(HBĐT) - Mùa lễ hội xuân 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành văn hóa tiếp tục chỉ đạo các địa phương tạm dừng lễ hội truyền thống, chỉ thực hiện phần lễ ngắn gọn, không tổ chức phần hội để tránh tập trung đông người. Tại các chùa, đền, điểm di tích mở cửa đón du khách thập phương du xuân, chiêm bái, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tại các địa phương, điểm di tích được tăng cường tối đa.



Nghi thức rước kiệu Hoàng Bà tại lễ hội Khai hạ Mường Bi, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Duy trì các nghi lễ truyền thống 

Bước vào mùa lễ hội xuân 2022, khác với mọi năm, các lễ hội, đền, chùa, cơ sở thờ tự chỉ thực hiện phần lễ, không tổ chức phần hội, hạn chế tối đa tập trung đông người nhằm thích ứng an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Các nghi thức dâng hương, tế lễ, tri ân bậc tiền nhân có công với nước được thực hiện quy mô nhỏ, bảo đảm thành kính, trang nghiêm. Chính quyền cơ sở nơi có đền, chùa, cơ sở thờ tự triển khai tuyên truyền, vận động, lập nhiều đoàn công tác nhắc nhở người dân, du khách nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong PCD.

Ngày 8/2 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng), nhiều di tích, đình, đền miếu đã tổ chức lễ truyền thống với lễ dâng hương và các nghi thức tế lễ như: Lễ Khai hạ Mường Bi, xã Phong Phú (Tân Lạc), lễ dâng hương đình Cổi, xã Vũ Bình (Lạc Sơn), lễ dâng hương đình Băng, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn), lễ dâng hương tại miếu Cả Mường Thàng, xã Dũng Phong (Cao Phong)… Các nghi thức dâng hương, tế lễ được thực hiện với sự tham gia của lãnh đạo huyện, xã, đại diện Nhân dân địa phương. Thầy mo, nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Lựng, xã Phong Phú cho biết: Lễ Khai hạ Mường Bi có ý nghĩa quan trọng với con dân Mường Bi. Tuy không tổ chức phần hội, nhưng các nghi thức tế lễ trong phần lễ được thực hiện trang nghiêm, đúng theo quy định, vừa đảm bảo nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân, vừa đảm bảo an toàn PCD.

Tại quần thể khu di tích chùa Tiên, xã Phú Lão (Lạc Thủy) sáng mùng 4 Tết đã tổ chức lễ khai hội chùa Tiên. Với quy mô chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội, các nghi thức lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, đảm bảo nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, hạn chế thấp nhất những nguy cơ về dịch. Đồng chí Hoàng Mạnh Khỏe, Trưởng phòng VH-TT huyện Lạc Thủy cho biết: Quần thể chùa Tiên gồm nhiều đền, chùa, hang động cùng cảnh sắc núi non hùng vĩ hấp dẫn du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh dịp đầu năm. Trước diễn biến của dịch Covid-19, thực hiện văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở VH-TT&DL về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, huyện đã hướng dẫn các địa phương, cơ sở thờ tự, điểm di tích tăng cường công tác PCD. Với các lễ hội truyền thống chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Các điểm di tích mở cửa đón khách nhưng hạn chế số người, tránh tập trung đông người. Ban quản lý di tích cũng phối hợp đơn vị liên quan lập chốt chặn, tổ kiểm tra để giám sát, nhắc nhở người dân. Trong ngày khai hội, lượng khách đến không đông như những năm trước do diễn biến của dịch Covid-19. Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần có trên 2.500 lượt người dân, du khách đến chùa Tiên thăm quan, chiêm bái và lễ Phật. Các hoạt động diễn ra trật tự, quy củ, người dân, du khách chủ động thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch 

Những ngày đầu năm, du khách, phật tử tại các các địa phương trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái vãn cảnh tại đền Thượng Bồng Lai, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Thác Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc)… với số lượng lớn. Công tác PCD được các địa phương, đền, chùa tăng cường triển khai thực hiện. Tại các điểm thờ tự, di tích bố trí các điểm đón tiếp khách, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế, mã QR và hệ thống loa phát thường xuyên tình hình, diễn biến dịch, các biện pháp PCD, đường dây nóng… Cùng với đó bố trí lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và di chuyển bảo đảm giãn cách… Các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích, điểm thờ tự phải bảo đảm PCD. Người điều khiển phương tiện yêu cầu du khách luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn đúng quy định. Khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những khách lưu trú, đồng thời thường xuyên vệ sinh khử khuẩn không gian. Cơ sở ăn uống bố trí vách ngăn tại bàn ăn, khuyến khích khách ăn theo suất riêng, sử dụng vật dụng dùng một lần. Đối với du khách khi đến các điểm di tích, chùa, đền đều yêu cầu tuân thủ "5K", khai báo y tế, quét mã QR, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt, thực hiện nghiêm khoảng cách an toàn trong tiếp xúc. 



Người dân thực hiện khai báo y tế tại cảng Thung Nai (Cao Phong) trước khi xuống thuyền đến đền Thác Bờ.

Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Thực hiện hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Sở VH-TT&DL đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, nhằm thực hiện thường xuyên và cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác PCD bệnh. Tạm dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh tại địa phương tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đơn vị kinh doanh dịch vụ, khu, điểm, cơ sở hoạt động du lịch tăng cường các biện pháp PCD.

Đối với các địa phương, ban quản lý di tích chủ động công tác quản lý, đón tiếp khách thăm quan tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phù hợp theo từng cấp độ, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Việc mở cửa đón tiếp khách phải tuân thủ đúng các hướng dẫn về phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL. Đồng thời, các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các điểm di tích, cơ sở thờ tự xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện PCD. Tất cả các điểm di tích, cơ sở thờ tự đều phải có mã QR để quản lý người ra, vào và khai báo y tế theo quy định; bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc. Khuyến khích người tham gia các hoạt động tại di tích đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin trở lên, hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ. Thường xuyên khử khuẩn, bố trí nước, dung dịch rửa tay tại khu, điểm di tích, cơ sở thờ tự. Đối với việc tổ chức lễ hội, sở yêu cầu tiếp tục không tổ chức phần hội, chỉ thực hiện các nghi lễ với thành phần tham dự chính, đồng thời, chủ động có phương án hạn chế hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Các đơn vị có trách nhiệm triển khai công tác bảo vệ, giữ gìn di tích, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống đảm bảo phù hợp với tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL tổ chức đoàn kiểm tra công tác PCD trong hoạt động di tích và lễ hội. 

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp truyền thống, gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam. Công tác phòng dịch được chính quyền địa phương, ban quản lý các khu di tích, đền, chùa, người dân và du khách thực hiện nghiêm túc, đảm bảo văn minh, an toàn, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, tính từ ngày 29/12/2021 - 6/2/2022, toàn tỉnh đón 95.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 500 lượt, khách nội địa 94.500 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 72 tỷ đồng. So với cùng kỳ lượng khách tăng 33,8%, doanh thu tăng 95,6%.

Đỗ Hà


NHÓM Ý KIẾN

* Duy trì các nghi lễ, không tổ chức phần hội 

Trên địa bàn huyện có hơn 10 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức vào đầu năm tại các đền, chùa, điểm di tích. Trước diễn biến của dịch Covid-19, thực hiện văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở VH-TT&DL về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, huyện đã có hướng dẫn các địa phương, cơ sở thờ tự, điểm di tích chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội để hạn chế tập trung đông người, tránh nguy cơ lây lan dịch. 

Đối với các địa phương tổ chức lễ phải tuân thủ thực hiện nghiêm túc "5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bố trí điểm đặt nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang… Người dân khi đến phải thực hiện khai báo y tế, quét mã QR, tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người… để phòng, chống dịch. Đồng thời, huyện thành lập các đoàn kiểm tra việc phòng, chống dịch tại nơi có lễ hội, phát hiện, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, các nghi lễ trên địa bàn huyện được tổ chức đều đảm bảo đúng quy định.

Nguyễn Thế Hùng
Trưởng Phòng VH-TT huyện Lạc Sơn 


* Kích hoạt các biện pháp kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch

Để thích ứng an toàn, linh hoạt phòng, chống dịch, thực hiện kế hoạch chỉ đạo của UBND huyện trước, trong và sau Tết Nguyên đán, UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các xóm. Đối với việc phòng, chống dịch cho lễ hội, xã thành lập ban tổ chức và các tiểu ban, giao bộ phận công an, y tế, quân sự làm tốt công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, khởi động tốt 54 Tổ Covid-19 cộng đồng. Đối với công dân đi làm xa trở về địa phương đón Tết phải khai báo y tế, thực hiện test nhanh và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với lễ Khai hạ Mường Bi, đây là lễ hội truyền thống, là lễ mở cửa rừng khai khẩn cho một năm mới của con dân đất Mường Bi nói riêng và dân tộc Mường nói chung. Mọi năm, quy mô tổ chức gồm phần lễ và phần hội, với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận. Tuy nhiên, năm nay theo chỉ đạo chung chúng tôi chỉ tổ chức phần lễ để đảm bảo nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Những người tham dự đều phải tuân thủ khai báo y tế, test nhanh đối với những người thực hiện phần nghi lễ để đảm bảo phòng, chống dịch và để buổi lễ được tổ chức thành công trọn vẹn.

Cao Bá Chính
Chủ tịch UBND xã Phong Phú (Tân Lạc)

* Yên tâm khi du xuân, chiêm bái tại di tích đền Thác Bờ

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, trước khi đi chúng tôi cũng rất lo lắng, căn dặn anh em trong đoàn phải tuân thủ, thực hiện tốt "5K" để phòng, chống dịch hiệu quả. Khi đến đền Thác Bờ, chúng tôi thấy công tác tổ chức phòng dịch của ban quản lý cảng, nhà đền làm tương đối tốt. Ngay khi đặt chân đến cảng, chúng tôi được nhân viên hướng dẫn thực hiện khai báo y tế, nhắc sát khuẩn tay và đeo khẩu trang. Trên các tàu, thuyền trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, treo tờ hướng dẫn các biện pháp phòng dịch. Tại 2 đền chính và động Thác Bờ có các điểm đặt dung dịch sát khuẩn để người dân sau khi lễ xong có thể sát khuẩn phòng, chống dịch. 

Tuy nhiên, tôi cũng thấy một số ít người dân đến đây vẫn  lơ là, chủ quan, ý thức chưa cao trong phòng dịch, như không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách… Điều này phần nào là nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch chung trong cộng đồng.

Hoàng Thanh Long 
Quận Đống Đa (Hà Nội)


Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục