Chính ngọn lửa yêu thương chị Lường Thị Dắng đã xoa dịu những nỗi đau mang đến niềm vui, nụ cuời trong ngôi nhà nhỏ với những đứa con tật nguyền.

Chính ngọn lửa yêu thương chị Lường Thị Dắng đã xoa dịu những nỗi đau mang đến niềm vui, nụ cuời trong ngôi nhà nhỏ với những đứa con tật nguyền.

(HBĐT) - Cũng đã khá lâu rồi tôi mới lại đặt chân lên các xã vùng cao của huyện Đà Bắc. Cũng chừng ấy thời gian tôi mới trở lại ngôi nhà sàn nằm chênh vênh bên dốc núi - nơi tôi vẫn thường đến trong những chuyến công tác để thấm thật sâu vào tim một nỗi đau còn lại sau bom đạn chiến tranh...

 

Gần 10 nghìn ngày gánh nỗi đau

 

Dù đã đến đây nhiều lần, dù đã thân quen như người trong nhà nhưng lần nào cũng thấy ứ nghẹn trong tim trước phận người mong manh. Để rồi chợt nhận ra rằng, trong số muôn vàn nỗi đau ở đời, có lẽ không có nỗi đau nào lớn hơn cái nỗi đau của người làm cha, mẹ sinh ra những đứa con không - được - làm - người. Cũng bởi lẽ đó mà tôi có thể hiểu những giọt nước mắt đặc quánh được ép ra từ khoé mắt sâu trũng lăn dài trên khuôn mặt đen sạm khô khốc, góc cạnh như đá núi của người đàn ông ngồi trước mặt. Chỉ cách một sải tay là những đứa con tật nguyền nằm lăn lóc, còng queo và lấm lem như những củ sắn khô xác để trên gác bếp lâu ngày. Chiến tranh trôi qua cách nay đã hơn 30 năm, bom đạn, những cuộc hành quân gian khổ chỉ còn là mảnh ký ức nhạt nhoà trong tâm trí của anh lính phục viên Lường Văn Săng ở xóm Than, xã Tân Pheo (Đà Bắc). Gửi lại thanh xuân trên dải Trường Sơn, trở về với cuộc sống thời bình, đôi vai người lính năm xưa lại trĩu nặng những nỗi đau. Nỗi đau luôn ám ảnh đến xót xa, nghiệt ngã - nỗi đau Đioxin. Chắc chắn một điều, nỗi đau Đioxin ấy sẽ còn đeo đuổi người đàn ông trở về từ sau cuộc chiến cho đến hết cuộc đời. 3 lần sinh con là cả 3 lần khắc khoải trong nỗi tuyệt vọng bởi cả 3 sinh linh bé bỏng trên đôi tay người cha đã phai màu sương gió và không còn sạm mùi thuốc súng là 3 hình hài méo mó, tật nguyền. Quá buồn đau, tuyệt vọng và kiệt sức, người mẹ đã bỏ cha con họ đi về “mường trời” trong nỗi day dứt khôn nguôi. Chỉ còn người cha ở lại chăm bẵm, vỗ về, nâng niu nỗi đau ấy lớn dần lên trong tình yêu thương và nỗi xót xa vô hạn. Cho đến giờ, đứa lớn là Lường Văn Hú đã 27 tuổi, đứa bé là Lường Thị Hoa cũng đã 21 tuổi. “Cái tuổi mà như con nhà người ta đã con cái đuề huề, có một gia đình yên ấm, vậy mà con mình...”- Tiếng nấc nghẹn cùng những giọt nước mắt người đàn ông lẫn trong câu nói còn dang dở...

 

Gần 30 năm, nói chính xác hơn là gần 10 nghìn ngày kể “từ khi sinh con, cả 2 vợ chồng chưa có một đêm được trọn giấc”. Còn tôi, cho đến giờ vẫn còn nguyên cái cảm giác thắt nghẹn khi lần đầu bước chân vào ngôi nhà sàn nhỏ nằm chênh chếch trên sườn đồi Cỏ De cách đây 3 năm. Sau đó, dù đã quen với nụ cười ngờ nghệch, với những đôi mắt vô hồn trên thân xác như vô tri, mềm nhũn và vô cảm của thằng Hú, thằng Hoàn, cái Hoa nhưng vẫn còn gợn lên cái cảm giác thắt nghẹn trước những đứa - trẻ chỉ biết ú ớ, lê lết quanh sàn nhà. Đứa nào cũng vậy, tay chân chỉ loòng khoòng như que củi, nằm lăn lóc như củ khoai, củ sắn. Nếu ví trí óc của một đứa trẻ vừa mới chào đời là một tờ giấy trắng, có lẽ trí óc của thằng Hú, thằng Hoàn, cái Hoa cũng chẳng khác là mấy dù chúng đã được sinh ra từ cách đây rất lâu rồi. Đã quá quen với cuộc sống khốn khó của gia đình này nên với họ, tôi không còn là khách lạ. Lần nào đến đây, tôi cũng được thấy những giọt nước mắt xót xa, bất lực trên đôi mắt trũng sâu của người đàn ông đã gần 10 nghìn ngày ôm con vào lòng và cũng từng ấy đêm chưa trọn vẹn một giấc ngủ.            

 

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”

 

Sự có mặt bất ngờ của chúng tôi chẳng biết có mang đến thêm chút niềm vui nào cho gia đình nhỏ vốn đã đầy ắp nỗi đau này hay nó lại khơi thêm nỗi buồn vốn đã vô tận như dòng suối vẫn róc rách chảy bên hiên nhà. Thấy khách quen, không vồn vã như mọi khi, nhìn về phía cửa voóng trống trải, người đàn ông bật khóc. Hướng theo ánh mắt nhoà nhoẹt ấy, tôi giật mình thảng thốt: Hoàn đâu rồi?! Mọi lần đến, tôi vẫn còn gặp nụ cười hiền lành, thân thiện và dễ mến của Hoàn nơi cửa voóng, nay thì trống trải không còn nụ cười ấy. Lường Văn Hoàn là đứa bị nặng nhất trong 3 đứa con của anh Săng. Từ thủa lọt lòng mẹ cho đến khi ngoài 20 tuổi, sống trên cõi đời Hoàn vẫn chỉ là một hài nhi tật nguyền, tay chân teo tóp. Chỉ nằm một chỗ, đói không biết đòi ăn, khát không biết đòi uống. Cũng vì thế mà sức khoẻ yếu, đau ốm liên miên. “Cháu nó mất rồi chú ạ! Cháu mất khi chỉ còn cách Tết vừa rồi đúng 2 hôm. Trước lúc “đi”, con cũng gắng gọi được một tiếng “cha ơi”, vậy cũng đã trọn được một kiếp người”- Người phụ nữ ngồi im lặng suốt từ lúc tôi đến giờ mới lên tiếng trả lời cho những thắc mắc của chúng tôi. Lạ lẫm, ngỡ ngàng bởi người phụ nữ ấy trước đây chúng tôi chưa từng thấy trong ngôi nhà này sao lại biết rõ về gia cảnh khó khăn của cha con họ?! Như đoán được suy nghĩ của tôi, lau vội dòng nước như những giọt nến trên khoé mắt, anh Lường Văn Săng mau mắn: Nhà tôi đấy chú ạ! Thấy thương cảnh mình, cô ấy đã tự nguyện về đây cùng chăm sóc các cháu.

 

Với cái vẻ ngượng nghịu nhưng chứa chan sự thương cảm, người phụ nữ ấy bẽn lẽn trải lòng...

 

Chị là Lường Thị Dắng, quê ở mãi tận xã Trung Thành cách xóm Than (xã Tân Pheo) này cả ngày đường. Dù đã bước qua cái tuổi xuân thì thế nhưng chị vẫn là một người đàn bà đẹp với đôi mắt sáng trong, nụ cười tươi cùng nước da bánh mật khoẻ khoắn. Đôi mắt ấy, nụ cười kia khi còn  xuân thì chắc hẳn cũng đã làm nhiều trái tim xao xuyến. Tuy vậy, cái “phận hồng nhan” ấy đã gắn thêm cho chị 2 chữ “bạc mệnh”. Khi xưa chị cũng đã từng có một gia đình nhưng “không yên ấm, không có hạnh phúc” với một người chồng không yêu vợ, chẳng xót con. Người đàn ông ấy quanh năm suốt tháng chỉ biết đến rượu, cờ bạc. Cũng vì lẽ đó mà bao nhiêu của nả, nhà cửa đều trôi theo cơn khát đỏ, đen. Khi hết tiền, hết của cũng là lúc người chồng bội bạc kia đã đuổi cả 2 mẹ con chị ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Trong cảnh khốn quẫn, 2 mẹ con chị tìm về nương nhờ nơi cha già mẹ héo. Nhưng rồi 2 mẹ con lại ra đi trong sự cô độc vì sự ghẻ lạnh, hắt hủi từ chính những người thân ruột thịt. “Khi đó, trong đầu chỉ nghĩ đến nắm lá ngón chứ chẳng thiết gì hơn. Chính lúc khốn quẫn ấy mình đã gặp anh nếu không đến giờ cũng chẳng biết 2 mẹ con sẽ ra sao” - Hướng ánh mắt trìu mến đầy ngượng nghịu về phía anh, chị bẽn lẽn giấu một nụ cười duyên.

 

Đang chuyện, như một bản năng làm mẹ, người phụ nữ ấy mau mắn đi về phía Lường Văn Hú nằm lăn lóc bên cửa voóng với khuôn mặt đờ đẫn, ngây dại. Thì ra Lường Văn Hú không tự chủ được bài tiết, đang cần sự giúp đỡ của mẹ Dắng. Từ khi về đây, không chỉ Lường Văn Hú mà cả cái Hoa và thằng Hoàn trước đây cũng vậy đều một tay do một tay chị chăm bẵm, nâng niu từng bữa ăn đến giấc ngủ. Quả thực, chăm người ốm khó nhọc một thì chăm người đau yếu tật nguyền không tự chủ được việc ăn uống, sinh hoạt lại khó nhọc, chịu tủi nhục gấp nhiều lần, bởi cả 3 đứa, đứa nào cũng cần phải có người bón, người nựng. Ăn tại chỗ, vệ sinh cũng tại chỗ thì quả là một sự nhẫn nại ghê gớm của người phụ nữ này trong những tiếng ú ớ bản năng. “Trước tôi cứ nghĩ không có ai khổ cùng khổ cực như mình. Nhưng khi gặp anh, tôi mới thấy mình còn may mắn hơn. Nỗi khổ của mẹ con tôi chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau, sự vất vả đằng đẵng theo anh suốt mấy chục năm trời. Tôi nghĩ mình nên về đây để cùng anh chăm sóc các cháu” - Chị nói. Từ khi về làm vợ người đàn ông “khổ hơn mình” và làm mẹ của những đứa con tật nguyền, đôi bàn tay ấm áp, tình yêu thương vô hạn của chị đã sưởi ấm cho những phận người mong manh. Trong ngôi nhà chênh vênh bên dốc núi, giờ đây cũng đã có thêm niềm vui, nước mắt thôi không còn chảy trong những đêm dài mộng mị. Cùng với anh, hàng ngày, chị vẫn chăm bẵm từng bữa ăn, nâng niu từng giấc ngủ cho những đứa con tật nguyền. “Từ khi cô ấy về, ngôi nhà này không còn lạnh lẽo như trước nữa. Có nằm mơ bố con tôi cũng không dám nghĩ điều kỳ diệu này có thể xảy ra” - Nói về chị, người đàn ông ấy bật khóc. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, niềm vui. Thật đáng trân trọng tấm lòng nhân ái của người phụ nữ ấy khi không ngần ngại nhận về mình những khó khăn. Ở đời  có mấy ai làm được. “Dẫu khó khăn, vất vả nhưng tôi thấy mình vẫn còn được sống trong tình yêu thương” - Chính yêu thương đó đã xoa dịu những nỗi đau để mang đến niềm vui, nụ cười trong ngôi nhà nhỏ ấy.       

 

Rời ngôi nhà sàn nhỏ khi bóng chiều đã chênh chếch ở ngọn núi phía xa chợt thấy lòng mình se sắt thương thằng Hoàn, cảm phục người phụ nữ đã tình nguyện về chăm sóc những đứa con nguyền không phải do mình dứt ruột đẻ ra. Thế cũng là an lành bởi từ đây những phận người kia không còn mong manh, dần được xoa dịu và luôn được sưởi ấm bằng tình thương của một người... dưng. Bất chợt tôi lại nhớ đến một triết lý của nhà Phật: Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gian khổ cuộc đời không ai gánh nặng bằng cha. Chắc chắn là vậy!

 

 

                                                                                Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục