(HBĐT) - Tan trường, chị Hoa vội dắt xe ra cổng đi về phía cuối chợ. Chợ đã gần tan tầm, chỉ còn lác đác mấy người bán rau và hoa quả. Đang lúi húi xem mớ tép thì bà Huấn bê rổ rau đến chào mời:

 

 

- Cô mua nốt mấy mớ rau cho tôi đi, rau của nhà trồng đấy, đảm bảo sạch.

 

Chị Hoa nghe giọng nói liền hỏi lại:

 

- Cháu xin lỗi bác, bác có phải quê ở Minh Châu không ạ!

 

- Sao cô biết?

 

- Bởi cháu nghe giọng nói giống chồng cháu.

 

Nâng lên đặt xuống mấy mớ rau, chị Hoa bảo bà xâu lại hết rồi đưa tờ 20.000 đồng cho bà và bảo:

 

- Bác cầm lấy hết đi, không phả trả lại cho cháu.

 

Bà Huấn lúng túng, chị Hoa nắm tay bà ôn tồn:

 

- Có đáng là bao đâu bác, cái quý là cháu được ăn rau sạch của bác trồng. Thời buổi bây giờ ăn cái gì cũng sợ có hóa chất độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng..., chỉ có nhà nông là hạnh phúc nhất, toàn ăn đồ sạch. Hôm nào cháu cũng qua chợ này tìm mua những loại rau, củ quả sạch hay những món tép, tôm, cua được các bác nông dân đi kiếm được ở ngoài đồng, tuy không sang trọng nhưng lại đảm bảo an toàn bác ạ. Cháu sinh ra từ nhà nông nên phần nào hiểu được cảnh dân quê mình mà.

 

Chào bà Huấn, chị Hoa lên xe đi về phía đường sân vận động tỉnh đội, bà Huấn nhìn Hoa lẩm bẩm:

 

- Đúng là đẹp người, đẹp nết lại nội trợ giỏi giang.

 

Về nhà đem câu chuyện gặp bác Huấn cùng quê kể cho anh Tùng nghe, anh bảo:

 

- Bác ấy bên xóm dưới nhà bà nội. ở quê, ngoài việc cấy lúa, trồng ngô chẳng biết làm gì ra tiền, nhà đông con nên theo con trai lên trên này lập nghiệp. Bác ấy thuê được hơn 2.000 m đất giáp xã Thống Nhất chuyên trồng các loại rau mùa nào thức đấy. Hôm gặp bà Huấn ở chợ anh cũng nhận ra từ giọng nói.

 

- Gớm cái giọng quê anh làm sao mà lẫn được. Chị Hoa nguýt chồng.

 

Tiện thể nhặt hết mấy mớ rau cho vào tủ lạnh, dọn dẹp xong, chị Hoa nhắc anh Tùng:

 

- Hôm nào rảnh anh đưa em đến nhà bác Huấn để biết nhà, dù sao bác ấy cũng là đồng hương nhà mình mà.

 

Một ngày cuối tuần, hai vợ chồng tìm đến nhà bác Huấn. Ngôi nhà cấp bốn khép mình bên vườn cây ăn quả đủ loại vải, nhãn, bưởi xum xuê, quả trĩu cành, một nửa số đất còn lại được hai bác phân lô trồng các loại rau, đậu... Chị Hoa say sưa ngắm nhìn những luống rau muống, mồng tơi, đậu cô ve... Chỉ tay về phía mấy luống rau, bà Huấn hồ hởi:

 

- Rau nhà trồng đảm bảo an toàn, dân thành phố sành ăn nên rau của bác cứ ra đến chợ chỉ một loáng là hết xe rau, rồi bà nhanh nhảu hái những ngọn rau non bấn, những quả đậu đũa xanh non, bà đưa cho chị Hoa và bảo:

 

- Cháu mang rau về để tủ lạnh mà ăn dần, thỉnh thoảng tranh thủ ra nhà lấy rau về mà ăn, của nhà trồng được có đáng là bao.

 

 Cầm mớ rau trên tay chị Hoa cảm nhận rằng tiền, bạc chẳng đáng là bao nhưng tình quê thật đáng trân trọng.

      

 

 

                                                                    Ngọc Anh

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục