Học sinh trường dân tộc Nội trú THCS Mai Châu biểu diễn văn nghệ tại xã Hang Kia.  ảnh: Quốc Dũng (TTV)

Học sinh trường dân tộc Nội trú THCS Mai Châu biểu diễn văn nghệ tại xã Hang Kia. ảnh: Quốc Dũng (TTV)

(HBĐT) - Ngày xuân, vùng đất Mai Châu lại lung linh, rộn ràng trong điệu xòe của người Thái. Mỗi độ xuân về, khắp các bản làng người Thái mọi người dân gác bỏ những bộn bề, lo toan thường nhật để cùng vui điệu xòe.

 

Múa xòe là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phát triển mạnh và phổ biến của người Thái ở huyện Mai Châu. Múa xòe Mai Châu mang nét đẹp độc đáo riêng, đặc trưng với nét duyên dáng, chắc khỏe và có tính chất địa phương rõ rệt. Đồng chí Lò Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Mai Châu cho biết: Múa xòe có nhiều điệu như xòe ồng bổng, xòe chá, xòe vòng, xòe đánh máng, xòe kiếm... Các điệu xòe đều xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất, tập quán sinh hoạt của đồng bào nơi đây và dần trở thành nét truyền thống, văn hóa và phong tục của người dân bản địa. Trong đó, xòe ồng bổng là hình thức múa cổ, động tác rất đơn giản khi mọi người cầm tay nhau nhảy quanh đống lửa theo nhịp hò huậy, hò huây để mừng thắng lợi sau buổi đi săn hay mừng nhà mới, đặc điểm của điệu xòe này chỉ có đàn ông xòe, động tác tuy đơn giản nhưng mạnh mẽ, tinh thần vui nhộn và phóng khoáng. Với điệu xòe đánh máng lại dành riêng cho nữ giới được tổ chức cứ 3 cặp một, mỗi cặp cầm hai chày gõ vào thành máng dùng để giã gạo, tạo ra những tiếng chày chắc giòn, nhịp điệu mỗi lúc một nhanh, mạnh. Còn điệu xòe kiếm lại được tổ chức trong các cuộc mo lớn và ông mo thực hiện những động tác múa kiếm theo nhịp mo. Bên cạnh đó còn có xòe đơn lẻ, vừa xòe, vừa đánh trống, đánh chiêng với đội gồm 2 người tham gia. Nam đánh trống còn nữ đánh chiêng, cả hai vận lễ phục, đầu chít khăn, lưng thắt dải lụa màu, tay tung dùi trống lúc mềm mại, khi mạnh mẽ, chân nhún nhảy nhịp nhàng theo tiếng trống, chiêng.

 

Có thể thấy, trước kia múa xòe thường được tổ chức vào các ngày lễ hội, ngày tết, đám cưới...  Hiện nay, múa xòe đã phổ biến hơn trước và cũng đã được cải biên hấp dẫn hơn trước nhiều. Tại các bản làng người Thái ở huyện Mai Châu đều có đội xòe, riêng tại các bản làm du dịch như: bản Lác, bản Pom Coọng, bản Văn...  đều có từ 3- 5 đội xòe. Mỗi khi có các đoàn khách đến du lịch, sau khi tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, đời sống sinh hoạt của người dân, những nét văn hóa, ẩm thực của người Thái và khi hoàng hôn dần buông xuống cũng là lúc mọi người được thả hồn, hòa mình vào các tiết mục văn nghệ, điệu múa, điệu xòe. Hầu hết các điệu xòe cổ đều đã được cải biên và nâng cao, trở thành các điệu múa hấp dẫn với nhiều động tác, đạo cụ, trang phục và nhạc đệm thu hút người xem. Với các điệu xòe khăn, xòe hoa, xòe trống chiêng... Mỗi điệu xòe lại có những nét đặc sắc riêng. Ta có thể bắt gặp hình ảnh những cô gái Thái duyên dáng  với khăn piêu, ô vải mềm mại, váy áo rực rỡ. Bên cạnh là những dụng cụ, nhạc cụ vô cùng độc đáo như chiêng, cóng, trống. Mỗi một điệu múa lại mang đến cho ta cảm nhận khác nhau về nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây. Tuy nhiên xòe vòng lại luôn thu hút được đông đảo du khách cùng tham gia. Khi tiếng chiêng, trống được cất lên, mọi người tay trong tay, không phân biệt chủ khách cùng nhau vui điệu xòe và vòng xòe như sợi dây gắn kết con người với nhau. Trên khoảng đất rộng, mọi người không kể tuổi tác, giới tính cùng nắm tay nhau trong điệu xoè rộn rã. ở giữa trung tâm của vòng xoay thường được đặt hũ rượu cần và đốt củi lửa và vòng xòe cứ tiếp tục được mở rộng vì người tham gia ngày càng đông cho đến khi đống lửa tàn vòng xòe mới kết thúc.

 

Với người Thái ở huyện Mai Châu, xoè là sinh hoạt văn hoá đặc sắc. Xoè dường như đã làm cho vùng đất thơ mộng này nổi tiếng hơn. Cho đến bây giờ, người Thái ở Mai Châu múa xoè thường xuyên hơn, hay hơn và dẻo hơn, quyến rũ hơn. Họ xoè vào nhiều dịp vui hơn và ở bất kỳ đâu: Trên nhà sàn, ở đầu bản, dưới sân nhà hay ở bãi sân rộng... khi tiếng chiêng, trống vọng lên rộn ràng nhịp bước. Mọi người với trang phục rực rỡ, khăn xoè đủ sắc màu, tay nắm tay, lúc chụm vào, khi nở ra như những bông hoa rừng. Cũng theo đồng chí Lò Văn Tuấn, ngày nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của các dòng văn hoá hội nhập, người Thái ở huyện Mai Châu luôn ý thức gìn giữ và phát huy những điệu xoè của mình. Để xoè Thái được bảo tồn và ngày càng phát triển cùng với việc duy trì và phát triểm thêm các đội xoè, dự kiến trong năm 2016, Trung tâm VH-TT huyện sẽ tổ chức 1 lớp truyền dạy xoè Thái cho cán bộ văn hoá và các hạt nhân nòng cốt ở cơ sở để thông qua đó tiếp tục lưu giữ và truyền dạy cho lớp trẻ.

 

Với ý thức như vậy, xoè của người Thái ở huyện Mai Châu vẫn luôn tồn tại, phát huy để giữa không gian núi rừng, giữa những bản làng yên bình no ấm, các chàng trai, cô gái Thái lộng lẫy trong trang phục, uyển chuyển duyên dáng với điệu xoè làm đắm say bao du khách khi đến với vùng đất Mai Châu.

 

 

                                                                                    Đỗ Hà

 

 

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục