Giữa tháng 3/1975, khi quân địch thất thủ ở mặt trận Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên Huế chớp lấy thời cơ, nhanh chóng chuyển hướng tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Giữa lúc đài Sài Gòn đang phát lời kêu gọi của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu "giữ Huế bằng mọi giá”, đúng 5 giờ ngày 21/3/1975, tiếng súng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giải phóng Thừa Thiên - Huế đợt hai đồng loạt khai hỏa. Sau 5 ngày chiến đấu, với những đòn tiến công thần tốc của bộ đội chủ lực, các lực lượng vũ trang đã bám sát địa bàn tổ chức hỗ trợ lực lượng quần chúng nổi dậy ở các địa phương chủ động làm chủ chiến trường giải phóng Thừa Thiên - Huế.

45 năm sau ngày giải phóng (26/3/1975 - 26/3/2020), Thừa Thiên - Huế đang có sự thay đổi mạnh mẽ, trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn của đất nước và đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025. 



Ông Nguyễn Huy Ngọc tham quan hiện vật trưng bày thu được của địch trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên- Huế 1975 tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thừa Thiên - Huế luôn là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự và ngoại giao; đặc biệt, thành phố Huế là một trong hai đô thị lớn nhất miền Nam vào thời điểm đó. Vì vậy, với sự kiện ngày 26/3/1975, lá cờ cách mạng được kéo lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, tung bay trên bầu trời Cố đô Huế đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên - Huế hoàn toàn được giải phóng có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Tới thăm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế những ngày cuối tháng 3 lịch sử, ông Nguyễn Huy Ngọc (72 tuổi, ở thành phố Huế), người cán bộ biệt động thành năm xưa vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc, ký ức về những ngày đầu đơn vị từ vùng rừng núi tiến về thành phố, mở đường cho quân chủ lực tiến vào giải phóng Huế.

Hiện nay, trong phòng trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế đang trưng bày một tấm ảnh chụp trưa ngày 25/3/1975, ông Nguyễn Huy Ngọc chạy chiếc xe Honda có gắn lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đi trước dẫn đường, đón bộ đội chủ lực ở cánh Bắc tiến vào cửa An Hòa để vào tiếp quản thành phố Huế.

Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Huy Ngọc mới 27 tuổi là Chính trị viên Biệt động Thành cánh Bắc Huế, thuộc Thành Đội Huế. Đơn vị có 30 đồng chí, đầu năm 1975 đơn vị đóng quân ở khu vực cánh đồng Chầm (nay thuộc thị xã Hương Trà), cách thành phố Huế khoảng 5 km theo đường chim bay.

Ngày 5/3/1975, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường Thừa Thiên - Huế, chính thức mở màn chiến dịch giải phóng. Hai ngày sau, đội Biệt động Thành ở cánh Bắc Huế được cấp trên giao nhiệm vụ đánh vào phân chi khu Hương Sơ, cầu An Hòa… để mở cửa phía Bắc thành phố Huế cho bộ đội chủ lực tiến quân vào.

Ông Nguyễn Huy Ngọc cho biết, đây là nhiệm vụ quan trọng và hết sức nặng nề đối với đơn vị bởi phải "xuyên thủng” một tuyến phòng ngự được bố trí chốt chặn dày đặc của địch. Từ đầu tháng đến ngày 24/3/1975, khi đơn vị tiến được vào thành phố Huế, đó là quãng thời gian ác liệt nhất, trên đường đi các chiến sĩ biệt động phải "ẩn mình” trong lùm cây bụi cỏ, dưới ao hồ, sình lầy đợi thời điểm chập choạng tối tiến đánh các mục tiêu. Tuy nhiên, do địch tăng cường phòng thủ nên nhiều lần đơn vị bị địch phục kích phải phá vòng vây, nhiều đồng chí đã hy sinh. Đặc biệt, trong đêm 21/3, đơn vị phối hợp bộ đội đánh vào chi khu Hương Trà, mặc dù tiêu diệt được chi khu nhưng khi rút lên núi quân ta lại gặp địch phục kích khiến 7 người bị hy sinh. Tự tay ông đã chôn cất 5 đồng chí trong trận đánh đó.

Ông Nguyễn Huy Ngọc nhớ lại, vào cuối tháng 3/1975, trước sức tấn công trên khắp chiến trường dồn hướng về thành phố Huế, cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng, quân địch bắt đầu bị vỡ trận, phải tháo chạy. Khoảng 2 giờ ngày 24/3, Biệt động Thành cánh Bắc Huế đã lọt được vào trung tâm thành phố Huế, theo hướng từ Văn Thánh qua Thiên Mụ và Kim Long về cầu Trường Tiền; trên đường đi gặp lính ngụy xin ra đầu hàng rất nhiều. Đến ngày 25/3, đơn vị phối hợp với lực lượng biệt động nội thành ra đón bộ đội chủ lực ở cánh Bắc vào tiếp quản thành phố trong tiếng reo hò, cờ hoa của người dân.

Chiến đấu bao năm ở vùng rừng núi, nay được đặt chân về lại đô thành đối với những người lính như mở ra một chân trời mới. Ông Nguyễn Huy Ngọc chia sẻ, khi còn ở căn cứ, đêm về, anh em đồng đội thường ngồi trên đồi Xước Dũ, dốc Mồng nhìn về Huế thấy ánh điện sáng mà lòng mơ ước cháy bỏng về một ngày được bước dạo đi trên những con phố đẹp, thơ mộng của Huế dưới ánh sáng của đèn neon trong ngày hòa bình. Vì vậy, khi ước mơ đó trở thành hiện thực, đi qua những địa danh như cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba hay cửa Ngọ Môn cảm xúc lúc đó như nửa tỉnh, nửa mơ, nhiều đêm những ngày sau đó không sao ngủ được. . .



Ông Nguyễn Huy Ngọc tham quan gian trưng bày những hình ảnh về chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế 1975 tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 giải phóng Thừa Thiên - Huế diễn ra trong hai đợt, đợt 1 từ ngày 5 - 14/3 và đợt 2 từ ngày 21 - 26/3. Cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân ta trên chiến trường Trị Thiên Huế ở đợt đầu là đòn đánh phủ đầu, phối hợp với mặt trận Tây Nguyên đã đẩy quân địch vào thế bị động lúng túng, không phán đoán được ý đồ chiến lược của ta. Khi toàn bộ quân ngụy ở Tây Nguyên bắt đầu rút chạy, chính quyền đầu não của ngụy ở Sài Gòn cam kết với binh lính sẽ bảo vệ Huế đến cùng, bằng mọi giá.

Trong đợt tiến công lần hai, từ ba hướng Bắc, Tây và Nam, các lực lượng vũ trang Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn II liên tục tấn công, đập tan các tuyến phòng thủ của địch trên tuyến giáp ranh, hình thành thế chia cắt, bao vây gọng kìm ép sát Huế. Với sự phối hợp sức mạnh tiến công thần tốc của bộ đội chủ lực, cùng với các đội vũ trang, chính trị, biệt động ở địa phương, nhân dân Thừa Thiên - Huế đã nhanh chóng nổi dậy làm chủ chiến trường.

Thắng lợi giải phóng Thừa Thiên - Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc Quân khu I và vùng I chiến thuật, giáng một đòn mạnh vào âm mưu có cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, tạo đà cho bước chân thần tốc của đại quân ta tiến vào Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bài cuối: "Cất cánh" bằng tiềm năng và nội lực


                                              TheoBaotintuc.vn

Các tin khác


Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục