Nhiều hộ gia đình ở Quèn Thị đã hành nghề bốc thuốc nam truyền thống từ nhiều năm nay

Nhiều hộ gia đình ở Quèn Thị đã hành nghề bốc thuốc nam truyền thống từ nhiều năm nay

(HBĐT) - Nghề thuốc nam ở Quèn Thị, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn có từ bao giờ, không ai nhớ nổi, chỉ biết rằng khi người dân gắn với đất, với núi rừng Quèn Thị này thì hầu như ai ai cũng có thể phân biệt được đâu là cây thuốc lẫn trong bạt ngàn cây lá của rừng xanh. Từ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, cứ như vậy, nghề thuốc nam ở Quèn Thị được duy trì đến bây giờ.

 

Nghề gia truyền

 

Đang mùa gặt, mọi người cùng ra đồng  nên cả làng vắng hẳn. Loai hoay hỏi đường thì một bà cụ đi đến gần, không đợi chúng tôi kịp nói bà hỏi ngay: "Đi chữa bệnh à, bị bệnh gì thế, tôi bốc thuốc cho". Thấy tôi có vẻ lưỡng lự, bà nói tiếp: "Ở Quèn Thị này, hầu như nhà nào cũng biết làm thuốc và bốc thuốc cả". Theo chân bà về nhà, được biết bà là Nguyễn Thị Sạn, năm nay 69 tuổi. Bà cho biết từ năm 17 tuổi bà đã biết bốc thuốc, đến nay đã được hơn 30 năm làm nghề này, đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người, chỉ cần hỏi về biểu hiện và triệu chứng bệnh lý là bà có thể bốc thuốc cho. Sau một hồi bà Sạn vào nhà lấy ra những bọc thuốc lá, bà bảo: " Những thứ này phải bảo quản cẩn thận, nếu để bị ẩm mốc là sẽ mất tác dụng". Rồi bà chia ra thành những gói nhỏ và dặn dò cách sử dụng. Tôi hỏi về lịch sử của của nghề thuốc nam ở làng thì bà cười bảo, ngay cả đến các cụ cao niên ở trong làng cũng không ai nhớ nổi.

 

Trước đây, những bài thuốc nam chỉ dùng chữa bệnh cho những người trong gia đình và bà con làng xóm, nhưng lâu dần công dụng của những bài thuốc hay được lan truyền, người ở xa đến xin thuốc ngày một nhiều bà con mới bắt đầu nghĩ đến việc phát triển nghề thuốc, người già truyền cho người trẻ, cứ như thế.

 

Cách truyền nghề cũng rất công phu. Ban đầu, những người mới vào nghề phải theo các bậc tiền bối lên núi lấy thuốc, khi đã nhận biết được cây thuốc thì họ được dạy cho kinh nghiệm xem bệnh và cách bốc thuốc, vì vậy, nghề này yêu cầu phải cẩn thận, muốn thành nghề phải có thâm niên lâu năm.

 

Theo trí nhớ của bà Sạn, thì vùng núi ở Quèn Thị có khoảng hơn 200 cây thuốc cả thảy. Mỗi loại đều có tên gọi, đặc điểm và tác dụng khác nhau. Trong những loại cây đó, quý hiếm nhất là cây máu người vì chúng có tác dụng hồi sức rất nhanh

 

Hiệu quả từ thuốc nam

 

Chục năm trở lại đây, nghề thuốc nam ở Quèn Thị khá phát triển, không chỉ góp phần chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Gia đình bà Bùi Thị Đài là một ví dụ, gia đình bà đã làm nghề bốc thuốc từ nhiều năm nay. Hơn 30 năm trong nghề, bà đã chữa khỏi bệnh và cứu sống không biết bao nhiêu người. Nhiều người bệnh trong tình trạng "thập tử nhất sinh" được bà cứu sống đã coi như ân nhân và nhận làm mẹ nuôi. Anh Bùi Văn Sửu, 48 tuổi, ở xã Cao Dương một người bệnh từng được bà  Đài cứu sống kể lại: “Năm 2002, tôi bị bệnh gan, đã chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Bà Đài sang chơi, thấy tôi như vậy, bà bốc thuốc cho uống, vậy mà không ngờ chỉ nửa tháng sau bệnh của tôi đã đỡ, thấy vậy tôi đều đặn uống thuốc mỗi ngày, đến bây giờ tôi đã khỏi hẳn, khoẻ mạnh và có thể đi làm giúp gia đình”.

 

Được chỉ đường, tôi hỏi thăm đến nhà bà Bùi Thị Đài, qua trò chuyện, được biết năm nay bà 50 tuổi, từ năm 14 tuổi bà đã biết bốc thuốc. Bà bảo nghề thuốc tuy không giàu nhưng được cái tiếng làm phúc. Về trường hợp của anh Sửu, bà cho biết: “Với kinh nghiệm học được từ mẹ đẻ và mẹ chồng, tôi biết mức độ nguy hiểm của bệnh này, nhưng với suy nghĩ “còn nước còn tát”, tôi vẫn quyết tâm bốc thuốc cho anh uống, Sau nửa tháng dùng các vị thuốc đặc trị: Cây máu người, cam thảo, dành dành, hoàng cầm, nhân trần... anh Sửu đã đỡ bệnh, tiếp tục điều trị thêm một thời gian nữa, bệnh của anh khỏi hẳn”. Ngoài anh Sửu bà Đài còn được nhiều người nhận làm anh chị em kết nghĩa như: Chị Nguyễn Thị Tim, anh Bùi văn Ga ở Hà Tây.    

 

Ngoài ra, những bài thuốc nam của người dân Quèn Thị còn rất hiệu quả đối với việc chữa trị các bệnh cho phụ nữ như: Bệnh hậu sản, vô sinh, điều hòa kinh nguyệt và thuốc tắm cho phụ nữ sau khi sinh, hay các bệnh về thiếu sữa. Nhiều người sữa bị chua, hoặc loãng nhưng sau khi uống các bài thuốc như cây máu người, lá bổ máu, củ sữa, khổ nhung, lá đốm dây… thì khỏi hẳn.

 

Những bất cập và nỗi lo cạn kiệt thuốc quý

 

Ông Nguyễn Tiến Vãn, trưởng thôn Quèn Thị, cho biết: Thôn Quèn Thị có hơn 200 hộ, chủ yếu người dân sống bằng nghề nông, nhưng tranh thủ những lúc nhàn rỗi nhiều người lại lên núi lấy lá thuốc để bán, nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ông tự hào nói rằng: Người Quèn Thị mang thuốc đi khắp nơi, chữa bệnh cho nhiều người". Tuy nhiên cũng thêo ông Vãn thì đa số các "Thầy thuốc" ở Quèn Thị là thầy thuốc của gia đình, kinh nghiệm chẩn đoán và chữa bệnh do ông cha truyền lại và thương hiệu thuốc nam cũng như uy tín của các "thầy thuốc" mới chỉ dừng lại ở mức truyền miệng, người này giới thiệu cho người kia chứ chưa được công nhận là làng thuốc nam và các thầy vẫn chưa được kiểm tra về trình độ nên nghề thuốc ở đây vẫn chỉ phát triển ở quy mô nhỏ lẻ.

 

Hàng trăm năm nay, người dân Quèn Thị đã nghiên cứu và sử dụng nhiều bài thuốc nam để chữa bệnh cho mình và cứu người, cuộc sống đổi thay, từng ngày, việc sản xuất thuốc nam của người dân Quèn thị  cũng đổi thay. Trong khi các bệnh viện lớn đang trở nên quá tải thì việc chữa bệnh bằng các loại thảo dược được nhiều người lựa chọn và tin dùng, cái tên Quèn Thị được nhiều người biết đến, việc này đồng nghĩa với việc người dân sẽ đổ xô đi lấy thuốc một cách bừa bãi, cây thuốc quý hiếm sẽ cạn kiệt là điều dễ hiểu. Chính ông trưởng thôn cũng thừa nhận việc khai thác quá mức và không có tổ chức làm cho nhiều loại thảo dược quý hiếm đang có nguy cơ cạn kiệt, nhiều người vì lợi ích trước mắt mà vô tình làm mất đi sự đa dạng của các bài thuốc quý. Thêm vào đó, việc thiếu diện tích canh tác cùng những khó khăn về kinh tế, người dân chỉ khai thác mà chưa chú ý đến việc trồng và bảo vệ nguồn thuốc quý hiếm. Cũng như nhiều người dân ở Quèn Thị, ông mong muốn có được những lớp học nhằm giới thiệu về cây thuốc và hợp tác xã chuyên trồng, chế biến thuốc nam, nhằm góp phần bảo tồn, phát triển nghề gia truyền của làng.

 

 

                                                                                         Thanh Tuyền

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục