(HBĐT) - Bốn Mường Hòa Bình đều có các xóm, xã vùng cao. Do vị trí địa lý có nhiều khó khăn, trở ngại nên các địa phương này vẫn là nỗi lo toan, trăn trở về sự phát triển nhiều mặt của các cấp, các ngành. Vì thế hồi còn công tác tôi đã nhiều lần lên với các xã vùng cao của các Mường: Bi, Vang, Thàng. Huyện Kỳ Sơn (nay thuộc TP Hòa Bình) là vùng đất thấp hơn nhưng cũng có xã Độc Lập và xóm Dối (xã Dân Hạ) thuộc diện vùng cao.


Nét đẹp vùng cao quê nhà. C.b (ST)

Với trách nhiệm được phân công, tôi đã có những lần lên với Lũng Vân, Tân Lạc, lên với chùa Khánh, Yên Thượng, Yên Lập - nay là xã Thạch Yên (Cao Phong). Lần lên với xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn, tôi có bài ký "Vùng đất phía đỉnh đầu”, cũng là tên một tập Ký và tản văn cùng tên - năm 2016.

Kể từ lần đầu tiên cùng với Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn Bùi Văn Thuộm lên với vùng cao của huyện ngày ấy, đến nay đã mười mấy mùa ngô, mùa lúa nương chín vàng óng. "… Vùng cao con gái ít làm duyên/ Nói cười như chim hót/ Trai Ngọc Lâm, Ngọc Sơn chắc như cây sến, cây lim/ Nâng những mái nhà sàn chất ngất/ Yêu những Bãi Bùi, Nà Lọt… ngô lúa chất đầy thung…” (bài thơ Vùng Cao - tập Bóng cây Chu Đồng) - năm 2005. Với sự đầu tư điện, đường, trường, trạm của Nhà nước theo các dự án cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì vùng cao của bốn Mường ngày nay đã có nhiều đổi thay. Nếu như các địa phương vùng cao có tốc độ phát triển các mặt còn bất cập so với vùng thấp thì ngược lại nhiều mặt tốt đẹp, đáng quý lại được gìn giữ như môi trường, nguồn nước sinh hoạt, thuần phong mỹ tục… Những đêm Mo, sắc bùa, những bài dân ca, dân vũ từ ngàn đời vẫn được bảo tồn, lưu giữ. Ngày nay lên vùng cao ta sẽ gặp lại những cây bản địa mà thuở thiếu thời đã gặp ở vùng thấp.

Hơn hết vùng cao vẫn là nơi thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ với những rừng cây! Những cây lâu năm (cho dù chỉ là gỗ tạp) dẫu phải oằn lưng với bao nhiêu cành lá vẫn ráng sức nâng đỡ các loại dây leo, để dây leo vươn lên cao lưng chừng trời mà đón những làn gió mới, đón ánh mặt trời ấm áp. Các loài cây ở những khu rừng nguyên sinh, đặc dụng chỉ bằng lá rụng, cây mục…Chúng đã từng nuôi sống nhau từ ngàn đời nay, đó sao!

Thảm thực vật, khu rừng nguyên sinh là nơi lưu giữ, phát sinh các nguồn nước trong bốn Mường. Về mùa mưa dựa vào độ dốc của đất, đá mà hình thành nên thác nước trắng xóa giữa sườn núi xanh, thôi miên biết bao du khách thập phương, đó là những thác Mu, thác Thăng Thiên… khắp bản, khắp Mường. Đó cũng chính là thời khắc đất, đá đã đánh thức, đã tôn vinh vẻ đẹp thiên phú của nước.

Lên vùng cao ta sẽ gặp nhiều cụ già trăm tuổi, như những đại thụ giữa quây quần con cháu, chắt. Dẫu khá nhiều người có tên gọi thoạt nghe thì đơn nghĩa, mộc mạc lại là những tấm lòng đôn hậu, chân chất, tự nhiên như "trâu ra đồng ăn cỏ, người đến nhà ăn cơm”. Vừa qua tôi có dịp trở lại với xóm Dối - một xóm vùng cao - như đã nói phần trên. Bởi cách đây trên nửa thế kỷ, với tính hiếu kỳ tôi cùng lũ trẻ chăn trâu trong xóm đã đặt chân lên tới địa danh này. Thế là từ đó cứ băn khoăn trong tôi với cái tên xóm Dối. Sao lại là Dối? Hẹn có dịp sẽ phải làm rõ điều này. Ngày nay lên với xóm Dối có thể bằng nhiều con đường liên huyện, liên xã. Từ Bãi Chạo, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, từ thành phố Hòa Bình, từ xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, những con đường lên với xóm Dối như những "tua còn” ngày hội. Ven đường ngút ngàn cây lá hầu hết là cây ăn quả, cây công nghiệp… các đồi núi đều đã có chủ. Một sáng mùa thu đẹp trời, nắng mới bừng lên, réo rắt chim hót ven đường. Núi Cấm vẫn là nóc nhà của xóm, một bên là xóm Dối, phía bên kia là xóm Bình Tiến của bà con người Dao. Xóm Dối có 123 hộ, xóm Bình Tiến có 48 hộ theo chủ trương mới của Nhà nước đã có sự sáp nhập hai xóm, với tên mới là Mường Dao. Xóm Mường Dao về với xã Độc Lập, thuộc thành phố Hòa Bình, bởi các xóm khác của xã Dân Hạ sẽ về với phường Kỳ Sơn. Tiếp chúng tôi tại trụ sở, Trưởng xóm Đinh Văn Thu cho biết: Bà con đồng tình cao với chủ trương chung, nhưng không tránh khỏi những băn khoăn: Đường về xã mới sẽ xa hơn, phong tục tập quán của hai xóm cũng có sự khác nhau. Xóm vùng cao lại về với xã vùng cao thôi! Tôi động viên, an ủi: Quê hương chọn chúng ta mà, ai có quyền chọn quê hương, ở đâu cũng phải tự vượt lên chính mình thôi, thực tế thì xóm Dối đã khác xưa nhiều lắm, nhà cửa khang trang, nhiều con em đã vào các cơ quan, xí nghiệp ở vùng thấp, nhiều cây con mới đã về với xóm bản, trại nghiên cứu giống lợn Thụy Phương của Trung ương đã tọa lạc nơi đầu xóm từ mấy năm trước.

Trở lại với điều băn khoăn đã nêu trên của tôi về cái tên xóm Dối. Trong bữa cơm trưa đãi khách ngày ấy tại gia đình mình ông Đinh Văn Nấm gần 70 tuổi (nhập ngũ năm 1968, có một em trai là liệt sỹ, nguyên là Thường trực Đảng ủy xã Dân Hạ), hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Kỳ Sơn cho biết sơ bộ về lịch sử xóm Dối: Dân đến định cư tại đất này khoảng 10 đời, mới đầu chỉ có 3 hộ, ngày có cây đa giữa xóm mới có 20 hộ, chủ yếu là họ Đinh, năm 1959 do những nguyên nhân khác nhau một số người đổi sang họ Nguyễn. Còn theo nghệ nhân Đinh Xuân Châm, người xóm Dối, hiện làm việc tại Làng Mường, thuộc làng văn hóa các dân tộc Việt Nam thì: Ngày đầu có ba chòm dân cư là: Cò Cháu, Đồng Khang, và sau đó là Cây Bưởi. Có bà cụ tên Tơ người xóm Thung Rếch, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi đã gả con gái cho con trai gia đình ông Bựng ở chòm cây Bưởi. Thế là từ đó, xuất hiện tên xóm Dối bao gồm 3 chòm dân cư trước đó. Thực hư ra sao không rõ. Làm nương rẫy trồng ngô, lúa người dân vùng cao thường xen canh các loại cây rau, các loại dây có quả như bầu bí, mướp. Thế là cả con người và tập quán canh tác vùng đất này đều phải xen canh, phải Dối (Dọi).

Được nghe chính người dân xóm Dối nói về sự tích tên quê hương bản quán của mình, chúng tôi thấy hởi lòng, hởi dạ. Trào dâng niềm vui khôn xiết, chúng tôi lại xuôi về vùng thấp và nghĩ thành phố Hòa Bình đã có một xã vùng cao, trong đó có xóm Dối, đó là một yếu tố cần thiết để vùng thấp, vùng cao bổ trợ cho nhau cùng phát triển, cùng đi lên trong xu thế hội nhập ngày nay.

Tùy bút của Đinh Đăng Lượng


Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục