Hàng năm, vào những ngày đầu xuân, người dân vùng đất cổ Mường Bi vẫn tái hiện lại đường cày đầu tiên.

Hàng năm, vào những ngày đầu xuân, người dân vùng đất cổ Mường Bi vẫn tái hiện lại đường cày đầu tiên.

Phần II: Một ngày ở đất cổ Mường Bi

(HBĐT) - Khi những tia nắng đầu tiên vượt qua đỉnh núi Cột cờ và tiếng gà gáy rộn đầu làng, cuối xóm thì cũng là lúc người dân xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc bắt đầu một ngày mới của mình.

 

> Phần I: Chuyện lập đất, lập Mường

 

Việc đầu tiên trong buổi sáng là tập trung về con suối đầu nguồn để lấy nước về chuẩn bị cho nhu cầu sinh hoạt của cả ngày. Tiếng cười nói râm ran cả một góc làng. Sau một đêm dài được nghỉ ngơi nên tinh thần của ai cũng vui vẻ, phấn chấn. Bên dòng suối, mỗi người một việc trong cái thanh khiết của buổi sáng và tiếng róc rách trong lành của con suối, tất cả như hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh sống động ở làng quê thanh bình trong buổi bình mình.

 

Theo lời của ông Bùi Văn Ểu, các con suối luôn gắn bó với cuộc sống của người Mường. Từ xa xưa,  người Mường cư trú tập trung chủ yếu ở những dải thung lũng hẹp, doi đất ven sông, ngòi, dưới chân các dãy núi hay trên các đồi gò thấp. Làng bản mường sống tập chung thành từng chòm, từng xóm, ẩn khá kín dưới màu xanh của cây cối trồng quanh nhà. Các bản mường thường có khoảng từ 20 đến 30 nóc nhà, và nếu bản to thì có thể nhiều hơn. Bản làng thường dựng nơi gần nguồn nước, gần đồng ruộng, thuận lợi cho lao động sản xuất. Mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra xung quanh con suối. Dòng suối mát cũng chứng kiến bao sự đổi thay của làng Mường, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

 

Có một truyền thuyết kể rằng, năm đó, trời làm hạn hán, rồi thiên tai bão lũ liên miên. Cây lúa vừa cấy xuống đã bị hạn hán làm khô héo, cây ngô cũng không sống nổi trên đồi. Khi có nước, người dân tiếp tục cày cấy thì bão lũ ập về, cuốn trôi tất cả. Đói quá, người dân phải lên rừng đào củ mài, củ vớn để ăn. Thú rừng khi đó cũng bỏ đi hết, phường săn của xóm đi cả tuần cũng không bắt được con thú nào. Thế nhưng, có một điều lạ là con suối của xóm vẫn quanh năm có nước. Ốc suối thì nhiều vô kể. Người dân rủ nhau đi bắt ốc suối về ăn. Càng bắt, ốc càng về nhiều. Thế là người dân đã được cứu đói qua đợt thiên tai đó.

 

Truyền thuyết đó đã truyền qua bao thế hệ và giữa tinh khôi của thiên nhiên hôm nay, được chứng kiến sinh hoạt buổi sáng của người dân xóm Lầm bên con suối, chúng tôi hiểu rằng, dòng suối mát trong đó là một thực thể, một tế bào sống của bản Mường. Cánh đồng Mường Bi rộng lớn, phì nhiêu cũng một phần nhờ nguồn nước từ các con suối.

 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Từ Chi, từ khi lập đất, lập Mường, người Mường đã gắn bó với nghề nông nghiệp và cây lúa nước là cây trồng chủ yếu cung cấp nguồn lương thực cho người dân. Những cánh đồng của người Mường thường làm gần bản để tiện việc chăm sóc và thu hoạch. Từ xa xưa, con trâu vẫn luôn gắn với hình ảnh sản xuất nông nghiệp của bản Mường. Mặc dù đời sống xã hội phát triển, máy móc, nông cụ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp đang ngày càng hiện đại, giải phóng nhiều cho sức lao động. Tuy nhiên, theo ông Ểu, người Mường xóm Lầm vẫn giữ nguyên truyền thống cày bừa bằng con trâu. Một phần vì quý trọng con vật gắn bó bao đời với con người này, phần khác là cày bừa bằng trâu sẽ giúp cho đất đai được làm kỹ hơn, cây lúa ít bị sâu bệnh hơn. Bên cạnh đó, người dân muốn giữ nề nếp này để giáo dục truyền thống, lưu giữ nép đẹp văn hóa của bản Mường cho các thế hệ con cháu sau này.

 

Qua kinh nghiệm lâu đời từ sản xuất nông nghiệp, người Mường đã sáng tạo ra lịch riêng gọi là lịch Đol, hay còn được gọi là nông lịch. Ông Ểu cho biết: Thời gian một ngày được tính như sau: Trời sáng là lúc “gà xuống chuồng”, nửa buổi sáng (khoảng 9 giờ) là lúc chim bìm bịp kêu. Người đi làm đồng có thể căn cứ vào hoạt động của chim chiền chiện (loại chim thần trong truyền thuyết Đẻ đất, đẻ nước) để tính thời gian; chim chiền chiện bay ba lần là gần trưa (khoảng 10 giờ sáng), cách tính dựa trên cơ sở quan sát thực tế là, loại chim này có thói quen đang kiếm mồi thường bay vút lên cao hót véo von. Một buổi sáng chim bay lên như vậy khoảng ba lần, người Mường vẫn nói “đi cày chiền chiện bay ba lần mới về là chăm”. Giữa trưa là lúc “đứng bóng” hay là lúc “bóng quẩn chân” (lúc mặt trời lên cao nhất), gần tối là lúc chim chàng làng kêu hoặc là lúc “gà lên chuồng”. Căn cứ vào thời gian trên, người dân xóm Lầm chủ động sắp xếp thời gian sản xuất cho phù hợp và hiệu quả.

 

Với ý nghĩa gìn giữ nét đẹp truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của dân tộc Mường, từ năm 2009 đến nay, người dân vùng Mường Bi đã đưa việc cày bừa vào thành một trong những nghi thức chính của Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào đầu năm mới. Theo ông Ểu, người Mường Bi gọi việc làm này là tái hiện đường cày đầu tiên. Ngay từ sáng sớm, các gia đình trong bản làng đã dậy để làm lễ khai canh. Nhà nhà dong trâu ra ruộng cày hai đến ba đường gọi là "làm phép" trên thửa ruộng của mình và cầu khấn quanh năm thóc lúa đầy đụn (bồ đựng thóc quây tròn không có đáy), đầy nhà. Tuy nhiên, trước khi gia đình tiến hành cày thửa ruộng nhà mình thì làng cũng chọn ra một thửa ruộng tốt nhất, một thanh niên khỏe mạnh nhất làng và con trâu tốt nhất làng để thực hiện những đường cày đầu tiên. Người Mường quan niệm rằng, việc làm này sẽ giúp cho mùa màng tươi tốt, người dân luôn luôn no đủ, xóm làng bình yên, vạn vật sinh sôi nảy nở trong năm mới.

 

Mới đây, ngành VH-TT&DL tỉnh đã có dự án đầy tư xây dựng quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Mường Bi. Trong đó xóm Lũy của xã Phong Phú sẽ là vùng trung tâm, xóm Ải, Lầm sẽ là vệ tinh quan trọng để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Mường Bi.

 

Dự án được thực hiện sẽ góp phần quan trọng để vùng đất cổ Mường Bi mãi mãi trường tồn, gìn giữ một nền văn hóa Hòa Bình trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam.

 

 

                                                                                         Ngọc Vinh

 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục