Dâng hương Khu tưởng niệm Bác Hồ tại khu Di tích Nhà máy in tiền.

Dâng hương Khu tưởng niệm Bác Hồ tại khu Di tích Nhà máy in tiền.

(HBĐT) - Chúng tôi trở lại thăm Khu di tích lịch sử Đồn điền Chi Nê - nơi đặt Nhà máy in tiền đầu tiên của Chính quyền cách mạng được vinh dự 2 lần đón Bác Hồ về thăm vào cuối tháng 4. Khu tưởng niệm Bác Hồ nằm trong quy hoạch Khu di tích Đồn điền Chi Nê. Thành kính dâng hương trước Người, chúng tôi hiểu thêm những kỷ niệm, thời khắc đáng nhớ khi Bác về thăm đồn điền Chi Nê, thăm cán bộ và nhân dân huyện Lạc Thủy.

 

Ngày 18/2/1947, sau khi kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác cùng các đồng chí Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ và lái xe Phạm Văn Ngọc từ Quốc Oai trên đường đi Thanh Hóa công tác, Người dừng chân ở thị trấn Chi Nê. 6 giờ sáng ngày 19/2, Bác vào thăm nhà ông bà Đỗ Đình Thiện - chủ nhân của đồn điền Chi Nê và là nhà tư sản yêu nước. Sau đó Bác đi thăm nhà ở công nhân Nhà máy in tiền và một số đồng bào người Mường gần đó. Lúc về có máy bay Pháp do thám, mấy Bác cháu xuống hầm trú ẩn. Máy bay đi khỏi, Bác lấy ra chiếc máy chữ nhỏ và ngồi dưới gốc cây đa ngoài vườn làm việc. Người đánh máy mấy tiếng đồng hồ. Trưa đó, ăn cơm cùng gia đình ông Thiện, Bác hỏi tình hình cuộc sống, công việc làm ăn và dặn thế nào địch cũng sẽ ném bom, có đồ đạc gì quý  nên sơ tán đi và tìm chỗ làm lán xa vào trong núi cho các cháu sơ tán ban ngày. Các con, cháu gia đình ông Thiện đã hát cho Bác nghe trong không khí thân mật, đầm ấm.

 

Sau khi hoàn tất công việc ở Thanh Hóa, sáng 21/2/1947, Bác lại về Chi Nê, cán bộ và nhân dân huyện Lạc Thủy vinh dự được đón Bác. Trước tiên, Bác đến thăm Nhà máy in tiền, nhà để tiền ở xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa. Bác dặn “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc”. Đến nơi nào, Bác cũng ân cần thăm hỏi, động viên mọi người nỗ lực cố gắng góp phần phục vụ kháng chiến. Bác đã vào một số gia đình địa phương trò chuyện thân mật với mọi người, thăm hỏi chuyện học hành của các em thiếu niên, nhi đồng. Rồi Bác đi thăm chợ Đầm Đa, hoạt động chủ yếu vào ban đêm để tránh máy bay địch, cách Đồn điền Chi Nê khoảng 1 km. Bác yêu cầu UBHC xã Cố Nghĩa và lãnh đạo Nhà máy in tiền phải di dời ngay chợ Đầm Đa và Nhà máy in tiền đến địa điểm kín đáo đề phòng máy bay giặc ném bom, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

 

Đúng như nhận định của Bác, ngày 22/2/1947, Pháp đã điều động máy bay bắn phá tại Đồn điền Chi Nê, 4 chiếc quần thảo tại Đồng Làng, 4 chiếc oanh tạc tại cơ quan ấn loát. Máy bay Pháp thả 8 quả bom tại Đồn điền Chi Nê, 2 quả trúng nhà ông Đỗ Đình Thiện. Cả gia đình ông Thiện núp trong vườn cà phê, 2 vựa lúa bị thiêu rụi, cháy trong cả tuần lễ. Cơ quan ấn loại bị trúng đạn, kho cà phê, kho vật liệu bị cháy nhưng máy móc không bị hư hỏng. Khi được nghe báo cáo về sự oanh tạc của máy bay Pháp vào Đồn điền Chi Nê, Bác Hồ đã thư gửi cho gia đình ông, bà Đỗ Đình Thiện như sau: “Chú thím Thiện! Được tin, chú thím, nhà Hiều và các cháu bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. Còn trời còn nước còn non thì còn của cải bà con họ Hồ. Kháng chiến thành công, ta làm ra của cải khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu! Thân ái và quyết thắng - Hồ Chí Minh”.

 

Trước đó, nghe lời Bác, lãnh đạo Nhà máy đã cho sơ tán máy in tiền vào hàng đá nên an toàn, máy in chỉ dừng sản xuất một ngày rồi tiếp tục hoạt động cung cấp tiền cho nền tài chính quốc gia. Sau này tờ bạc tài chính Cụ Hồ ra đời trở thành một lợi khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, góp phần bảo vệ nền độc lập quốc gia.

 

Bà Đinh Thị Bình, Phó Ban quản lý di tích huyện Lạc Thủy cho biết: Khu di tích Nhà máy in tiền Đồn điền Chi Nê được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp quốc gia, Nhà máy in tiền được trao kỷ lục Guinesss Việt Nam là Nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Khu di tích Nhà máy in tiền trở thành địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách, cán bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống ngành tài chính, tìm hiểu nơi 2 lần được đón Bác về thăm.

 

 

 

 

                                                                                             P.V

 

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục