Nghi lễ tế rước trong lễ hội Xên Mường, huyện Mai Châu năm 2010.

Nghi lễ tế rước trong lễ hội Xên Mường, huyện Mai Châu năm 2010.

(HBĐT) - Lễ hội là biểu hiện sinh động, đầy đủ nhất của một nền văn hoá bởi sự hội tụ các nét đặc trưng như: lễ cúng, ẩm thực, trang phục, trò chơi dân gian, ca múa… . Với 38 lễ hội dân gian truyền thống, tỉnh ta được biết là mảnh đất phong phú, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

 

Tuy nhiên, thời gian đã làm mai một và biến mất một số lễ hội dân gian truyền thống. Đứng trước thực tế đó, hoạt động phục dựng lễ hội đã và đang được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng. Sau hơn 10 năm triển khai, công tác phục dựng lễ hội đã đặt ra nhiều vấn đề cần sự lưu tâm, suy ngẫm của toàn xã hội. 

 

Đâu là “tính thiêng” và văn hoá dân tộc truyền thống trong lễ hội dân gian ở tỉnh ta?

 

Khai hạ Mường Bi (huyện Tân Lạc) được coi là lễ hội dân gian lớn nhất của tỉnh ta được phục dựng và duy trì hoạt động từ năm 2000 đến nay. Gần đây nhất là Lễ hội Xên Mường (huyện Mai Châu) được tổ chức phục dựng vào ngày 10/03/2010 sau hơn 50 năm bị quên lãng. Từ Mường Bi cho đến Xên Mường, các lễ hội đều thu hút đông đảo người dân tham gia, thể hiện sức hút, sức hấp dẫn đặc biệt. Tuy nhiên, có một thực tế đặt ra là trong xã hội đương đại, người dân đến với lễ hội bởi phần hội là chính, còn các nghi lễ vì nhiều lí do đã bị cắt gọt đi nhiều, không còn giữ được sự linh thiêng, tôn kính. Vậy đâu là lý do của thực trạng đáng tiếc này?

 

Trong việc phục dựng lễ hội, việc lựa chọn địa điểm, cộng đồng làng để tổ chức lễ hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, thiết chế đình, đền, miếu... là những minh chứng của văn hoá truyền thống, là địa điểm chính để tiến hành nghi lễ cúng thì đã không còn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Quang Huy, Phó phòng VH – TT huyện Cao Phong trăn trở: “Hiện nay, huyện đang xúc tiến kế hoạch và các bước chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ hội Mường Thàng. Nhưng chúng tôi đang vấp phải trở ngại đầu tiên là không biết nên chọn địa điểm nào để tổ chức vì các di tích như miếu thời, đình làng… đều đã bị tàn phá hết”. Trong khi đó, để chuẩn bị cho lễ hội Xên Mường, chính quyền và nhân dân huyện Mai Châu đã khẩn trương dựng lại miếu thờ Thành Hoàng tại xã Chiềng Châu. Theo lưu truyền, đây chính là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn người Thái đi khai hoang từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) khi đến Mai Châu. Miếu thờ đã kịp hoàn thành trước lễ hội và xây dựng trên đúng nền miếu cũ, đảm bảo cho việc hành lễ nhưng dường như màu gạch đỏ, mùi vôi mới… đã khó làm cho những người tham dự có cảm giác linh thiêng, cổ kính.

 

Bên cạnh đó, nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lễ hội nay đã tuổi cao, sức yếu. Vấn đề đào tạo lớp kế cận về cách cúng tế, hát xướng hay biểu diễn nghệ thuật dân gian lại chưa được coi trọng. Nhiều bài cúng được lưu truyền từ đời này sang đời khác dần mai một. Hoặc trước kia các lễ vật dâng cúng đều hàm chứa một ý nghĩa tín ngưỡng sâu xa gắn với nhân vật được phụng thờ thì nay đã không còn nữa và được rất ít người biết đến. Các đám rước thì tuy được tổ chức hoành tráng nhưng thành phần rước đã có nhiều thay đổi phù hợp với sự phát triển của xã hội.

 

Ngoài ra, các lễ hội dân gian được tổ chức trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đều có phần hội khá rộn ràng, sôi nổi, nhưng vẫn chưa thể là biểu hiện tập trung của cả nền văn hoá. Lễ hội Xên Mường được phục dựng đầu năm 2010 giành cho cộng đồng người Thái ở Mai Châu được đánh giá là khá thành công. Lễ hội đã thu hút hàng chục trại văn hoá trưng bày ẩm thực, biểu diễn văn nghệ mang đậm đà bản sắc Thái như: múa xoè, keeng loóng… và thi các trò chơi dân gian. Nhưng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hoá thì Xên Mường năm 2010 vẫn còn thiếu các trò chơi dân gian truyền thống, nhiều tiết mục văn nghệ dân gian độc đáo cũng không còn, thay vào đó là biểu diễn các bài hát mới. Nhiều nội dung manh tính chất lịch sử văn hoá của lễ hội đã bị sân khấu hoá, dàn dựng theo tính chất văn nghệ. Các vật dụng phục vụ lễ hội như: kiệu, cờ, quạt, võng, lọng và các trang phục của đội đám rước, đội tế bị thiếu khá nhiều.

 

Thiếu một đền thờ cổ kính, một bài mo cúng nguyên bản, những lễ vật truyền thống, các nghi trình cúng lễ hay vắng bóng những trò chơi câu hát cổ truyền…là những lý do chính làm mất đi “tính thiêng” và mờ nhạt yếu tố văn hoá dân tộc truyền thống trong lễ hội dân gian Hoà Bình hiện nay.

 

Đi tìm lời giải cho bài toán phục dựng lễ hội tại Hoà Bình.

 

Thực tế cho thấy, dù việc phục dựng lễ hội dân gian tỉnh ta còn nhiều vấn đề cần thảo luận, hoàn chỉnh nhưng các lễ hội đã có sức hút đặc biệt, khơi dậy một nét sinh hoạt văn hoá ý nghĩa, tác động tích cực đến đời sống tinh thần người dân. Một số lễ hội như Khai hạ Mường Bi, Chùa Tiên - Lạc Thuỷ, Đu Vôi … đã trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ của nhân dân địa phương mà cả của giới truyền thông, du khách trong nước và quốc tế. Tổ chức lễ hội không chỉ góp phần khẳng định niềm tự hào của nhân dân địa phương, bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống, quảng bá cho di tích mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương phát triển, tạo việc làm cho nhân dân… Từ hiệu quả đó cho thấy, việc phục dựng lễ hội là hết sức cẩn thiết và cần có những bước đi đúng đắn của chính quyền, vai trò tích cực của người dân.

 

Hiện nay, công tác phục dựng lễ hội ở Hoà Bình được triển khai theo hướng chính quyền địa phương là đơn vị đứng ra tổ chức, đầu tư kinh phí, Sở VH – TT – DL hỗ trợ về chuyên môn, người dân tham gia với vai trò là “diễn viên” có thù lao hoặc khán giả. Cách làm này trong nhiều năm qua đã thành công ở việc tổ chức lễ hội qui mô, hoành tráng, bài bản nhưng lại đặt ra một vấn đề cần lưu tâm về vai trò của người dân - chủ thể thực sự của lễ hội. Có một câu hỏi được đặt ra là: Nếu sang năm không có kinh phí của Nhà nước, không có sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu văn hoá thì liệu lễ hội có được tổ chức như năm nay nữa hay không? Cần phải có tác động gì để lễ hội được duy trì bởi chính người dân? Hiện nay, ngoài Lễ hội Đu Vôi được người dân tổ chức ở qui mô nhỏ thì Khai hạ Mường Bi, hay Chùa Tiên Lạc Thuỷ vẫn cần có sự tham gia của chính quyền thì mới duy trì được nội dung, tiến trình, qui mô lễ hội.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Quách Văn Ạch, Phó Giám đốc Sở VH – TT – DL cho rằng: “Muốn phục dựng lễ hội dân gian ở tỉnh ta thành công thì cần duy trì sự quan tâm, định hướng của các cấp chính quyền, ban ngành liên quan và phát huy cao nhất tính tích cực của người dân. Chính quyền và ngành văn hoá có vai trò đi trước, tổ chức mẫu một vài năm, sau dần trao lại quyền chủ thể lễ hội cho nhân dân. Người dân sẽ tự tổ chức lễ hội theo đúng những nghi trình, nội dung đã được nghiên cứu, định hướng. Điều quan trọng ở đây là người dân đã hồ hởi tiếp nhận lễ hội và ý thức được giá trị văn hoá phi vật thể của lễ hội. Từ đây, họ sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy, duy trì sức sống lâu bền cho lễ hội”.

 

Chúng ta tin tưởng vào tính tích cực của cộng đồng, tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận vào thực tế là thời gian qua, người dân đã quen với việc tham gia những lễ hội có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Trong khi đó, người dân hiện nay đang phải đối mặt với kinh tế thị trường, nhu cầu kinh tế thường trực và thiết yếu hơn nhu cầu văn hoá. Cộng đồng làng trong thời hiện đại cũng không còn được gắn kết chặt chẽ, tâm linh phong tục không còn sâu đậm. Làm thế nào để người dân dần tích cực và thực sự trở thành chủ thể của lễ hội?

 

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta nên nghĩ đến việc song song tiến hành phục dựng lễ hội với việc tác động đến các cộng đồng để “bàn giao” lại nội dung, phương thức… tổ chức lễ hội. Để sau một vài năm nữa khi sự đầu tư của Nhà nước giảm dần thì sự tham gia của người dân tăng lên.

 

Hướng đến mục tiêu xây dựng mỗi huyện có một lễ hội trọng điểm, gắn với nét đặc trưng của huyện đó, Sở VH – TT – DL đang phối hợp với các địa phương tiến hành việc nghiên cứu, khảo sát. Trong đó, tập trung phấn đấu phục dựng lễ hội ở 4 Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động trước tiên. Từ thành công và bài học rút ra từ Khai hạ Mường Bi, Sở VH – TT – DL đang phối hợp với Phòng VH – TT huyện Cao Phong triển khai kế hoạch phục dựng Lễ hội Mường Thàng. Trong đó, hoạt động đầu tiên được tiến hành là tìm ra nhu cầu, mong muốn của cộng đồng; thông qua các cụ cao niên để tìm lại lịch sử dân tộc… từ đó có căn cứ phác thảo nội dung lễ hội. Đặt trọng tâm vào mục đích của việc phục dựng lễ hội là làm thế nào để di sản sống lại và phát huy được tác dụng trong đời sống đương đại, công tác tổ chức phục dựng lễ hội cần hướng đến đối tượng người dân nhiều hơn. Từ những cơ sở là nghiên cứu khoa học để tìm ra phương án tổ chức, tập hợp lực lượng, kích thích tính tích cực của cộng đồng.

 

Hướng dẫn, tạo điều kiện và dần trao cho nhân dân vai trò chủ thể của lễ hội là cách làm đúng đắn, hiệu quả để duy trì sức sống lễ hội. Muốn vậy, các cấp các ngành cần chú trọng hơn nữa công tác khảo sát, tiếp thu ý kiến của cộng đồng. Mỗi người dân trong chúng ta cần nâng cao ý thức, phát huy niềm tự hào dân tộc, cùng chung tay giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hoá dân tộc truyền thống. 

 

 

                                                                                     Dương Liễu

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục