Cây cà phê phát triển trên vùng cao Lạc Sơn.

Cây cà phê phát triển trên vùng cao Lạc Sơn.

(HBĐT) - Cũng đã khá lâu tôi mới có dịp trở lại hai xã vùng cao của huyện Lạc Sơn là Ngọc Sơn và Ngọc Lâu. Trở lại Lạc Sơn lần này, ấn tượng về một vùng cao nghèo khó, người dân thụ động trong suy nghĩ làm ăn đã không còn trong tôi mà thay vào đó là một hình ảnh mới: Một thị tứ vùng cao đang khát vọng vươn lên.

 

Nét mới vùng cao

 

Ấn tượng nhất trong tôi khi đặt chân đến xã Ngọc Sơn lần này là mọi cảnh vật đều thoáng đẹp hẳn lên. Tuyến đường nối từ trung tâm huyện lên đây khoảng 20 km quanh co khúc khuỷ đã được đổ bê tông như một dải lụa trắng vắt ngang sườn núi. Đứng trên đỉnh dốc nơi rẽ vào trung tâm xã, chúng tôi hướng ánh mắt nhìn rộng về phía huyện nhận thấy một màu trù phú với những bản làng ấm áp giữa ruộng lúa, vườn ngô đang đâm trồi xanh mơn mởn.

 

Ông Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn kể với chúng tôi về những thay đổi mang tính đột phá trên bước đường phát triển kinh tế của người dân mình: “Người Ngọc Sơn bây giờ đã thay đổi nhiều trong suy nghĩ làm ăn, phát triển kinh tế, không còn bám vào cái rừng, cái rẫy với cuộc sống du canh, du cư, mà đã biết trồng cây lúa nước thâm canh, cây công nghiệp, cây ăn quả và làm kinh tế trang trại…” Có lẽ sự đổi thay lớn nhất ở mảnh đất này đã hình thành một Trung tâm cụm xã Ngọc Sơn với những quy hoạch, đầu tư xây dựng khang trang nhiều công trình hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh như: chợ, trạm y tế, trường học, trạm phát sóng truyền hình… Đặc biệt là chợ TTCX đã trở thành đầu mối thương mại của ba xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do. Điều đó đã tạo động lực quan trọng để nhân dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm theo hướng sản xuất hàng hoá, biến những sản phẩm tự cung tự cấp hàng ngày trở thành hàng hoá đem lại giá trị kinh tế cao. Ông Dương cho biết thêm: “Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Ngọc Sơn luôn đạt trên 13,5%, tăng so với Nghị quyết Đảng bộ đề ra trên 3,5%. Về cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp 62,4%; thương nghiệp, dịch vụ 10,3%; thu khác 27,3%. Năm 2005, bình quân lương thực là 520kg/người/năm, đến năm 2009 đạt 716,6 kg/người/năm. Thu nhập bình quân năm 2005 đạt trên 4 triệu đồng/người/năm, năm 2009 đạt 6,2 triệu đồng/ người/năm, tăng 54%, ước năm 2010 đạt 6,8 triệu đồng. Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi giống lúa, ngô lai gieo trồng trên 100% diện tích, nên năng xuất lúa, ngô đều tăng từ 30ta lên 40 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2006 là trên 1.000 tấn đến năm 2009 đạt trên 1.700 tấn.”

 

Ông Bùi Bình Yên, Giám đốc BQL KBTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông, người đã gắn bó lâu năm với Ngọc Sơn bộc bạch: “Từ chỗ ổn định cuộc sống, người dân Ngọc Sơn không còn bám rừng làm nương rẫy nữa. Từ năm 2006 đến nay, hơn 1,9 vạn het ta rừng khu vực xã Ngọc Sơn và 5 xã khác thuộc 2 huyện Tân Lạc và Lạc Sơn đã được Nhà nước quy hoạch thành Khu bảo tồn thiên nhiên. Theo các nhà nghiên cứu, nơi đây còn giữ lại được nhiều hệ động, thực vật quý hiếm và các cảnh quan tự nhiên nguyên sơ nhất tại Việt Nam. Nếu được bảo vệ tốt, với điều kiện sinh thái như vậy, nơi đây sớm trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng. Hiện nay, một số nhà đầu tư đến tìm hiểu và sắp tới sẽ có một dự án du lịch được thực hiện tại khu vực này. Đây là cơ hội mới để Ngọc Sơn tiếp tục phát triển”.

 

Ước vọng tương lai…

 

Nằm liền kề với Ngọc Sơn, người dân xã Ngọc Lâu cũng đang tự tìm cho mình những hướng đi mới để phát triển kinh tế khi mà sản xuất nông nghiệp chỉ đủ ăn. Xã có 13 xóm và khoảng 530 hộ dân. Trong đó, có gần 500 hộ sản xuất thuần nông. Ông Bùi Văn Chấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu cho biết: “Cấp uỷ, chính quyền đã tập trung lãnh đạo nhân dân đổi mới phương thức sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi một phần đất sản xuất trồng cây truyền thống như ngô, lúa sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn”.

 

Và rồi chủ trương đó của xã đã được hiện thực hoá khi Tập đoàn Thái Hoà triển khai dự án phát triển vùng cà phê nguyên liệu tại 3 xã vùng cao của huyện Lạc Sơn, trong đó có xã Ngọc Lâu. Theo Chủ tịch  UBND xã Ngọc Lâu Bùi Văn Chấn, thổ nhưỡng, khí hậu các xã vùng cao Lạc Sơn hợp với cây cà phê, trước đây đã được người Pháp trồng. Năm 1990, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Ngọc Lâu đã có 10 ha cà phê, nhưng không có đầu ra cho sản phẩm, nên từ đó bị lãng quên.

 

Dự án được thực hiện theo hình thức: hộ nông dân góp đất, Công ty đầu tư về vốn, phân bón, cây giống, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Người dân góp đất được coi là một thành viên của Công ty, được hưởng các chế độ, hưởng cổ tức, sở hữu cổ phiếu. Quỹ đất tham gia góp vốn được tính giá trị bằng đơn giá thuê đất mà UBND tỉnh quy định cho từng khu vực để tính vào cổ phần đóng góp... Việc phát triển cà phê theo phương thức cổ phần hóa đã được chính quyền và các hộ dân đồng tình ủng hộ. Đây là mô hình mới thể hiện sự sáng tạo trong thực hiện mối liên kết “Bốn nhà” để việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả hơn. Vợ chồng chị Tiềm ở xóm Hầu, xã Ngọc Lâu được nhận  vào làm ở Công ty Thái Hòa sau sáu tháng thử việc. Bây giờ, hai vợ chồng đều được nhận mức lương là 1,5 triệu đồng/người. Chị Tiềm cho biết: “Gia đình có hơn 600 m2 đất trước đây trồng ngô và lúa, chuẩn bị góp cổ phần vào công ty với hy vọng sẽ được khá giả hơn nhờ cây cà phê”.

 

Đến nay, hơn 64 ha cà phê của Công ty được trồng từ năm 2007 đã chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Tuy mới chỉ là thành công bước đầu nhưng đã tạo bước chuyển biến tích cực về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa ở các xã vùng cao. Ông Bùi Văn Chen, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn khẳng định: “Nhận thấy những lợi thế của cây cà phê, tháng 5/2010, Huyện ủy Lạc Sơn đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ-HU “Về trồng cây cà phê” với quan điểm: “Xây dựng và phát triển cây cà phê tại các xã vùng cao nhằm mục đích đưa Nghị quyết TW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào thực tiễn tại huyện Lạc Sơn. Các xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn và Tân Mỹ được xác định là vùng trọng điểm của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, sử dụng đất đai hợp lý và hiệu quả cao”. Theo ông  Ngô Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Thái Hòa – Hòa Bình:  Mục tiêu phấn đấu của Công ty là xây dựng vùng nguyên liệu cà phê tại các xã vùng cao huyện Lạc Sơn gắn với du lịch sinh thái mang bản sắc văn hóa Mường nhằm thu hút khách du lịch và tạo ra vùng cà phê có thương hiệu riêng, có giá trị xuất khẩu cao. Tiến tới việc xây dựng khu công nghiệp sản xuất, chế biến cà phê liên hoàn, tiêu thụ toàn bộ sản lượng cà phê cho các tỉnh khu vực phía Bắc.

 

Chúng tôi rời Ngọc Sơn, Ngọc Lâu khi bóng nắng đang dần khuất sau những dặng núi phía xa. Chia tay với những người nông dân năng động, chúng tôi tin tưởng rằng, phía trên những dãy núi này đang có nhiều mầm xanh ước vọng vươn lên, đem lại sự thịnh vượng cho người dân các xã vùng cao của huyện Lạc Sơn.

 

 

                                                    Ngọc Vinh

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục