Lễ hội đu Vôi tại xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn.

Lễ hội đu Vôi tại xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn.

(HBĐT) - Làng Mường Vôi nay thuộc xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn. Làng nằm tiếp giáp phía đông thị trấn Vụ Bản, con đường 12B chạy qua rất thuận lợi thông thương, đi lại. Nơi đây có lễ hội đu nổi tiếng.

   Người Mường Vôi bao đời qua không ai biết đu Vôi và lễ hội đu Vôi được tổ chức từ bao giờ. Chỉ biết rằng có từ lâu lắm rồi, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày nay. 

  Về ý nghĩa và sự hình thành đu Vôi hiện ở Mường Vôi còn truyền miệng truyền thuyết sau:  

    Chuyện kể rằng xưa kia làng Mường Vôi sống ở ngoài bãi, yên vui, trù phú. Cuộc sống đang yên lành bỗng tai họa ập đến, trong Mường xảy ra dịch chết người. Trong mường nhà chết 1, chết 2 người, chết cả trong nhà, chết cả ngoài đường.

   Các nhà còn người sống só bỏ nhà, bỏ làng đi theo hai anh nhà họ ngài (thực chất là họ Bùi, được dân Mường tôn xưng là họ Ngài, đẳng cấp thấp hơn họ Đinh - Quách vốn là họ lang - đạo, cao hơn họ dân thường) đi vào chân đồi nứa Vôi cách làng cũ không xa, lập nên làng Mường Vôi sinh sống từ đó đến giờ. 

   Khi đó, nhà lang có nhiều đất đai, là người cai quản đất mường, người nghèo ít ruộng thậm chí không có ruộng, hàng ngày phải đi làm thuê, làm xâu, làm nõ  phục dịch cho nhà lang để kiếm sống qua ngày.  

  Trong gia đình nhà họ Ngài có cô em gái thứ hai đẹp người tốt nết, thông minh, nết na thùy mị, bản tính nhanh nhẹn, tháo vát. Nhà lang ngỏ lời với gia đình xin người con gái nọ vào làm người hầu trong nhà. Sau vài ngày thấy tính nết ngay thẳng, thông minh, lang cho nàng làm người trông coi kho, đụn trong nhà. Người con gái đó tương truyền tên gọi là nàng ả Đầm ả Đào. 

   Sau vài năm thấy người làm thuê cho nhà lang ngày càng nhiều lên, thóc, lúa trong kho đụn nhà lang ngày càng vơi nhanh hơn. Nàng lo nhà lang nghi ngờ mình gian trá, tham lam vơ vét của cải, không biết giãi bày với ai, nàng về nhà nói với cha mẹ, anh em ở nhà. Nàng còn nói: “Đất Mường Vôi rộng rãi, bằng phẳng, xưa chỉ cấy được 1 vụ lúa, nước cho ruộng cấy chỉ trông chờ vào nước trời mưa, vì thế nên thóc, gạo không đủ ăn, việc thiếu đói vẫn luôn xảy ra. Chỉ có cách đóng bai, ngăn sông Bưởi, đóng xe cọn nước, đào mương dẫn nước vào ruộng đồng là cách tốt nhất để tăng thêm ruộng cấy và vụ cấy, khi đó lúa, gạo được làm ra nhiều hơn, dân Mường mới đủ ăn”. 

  Hai anh em nhà họ Ngài thấy em gái nói có lý,  họ đem suy nghĩ đó nói với nhà lang, người cai quản đất mường khi đó. Nhà lang rất tôn trọng lắng nghe, nhận thấy ý kiến của nàng ả Đầm ả Đào rất đúng nên nhất trí làm theo. 

  Việc đóng bai, xe nước là việc lớn đòi phải có nhiều người, nhiều ngày mới làm được, lang cho gọi các ậu (chức sắc các Mường trong chế độ nhà lang) đến bàn bạc, đi quanh đồng, đi ra sông xem xét vị trí đóng bai, phân công nhau huy động sức dân đi vào rừng chặt cây, que, làm cọc Trong tháng chạp mọi thứ nguyên, vật liệu chuẩn bị xong. Sau Tết năm mới đúng vào ngày mồng 7 tháng giêng (theo lịch Mường), toàn dân Mường Vôi đi đóng bai, xe ngăn nước trên sông Bưởi. Con sông vang tiếng hò reo, ttiếng vồ đóng cọc chan chát, tiếng chặt cây...  

  Công viêc vất vả kéo dài đến tháng 3 mới xong. Bai ngăn sông Bưởi đã hoàn thành. Các xe cọn nước đã đóng xong. Nước từ bai dần chảy vào ruộng đồng, các cánh đồng cao hơn đã có xe cọn nước cẫn mẫn không kể ngày đêm đong nước đầy các ống chuyển lên tưới cho ruộng đồng.  Ruộng lúa trên các cánh đồng phía trước Mường Vôi đầy ắp nước. Người dân phấn khởi mổ lợn, mổ gà ăn mừng. 

   Từ ngày có bai, có xe cọn nước, đồng cấy 2 vụ lúa, người Mường Vôi không còn lo đói, cuộc sống dần ổn định. 

  Nhà lang và dân mường rất vui, họ nghĩ ra cách tổ chức hội để tạ ơn thần linh, tạ ơn hai anh em nhà họ ngài. Hai anh em nhà họ ngài cũng là người nghĩ ra cách làm cây đu cho dân Mường mở hội mừng làng Mường.  

  Ngày mở hội đu Vôi tiếng lành đồn xa, có chàng trai tận trong tỉnh Thanh (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa) ra dự hội, thấy dân Mường tôn vinh cho nàng ả Đầm, ả Đào lên đu chơi trước, qua nghe dân Mường kháo nhau, biết được nàng là người giỏi, chàng cảm phục đem lòng yêu thương. Chàng xin phép cha mẹ nàng, xin phép nhà lang được cưới nàng làm vợ. 

  Khi lễ cưới xong, nàng hẹn ước cùng cha mẹ và dân mường cùng nhà lang khi nào sinh con được 3 năm sẽ quay về thăm lại quê ngoại vào dịp Tết. Vì thế nên nhà lang và dân Mường đề ra lệ cứ 3 năm mở hội đu Vôi một lần để đón nàng ả Đầm ả Đào sau còn gọi là nàng Đu Đu về dự hội. 

  Sau khi hai anh em nhà họ Ngài chết, dân Mường Vôi cho lập đền thờ trước làng ngay dưới gốc cây đa cổ thụ, tôn hai vị làm thành hoàng làng Mường Vôi. 

  Truyền thuyết trên có thể coi đó là tích phả của lễ hội đu Vôi, gắn liền với Mường Vôi, qua đây ta thấy sáng tỏ nhiều vấn đề, tất nhiên truyền thuyết không phải là chính sử, song nó là hồi quang của lịch sử phản ánh những sự kiện đã qua ở Mường Vôi. Qua câu truyền thuyết trên, ta thấy nổi lên các vấn đề được phản ánh. 

  Câu chuyện có nhiều lớp lang sự kiện, nối nhau, phản ánh các giai đoạn lịch sử đã trải qua của người Mường Vôi và lễ hội đu Vôi. Tác giả dân gian đã hoàn   chỉnh trong ý đồ giải thích sự ra đời của lễ hội đu Vôi. 

   Truyền thuyết phản ánh xã hội Mường chế độ mẫu hệ dần chuyển sang chế độ phụ hệ với vai trò người đàn ông ngày  càng lớn hơn, là nhân lực chính làm ra    của cải vật chất trong gia đình, làm những công việc lớn, nặng nhọc trong gia đình và cộng đồng. 

  Phản ánh chế độ nhà lang khi đó mới hình thành, vai trò thủ lĩnh cộng đồng từ người nổi trội trong cộng đồng dần phân đẳng cấp chuyển sang chế độ lang  đạo. Cụ thể các sự kiện như dân Mường Vôi đi theo và làm theo hai anh em họ Ngài chuyển mường, làm bai, xe cọn nước, đó là công việc của anh thợ cả...  Việc phân tập hợp lực lượng, tổ chức sản xuất, phân công lao động thể hiện rõ vai trò quyền lực, vai trò thủ lĩnh của nhà lang.  

   Xã hội nông nghiệp phát triển khỏi phương thức sản xuất hái lượm, nhân công manh mún, mạnh ai nấy làm, chuyển sang chủ động canh tác, sản xuất tự đảm bảo cuộc sống. Việc tổ chức sản xuất khi đó là mới đòi hỏi tập trung số lượng nhân công nhiều mới làm được những công việc, công trình có quy mô lớn. 

  Phản ánh khát vọng ngăn sông trị thủy, đưa nước lên ruộng đồng, đây khát vọng ngàn năm không chỉ của người Mường Vôi mà là của người Mường nói chung. 

   Sáng kiến của người dân được đưa ra, cụ thể ở đây là nàng ả Đầm ả Đào, phản ánh lối tư duy tiến bộ, nếp sống dân chủ thời xa xưa khi đó nếp sống gia trưởng đã hình thành rất mạnh để bày tỏ suy nghĩ của mình nàng phải thông qua trung gian là cha và hai anh em của mình. Bản thân nàng là người có năng lực song  không có quyền lực, việc thực hiện ý tưởng là của người cầm quyền và khi đó cũng là thủ lĩnh của dân Mường.   

   Truyền thuyết và lễ hội đu Vôi toát lên tính nhân văn cao đẹp, lòng biết ơn người có công, hình thành tín ngưỡng thờ người có công (tôn làm thành hoàng), thể hiện sự công bằng của nhân dân, tôn thờ người có công không kể xuất thân của người đó là dân thường hay là lang - đạo. Giáo dục cho cộng đồng, con cháu về lịch sử, về sự tri ân, biết ơn người có công với dân, với nước, đó là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta.  

                                    

                                              Bùi Huy Vọng

                         (Xóm Bưng, xã Hương Nhượng,  Lạc Sơn)

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục