Tác giả tác nghiệp dưới độ sâu hơn 60 m trong lòng đất tại lò khai thác than thuộc thôn Đồi Hoa, xã Lạc Long (Lạc Thủy). (Ảnh: P.V)

Tác giả tác nghiệp dưới độ sâu hơn 60 m trong lòng đất tại lò khai thác than thuộc thôn Đồi Hoa, xã Lạc Long (Lạc Thủy). (Ảnh: P.V)

(HBĐT) - Cảm giác ngột ngạt, váng vất khó chịu vì không gian ẩm ướt, yếm khí dưới một đường hầm tối om và sâu hun hút có lẽ là sự trải nghiệm mà không phải ai cũng có được khi chui vào những đường lò khai thác than đầy bất trắc với những người đang “bán mạng cho than” ở xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc), xóm Đừng, xã Đồng Môn (Lạc Thủy), xã Cuối Hạ (Kim Bôi), xã Mỹ Thành (Lạc Sơn).

 

Lần đầu, trong vai một người đi lạc đường và tò mò muốn biết cảm giác sống trong hầm than là như thế nào. Chỉ vậy nhưng cuộc hành trình khám phá những hầm than ở mỏ khai thác than xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) tưởng khó để thâm nhập đối với người lạ mặt bởi sự cảnh giác cao của những gã chủ thầu lại trở nên dễ dàng. Chuyện vượt núi, ngủ rừng lần theo dấu chân lâm tặc tại những khu rừng nguyên sinh còn không sợ bằng việc theo chân những “anh nông dân thợ mỏ” chui vào đường hầm mà lỡ rướn thẳng người, chắc chắn đầu sẽ chạm đến điểm cao nhất. Không chỉ có vậy, trong đường lò trơn trượt, sâu hun hút như đường xuống “âm phủ” đó cứ một chốc lại lạo xạo tiếng đất, đá rơi từ trần, vách hầm được kè, chống một cách sơ sài. Nói dại, nếu chẳng may... thì có đến 9 phần cầm chắc cái chết. Chỉ nghĩ vậy thôi gáy đã lạnh dẫu cho mồ hôi ướt đầm lưng áo, chảy thành dòng trên mặt vì bức bí trong đường lò. Sợ hãi là thế nhưng tôi cũng đã cố để đi được đến tận gương lò - nơi những người nông dân thợ mỏ ấy đang cần mẫn đào, xới. Để nghe âm thanh lạo xạo từ than và tiếng thở phì phò của những tay lực điền chuyên nghề nặng nhọc trong không gian chật chội, ẩm thấp. Trong những chuyến tác nghiệp ấy, không chỉ lấy được những tư liệu quý, không chỉ được tận mắt thấy môi trường làm việc mất an toàn nghiêm trọng, chúng tôi còn thấy một cuộc sống nhọc nhằn. Cơm áo được đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí nó còn được đánh đổi bằng cả mạng sống dưới những hầm than của những phận người vốn là nông dân chân chất chỉ biết đến ruộng đồng ở một vùng quê nghèo và vụ tai nạn sập hầm ngày 5/7/2012 suýt lấy đi 7 mạng người cũng chính là những điều mà chúng tôi đã cảnh báo trước đó trong loạt bài viết Báo động về tình trạng mất an toàn tại mỏ khai thác than ở Lỗ Sơn.

 

Lần thứ 2 tôi được thâm nhập thực tế các hầm lò khai thác than của Công ty khai thác khoáng sản Hòa Bình tại xã Cuối Hạ (Kim Bôi). Rút kinh nghiệm thực tế từ mỏ than xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc), để tránh những bất trắc có thể xảy ra trong quá trình đi vào... lòng đất, chúng tôi đã tìm và nhờ đến những người dày dạn kinh nghiệm, có thâm niên trong nghề khai thác mỏ. Có người dẫn đường, không khó để chúng tôi tiếp cận khu vực hầm lò khai thác nằm sâu trong những con đường quanh co bị những chiếc xe tải hạng nặng băm nát giờ lỏng chỏng đá, bụi. Theo chân người dẫn đường vào một cửa lò đang có công nhân làm việc. Hỏi ra mới biết, họ đang kè, chống lại đoạn sạt lở mà vài hôm trước bất ngờ cả chục mét khối đất, đá đổ ụp xuống. May là khi đó không có ai làm việc, nếu không thương vong sẽ khó tránh khỏi. Nghe nói mà lạnh hết cả sống lưng. Định quay sang người đồng hành thì lại tá hỏa khi thấy trên môi đang lập lòe đốm lửa của điếu thuốc vừa châm. Đó là điều tối kỵ khi đang ở trong hầm khai thác than, chẳng biết có phải cơn nghiện thuốc bất chợt đến hay là gã giở trò để nắn gân kẻ lạ mặt. Chẳng cần biết, tôi lao vội về phía cửa hầm bởi biết đâu, đốm lửa kia sẽ gây họa. Ra đến cửa hầm, còn chưa kịp thở thì lại thêm một lần phát hoảng với mấy tay công nhân đang truyền tay nhau điếu thuốc lào. Có lẽ, những bức ảnh ghi lại cái vẻ mặt khoan khoái, mơ màng với làn khói đặc quánh của những người công nhân ở trước cửa hầm đã trở thành chứng cứ, chi tiết quan trọng trong bài viết mang tính cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động tại khu mỏ khai thác này đã được đăng tải trên Báo Hòa Bình ngay sau đó.

 

Sau 2 chuyến tác nghiệp trong lòng đất đầy bất trắc, đã có lúc tôi tự nhủ: Sẽ chẳng dại mà đâm đầu vào chỗ... chết thêm một lần nào nữa. Nhưng càng nghĩ vậy lại càng muốn lao vào, muốn có thêm những trải nghiệm quý giá từ thực tế mà chẳng phải ai cũng có được. Lần thứ 3, tôi có chuyến tác nghiệp dưới lòng đất là ở mỏ khai thác than Đồi Hoa, xã Lạc Long (Lạc Thủy) nơi mà vốn đã từng xảy ra một vụ tai nạn lao động cháy, nổ hầm lò khai thác làm 5 người chết. Thời điểm chúng tôi đến làm việc, mỏ than này đã được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Anh Vũ đầu tư, khai thác. Không giống với những lần trước, lần này trước khi xuống lò giếng với độ sâu khoảng hơn 60 m tôi được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ gồm quần áo, ủng, mũ lò, đèn pin. Đặc biệt, trước khi xuống lò lại được tập huấn những kiến thức cơ bản khi làm việc dưới hầm lò cũng như xử lý các tình huống có thể xảy ra. Không còn cảm giác bất an, chỉ còn cảm giác hồi hộp khi mình thực sự được xuống lòng đất để tác nghiệp. Có thể nói, từ lòng đất, chúng tôi đã ghi nhận một môi trường làm việc được đảm bảo đã góp phần nâng cao hiệu suất, sản lượng khai thác của đơn vị. Bên cạnh đó, với sự chuyên nghiệp trong quản lý, khai thác đã góp phần đảm an toàn trong môi trường lao động hầm lò của Công ty. Từ đó đã hạn chế những rủi ro, bất trắc, tạo được sự yên tâm cho người lao động và tôi, khi xuống khu vực khai thác ở độ sâu hơn 60 m cũng cảm thấy yên tâm với sự mạo hiểm của mình. Điều đó đã được khắc họa, thể hiện rõ nét trong loạt bài Một giờ dưới... âm phủ.

 

Mỗi chuyến đi, mỗi một môi trường tác nghiệp đã để lại những dấu ấn trong công việc đó là sự trải nghiệm. Đặc biệt hơn, với chúng tôi, với nghề báo, sự trải nghiệm thường bắt đầu bằng những gian nan, thử thách. Dẫu cho chẳng ai biết được phía trước là gì nhưng đã đi là sẽ đi đến tận cùng của con đường. 

 

 

                                                                           Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục