn kính với các vị thần linh, đồng thời là một lễ hội để người dân vui chơi, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội này cũng mang ý nghĩa tuyên truyền sâu rộng tới người dân việc bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên; cấm các hình thức đánh bắt cá như: nổ mìn, sử dụng điện... dẫn đến phá vỡ sự cân bằng về đa dạng sinh thái của môi trường tự nhiên.

 

Phục dựng lại các lễ hội, xóa bỏ đi những phần lễ mang nặng hủ tục mê tín dị đoan tạo thêm sự đa dạng, phong phú trong phần hội, đó là cách mà huyện Tân Lạc đã và đang làm để tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Thực tế việc làm này đã không uổng phí khi ngày càng có thêm nhiều du khách gần xa tìm về vui mùa lễ hội Mường Bi.

 

 

                                                                              Thúy Hằng

 

 

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục