Bẵng đi một thời gian dài, đã 45 năm nhân một lớp học sinh sư phạm tổ chức họp mặt kỷ niệm ngày ra trường. Các anh, chị từ thập niên 60, 70, những thanh niên học sinh trai trẻ, hồn nhiên, san đất, đắp nền, chặt cây, lợp nhà thành những lớp học sơ tán trong rừng cây tre, bương, đành hanh để học.

Đã 45 năm, nay các anh, chị rời bục giảng đã thành ông, thành bà ngồi ngẫm lại thời gian khổ, học hành vất vả mà vui. Đêm văn nghệ giữa rừng đốt đuốc, may ra có thêm chiếc đèn măng xông nhưng lời ca, tiếng hát cứ rộn lên với xa xa tiếng thì thụp đều đều của những chiếc cối giã gạo.

Về lại nơi cũ, chốn xưa, bố Nhanh, mế Thích đều đã trở thành người thiên cổ. Thời đó, những chiếc cối gạo nương thể hiện những sáng tạo của người dân miền núi. Họ đặt cối ngay bên bờ suối trên đường lên nương. Thay vì phần đuôi chiếc cối được đục đẽo tạo thành hộc hứng nước từ chiếc máng bên bờ suối. Mỗi lúc hộc đầy nước, cần cối lại vung lên, nghiêng đổ nước để phần đầu mỏ chày buông xuống nện vào cối lúa được làm bằng thứ gỗ cứng chắc, đặt chắc chắn bên bờ. Cứ vậy chậm rãi, chắc nịch, đều đều, thì thụp, thì thụp, những nhịp chày cối như đếm nhịp thời gian cần mẫn không nghỉ, giữa không gian yên tĩnh, vắng lặng như hoang sơ.

 

Trước khi lên nương, các bà, các chị gùi lúa đổ vào cối một lượng thóc đủ dùng cho ngày sau của gia đình rồi nhẹ nhàng nâng cần cối, hạ chiếc nạng đỡ để rồi bắt đầu những nhịp chày thong thả. Các bà, các chị lên nương, xuống ruộng yên tâm làm cỏ, kiếm củi, cối giã gạo cần mẫn trong tiếng thì thụp vang vọng cả vùng.

 

Từ dạo ấy, nay mới có dịp ghé về xóm Giếng, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn), ở đây, đêm về gặp lại anh Nhẩu, con bố Nhanh nay cũng đã trở thành già làng, tóc đã bạc, lưng hơi còng. Ngồi bên bếp lửa, ông lại nhắc lại chuyện cũ, hũ măng chua nấu thịt gà rừng, thầy Dũng đi săn được về cùng nhau xì xụp ngon và ấm lòng, nặng tình  dân bản trong những ngày sơ tán   khó khăn.

 

Bên bếp nhà sàn, ông Nhẩu nhắc lại câu chuyện của 45 năm qua mà không sao ngủ được, cứ trằn trọc như thiêu thiếu một cái gì trong đêm sâu núi rừng. Tôi lại liên tưởng mấy câu thơ của Tố Hữu:

“Anh về cối lại vang rừng

Chim reo quanh mái, gà mừng  dưới sân

Anh về sáo lại ái ân

Đêm trăng hò hẹn trăng ngần  tiếng ca”.

 

Bởi vì ở khu nhà văn hóa bên suối có tiếng hát, tiếng sáo và thoảng tiếng cồng gõ nhịp. Bản làng, xóm Giếng đã đổi thay, dốc “treo” ngày xưa nay đã được ủi, san bằng hạ thấp, cây bồ kết bên dốc vẫn còn đó, dân làng để lại như một kỷ niệm của thời các cô giáo sinh nhặt về nấu nồi bồ kết gội đầu. Trong gió rừng, hương bồ kết thoáng đưa thêm nồng nàn, đầm ấm, thêm tình của làng bản.

 

Phải rồi tiếng thì thụp điểm nhịp của những chiếc cối giã gạo không còn như ngày nào. Thật lắng tai mới thoảng nghe xa lắm những nhịp chày thưa gợi nhớ.

 

Ông Nhẩu già làng nói: “Bây giờ máy xay xát trong bản đã có dăm, ba chiếc. Xát một buổi để cho cả bản dùng trong nửa tháng. Điện lưới về bản, tivi, tủ lạnh, nhiều gia đình đã mua được nhờ trồng rừng PAM. Cối gạo nương bây giờ ghếch mỏ, hết thời, mấy ai dùng nữa”. Đi qua con suối, sang bên kia đồi còn hai, ba chiếc nằm lặng lẽ mặc cho dây leo, cỏ dại bám vào. Bản làng đổi mới, những thầy trò của trường sư phạm trung cấp một thời về lại xóm Giếng, xóm Thung đang đổi mới theo tiêu chí xây dựng NTM. Ông trưởng bản có vẻ tự tin: “Xóm mới đạt được 12 tiêu chí, còn 7 tiêu chí, Đảng bộ, chính quyền đang phấn đấu để về đích trong tương lai gần”. Nghe nói mà lòng chúng tôi vui nhưng lại có một chút hoài cổ, bâng khuâng, giá như bên bờ suối, bờ khe đâu đó những chiếc cối giã gạo mộc mạc, gần gũi với con người miền núi yêu thiên nhiên, giàu sáng tạo vẫn cứ đêm ngày cùng dùng nước thì thụp, thì thụp đều đều. Âm hưởng ngàn xưa của nhịp chày cối giã gạo nương cứ nhẫn nại, cần cù sao mà nhớ thương thế!

 

 

 

 

                                                             Tùy bút của Văn Song 

 

 

 

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục