Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đàm Thủy và nhân dân  địa phương phối hợp tuần tra biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đàm Thủy và nhân dân địa phương phối hợp tuần tra biên giới.

(HBĐT) - Tính ra, đã hơn một lần chúng tôi được đặt chân đến vùng đất biên giới (BG); được ôm cột mốc nơi biên cương vào lòng. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy thiếu một thứ gì đó. Phải chăng đó là lễ chào cột mốc của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) trên đường tuần tra bỉên giới. Có lẽ là vậy! Thoáng một nét mặt nghiêm trang của người chiến sỹ biên phòng khi đứng trước cột mốc BG, chúng tôi mới hiểu mỗi tấc đất quê hương thiêng liêng đến chừng nào.

 

1 - Không dễ gì để có được một chuyến đi lên vùng biên viễn xa ngái, lại càng không dễ gì để được chạm tay vào cột mốc chủ quyền ranh giới đất nước ở những nơi “đầu mây, đầu gió”. Phải nói đó là một may mắn khi không hẹn trước, từ miền Tây Bắc, chúng tôi có một cuộc hành trình theo cánh cung Ngân Sơn ngược về miền biên viễn giữa mùa hoa tam giác mạch nơi địa đầu Tổ quốc. 

Cung đường Tây Bắc dù đã quá quen với núi rừng hùng vĩ nhưng trên cung đường Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Lạng Sơn, chúng tôi đã thực sự bị choáng ngợp trước núi non trên con đường lên miền đất phên giậu, địa đầu Tổ quốc này. Chẳng vậy mà trải suốt 17 cuộc trường chinh đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã từng tự hào với những trường lũy tự nhiên bao phen chặn bước quân thù với những địa danh nơi núi rừng hiểm trở như Quỷ Môn Quan, ải Chi Lăng... Trong thời kỳ chống Pháp xâm lược, núi rừng trùng điệp miền biên viễn cũng đã trở thành nơi nuôi dưỡng mạch suối nguồn cách mạng, là địa bàn mà Bác Hồ đã lựa chọn làm nơi khơi nguồn cho con đường cách mạng khi Người vừa đặt chân về nước tháng 2/1941 sau 30 năm bôn ba xứ người. Nơi núi rừng trùng điệp ấy cũng vẫn còn nguyên dấu chân 34 chiến sỹ trong đội tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo và cũng chính núi rừng đó còn nguyên âm vang tiếng súng, tiếng hô xung phong của những người con chân đất trong chiến thắng đầu tiên ở Phay Khắt, Nà Ngần hay ở vùng rừng núi Đông Khê, Thất Khê... Núi rừng ấy, nơi địa đầu Tổ quốc vẫn luôn xanh chồi non cỏ biếc và vẫn còn nguyên những chiến tích lẫy lừng gắn với từng tên núi, tên sông, gắn trong từng trang sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt từ thuở đầu dựng xây nền độc lập, tự chủ từ nghìn năm trước. “Không tự hào sao được với truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của cha ông thuở trước. Mỗi tấc đất đều thấm trộn máu xương của bao lớp người trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. ý thức rõ điều đó, với trách nhiệm của mình, CBCS bộ đội biên phòng Việt Nam nói chung và CBCS Biên phòng tỉnh Cao Bằng nói riêng đã luôn nêu cao ý thức cảnh giác, quyết bảo vệ trọn vẹn từng tấc đất quê hương nơi địa đầu Tổ quốc” - Đứng trước cột mốc chủ quyền quốc gia 836 tại thác Bản Giốc, thiếu tá Nông Văn Hòa, chính trị viên phó Đồn biên phòng Đàm Thủy (Trùng Khánh - Cao Bằng) xúc động nói.  

Dù gian khó, CBCS bộ đội biên phòng vẫn đêm ngày trên đường tuần tra.

Trên thực tế, điều đó cũng đã được minh chứng một cách rõ nét trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra từ ngày 17/2 cho đến ngày 18/3/1979 và những xung đột vũ trang nhỏ lẻ trên dọc tuyến biên giới còn tiếp diễn trong 10 năm sau đó cho đến tận năm 1989. Trong suốt chiều dài cuộc chiến, dẫu có nhiều gian khổ, hy sinh nhưng chưa khi nào những người con đất Việt chịu  lùi bước. Từng tấc đất cha ông để lại đã được gìn giữ trọn vẹn. Đồng thời, đã khẳng định rõ một điều dù cho máu xương có nhuộm đỏ những cánh rừng chiều, một tấc đất cũng phải giữ gìn. Kẻ nào liều lĩnh muốn thử thách lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam chắc chắn chúng sẽ phải trả giá đắt. Điều đó đã được lịch sử chứng minh trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ hàng nghìn năm qua. 

2 - Từ cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia 836 tại thác Bản Giốc, từ cột mốc chủ quyền 1116 biên giới quốc gia Hữu Nghị quan nhìn lại mới thấy công tác đấu tranh gìn giữ chủ quyền, biên giới quốc gia trên tuyến biên giới Việt - Trung khó khăn đến nhường nào. Thiếu tá Nông Văn Hòa, chính trị viên phó Đồn biên phòng Đàm Thủy cho biết: Tổng chiều dài toàn tuyến biên giới trên bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc  1.406 km. Dù vậy, theo hiệp ước về phân định biên giới do thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh ký kết năm 1887 đã phân định biên giới Việt - Trung một cách khá rõ nét với tổng số 333 cột mốc trên toàn tuyến. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố thăng trầm và để cho việc quản lý tuyến biên giới Việt - Trung một cách thống nhất, năm 1999, Chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc đã tổ chức ký kết Hiệp định phân định ranh giới quốc gia và tổ chức cắm 1.971 cột mốc, trong đó có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ. Tính ra số cột mốc được cắm mới nhiều gấp 6 lần số cột mốc được cắm theo Hiệp định Pháp - Thanh năm 1887. Việc tổ chức cắm với số lượng lớn cột mốc trên toàn tuyến biên giới theo Hiệp định phân định ranh giới quốc gia năm 1999 đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Theo đại úy Lương Tuấn Long, chính trị viên Đồn biên phòng Đàm Thủy, việc phân định, cắm mốc chủ quyền biên giới theo Hiệp định được ký năm 1999 đã cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Cột mốc 836 được đặt tại thác Bản Giốc (Cao Bằng) và cột mốc được đặt tại khu vực sông Bắc Luân (Quảng Ninh) là những cột mốc cuối cùng tuyến biên giới trên bộ được 2 bên tổ chức cắm xong vào năm 2009 sau những tranh cãi liên quan đến việc tranh chấp lãnh thổ mà phía Trung Quốc chiếm giữ, xâm phạm trong suốt những năm trước và sau chiến tranh biên giới 1979 và cả những năm sau này.  

Chủ quyền biên giới quốc gia trên bộ được giữ vững, ổn định. Tuy vậy,  theo thiếu tá Nông Văn Hòa, chính trị viên phó Đồn biên phòng Đàm Thủy, vấn đề bảo vệ an ninh trên tuyến biên giới Việt - Trung vẫn còn nhiều khó khăn. Phía đối diện vẫn thường có những hoạt động xâm lấn lãnh thổ, chống phá mình bằng mọi cách tại những điểm, nơi địa hình đồi núi phức tạp. Ví như việc xâm canh trồng hoa màu trên vùng đất giáp ranh. Khi bị nhân dân và lực lượng biên phòng phát hiện xua đuổi, họ lại rút về. Nhưng đến khi mình trồng hoa màu trên đất của mình, phía bên kia thường có hành động cải trang thành dân đi phá hoa màu của mình... Trước mắt, dù còn đứng trước nhiều khó khăn, gian khổ và thiếu thốn nhưng mỗi người lính mang quân hàm xanh trên vùng đất biên cương vẫn luôn kiên định với mục tiêu bảo vệ vững chắc an ninh biên giới. Kiên quyết đấu tranh chống lại các hoạt động xâm lấn, hành vi phá hoại chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Dẫu vậy, theo thiếu tá Nông Văn Hòa, cái khó nhất, sợ nhất trong bảo vệ an ninh biên giới đó là lòng dân không thuận. Nhưng với nhân dân sống dọc biên giới, điều đó chưa từng xảy ra. An ninh biên giới được đảm bảo, vành đai an toàn khu vực biên giới đã được giữ vững từ lòng dân. Chính những người dân đã trở thành lực lượng tiên phong trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Kịp thời, chủ động phát hiện những hoạt động vi phạm chủ quyền đất nước từ phía bên kia biên giới.  

Có lên biên giới, có đi tuần tra cùng những người lính biên phòng và có sống với người dân  mới thấy tình yêu biên giới thật cao cả và thiêng liêng. Theo thiếu tá Nông Văn Hòa, từ việc đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nhận thức về chủ quyền quốc gia, bảo vệ mốc quốc giới của người dân đã từng bước được nâng cao. Từ đó người dân đã tích cực, nhiệt tình tham gia phối hợp cùng với BĐBP tổ chức đấu tranh chống lấn chiếm đất đai, tuần tra phát quang đường tuần tra. Phát hiện và báo cáo kịp thời các vụ vi phạm chủ quyền của nước láng giềng. Đại úy Lương Tuấn Long, chính trị viên Đồn biên phòng Đàm Thủy cho biết thêm: Tính từ năm 2007 đến nay, quần chúng nhân dân ở địa bàn biên giới do Đồn biên phòng Đàm Thủy phụ trách đã chủ động cung cấp hàng trăm nguồn tin có liên quan đến chủ quyền biên giới quốc gia; phối hợp cùng với lực lượng BĐBP tổ chức hàng chục lần tuần tra biên giới với hàng trăm lượt người tham gia. Đặc biệt, quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia đấu tranh trực diện trên thực địa biên giới khi có các hoạt động vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc...  

Trở về từ vùng đất biên cương, không còn cảm giác hoang hoải và xa ngái. Biên cương vời vợi xa nhưng lại rất gần bởi tình yêu từng ngọn núi, dòng sông, bản, làng đông vui, trù phú là cả một trời quê hương mến thương với những cánh đồng lúa bát ngát xanh hòa theo gió. Nhớ mãi không thôi! Nơi đầu mây, đầu gió quê hương miền biên giới; nhớ mãi thôi, những bóng người trên lưng ngựa ghìm cương bên suối, đường tuần tra... 

 

                                                               Mạnh Hùng

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục