Ông Sản xem lại cuốn nhật ký chiến trường để chuẩn bị cho bài nói chuyện về truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông Sản xem lại cuốn nhật ký chiến trường để chuẩn bị cho bài nói chuyện về truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam.

(HBĐT) - Trực tiếp tham gia bắn rơi 4 máy bay Mỹ, 2 lần được tặng huy hiệu Dũng sĩ bắn may bay. Trân trọng mang theo những ký ức chiến đấu anh hùng trở về đời thường, 34 năm qua, ông đã có hơn 60 lần đi nói chuyện giáo dục truyền thống cách mạng cho hàng vạn thế hệ học sinh ở 26 trường trên địa bàn thành phố Hoà Bình. Bước sang tuổi 66 với những vết thương chiến tranh vẫn nhói buốt khi trở trời nhưng lửa cách mạng trong ông chưa bao giờ nguội tắt. Hàng ngày, hàng giờ, ông vẫn luôn mong muốn tiếp ngọn lửa truyền thống ấy cho thế hệ trẻ qua những bài nói chuyện đầy tâm huyết của mình. ông là CCB Tạ Duy Sản (tổ 1B, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình).

 

Dũng sĩ bắn máy báy và ký ức chiến trường  

Nhập ngũ tháng 1/1966, đến tháng 7/1966, tân binh Tạ Duy Sản đã được thử lửa ở chiến trường Quảng Trị. Cùng đồng đội vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn; dũng cảm, tích cực, sáng tạo trong chiến đấu, năm 1968, ông Sản đã bắn rơi được chiếc máy bay đầu tiên trong đời lính của mình. Ký ức vẹn nguyên được ông hồi tưởng lại: “Đó là vào 3 ngày 15, 16, 17/7/1968, lúc này, tôi là trung đội trưởng Trung đội 2, đại đội 5, tiểu đoàn 75, mặt trận B5 (Đường 9) được giao chốt ở cao điểm 710 thuộc vành ngoài Khe Sanh. Bằng súng máy 12 ly 7, trung đội tôi đã bắn rơi 7 chiếc máy bay vận tải CH47, trong đó, tôi trực tiếp bắn rơi 1 cái. Chiến công vang dội này là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với toàn trung đội cũng như cá nhân tôi. Đồng chí Lê Quang Cảnh,  Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 75 lúc bấy giờ đã sáng tác một bài thơ dành tặng trung đội, trong đó có đoạn:  

Chiến ca sóng dậy Ba Lòng  

Khen chàng giải phóng phòng không bắn tài  

3 ngày rơi 7 máy bay 

Bắn rơi tại chỗ lăn quay giữa đồi  

Ai qua đỉnh 710  

Xem anh giải phóng đang cười với hoa..  

Chiến công nối tiếp chiến công, vào lúc 6h30 phút ngày 1/4/1970, tại căn cứ Đắc Siêng (Kon Tum), ông Sản đã bắn rơi chiếc máy bay trực thăng HU1A góp phần cắt đứt nguồn tiếp lương của địch. Ngày 27/3/1972, tại cao điểm 902 (Kon Tum), ông tiếp tục bắn rơi một chiếc HU1A của địch.  

Ngày 3/5/1972, lúc này, Trung đội ông Sản đang được giao chốt ở Ngọc Quăn (cao điểm 751) cách thị xã Kon Tum 6 km về phía tây bắc thì có 5 chiếc máy bay của địch quần đảo trên bầu trời; trong đó có 2 chiếc máy bay trinh sát OH6A,  3 chiếc trực thăng vũ trang AH1G. Phát hiện thấy mục tiêu là máy bay trinh sát OH6A đang trinh sát ở tầm thấp, ông Sản đã dùng súng tiểu liên AK bắn rơi. Qua chiến công này, ông Sản đã được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba và Huy hiệu “Dũng sĩ bắn máy bay”.  

Thừa thắng xông lên, ông cũng đơn vị dần tiến đánh vào Nam và tiến thẳng về Sài Gòn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và dinh Bộ tổng tham mưu ngụy. Nhận lệnh, sáng ngày 30/4/1975, đơn vị ông vượt cầu Bống bắc qua sông Sài Gòn. Tuy nhiên, mới cơ động được 2 xe tăng qua thì cầu sập nên lực lượng công binh phải nhanh chóng khắc phục bằng cách bắc cầu phao để bộ đội vượt sông. Đến khoảng 10h trưa, đơn vị của ông tiến đến đường Võ Tánh và Lăng Cha Cả. Tại đây, địch chống trả quyết liệt bằng xe tăng M41 để cản đường. Khi đó, ông đã lệnh cho chiến sỹ dùng súng máy 12 ly 7 tiêu diệt hoả điểm của địch yểm trợ cho bộ binh và tiêu diệt các hoả điểm của địch trên các nóc nhà cao tầng. Với thế lực tiến đánh như chẻ tre, hơn 11h trưa, Trung đoàn của ông đã cắm được cờ trên nóc dinh Bộ tổng tham mưu ngụy. Vừa lúc đó, nhận được thông báo là quân ta đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.  

Hành trình tiếp lửa truyền thống  

Đất nước giải phóng, trở về địa phương, ông chuyển ngành tham gia công tác tại Ban quản lý dự án công trình thuỷ điện Hoà Bình. Ba năm sau, với chất lính luôn nung nấu trong tim, ông tái ngũ và tham gia công tác tại Ban CHQS thị xã Hoà Bình (nay là Ban CHQS thành phố Hoà Bình) với vai trò là trợ lý chính trị viên. Trò chuyện với chúng tôi, ông nhớ lại: “Vào dịp 22/12/1979, Ban giám hiệu trường THPT Công Nghiệp đề nghị phối hợp với Ban CHQS thị xã Hoà Bình tổ chức buổi nói chuyện, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạnh nói chung, lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng cho học sinh toàn trường. Tôi đã được phân công nhiệm vụ vinh dự này. Ngoài nguồn tư liệu quan trọng, quý giá là thực tế 9 năm tham gia chiến đấu, tôi còn được các đồng chí ở Tổng cục Chính trị cung cấp cho các tư liệu chính thống, chính xác về quân đội nhân dân Việt Nam. Buổi nói chuyện đầu tiên của tôi tại trường THPT Công Nghiệp diễn ra trong khoảng gần 2 tiếng đồng hồ. Hàng trăm học sinh và giáo viên nhà trường ngồi im phăng phắc lắng nghe. Điều đó khiến tôi thực sự xúc động, tự hào khi bản thân mình được là một người lính của quân đội nhân dân Việt Nam. ấn tượng về buổi nói chuyện đầu tiên này là nguồn động viên cho tôi cảm hứng để sau đó tiếp tục tham gia nói chuyện về truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam tại các trường khác”.  

Để chuẩn bị cho bài nói chuyện của mình, ông Sản đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cẩn thận và khoa học. Để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhập tâm, bài nói chuyện của ông được chia thành các phần rõ ràng. Phần thứ nhất có tựa đề dễ hiểu là “Sinh ra và lớn lên” với nội dung là quá trình hình thành quân đội nhân dân Việt Nam từ các đội du kích. Phần thứ hai là “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, gắn bó máu thịt với nhân dân được ông truyền đạt sinh động qua câu chuyện về các tấm gương anh hùng như Phạm Minh Đức, Trần Hanh... Phần thứ ba là về các chiến dịch lớn của quân đội nhân dân Việt Nam, tiêu biểu như chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Bố cục bài nói chuyện khoa học cùng những tư liệu chiến trường thực tế làm cho bài nói chuyện của ông Sản trở nên sinh động, cuốn hút, đặc biệt rất dễ nhớ, dễ hiểu. Qua những bài nói chuyện của ông, lịch sử được tái hiện sinh động như những thước phim quay chậm trước mắt các em học sinh. Từ đó củng cố thêm kiến thức lịch sử cũng như khơi dậy trong mỗi em niềm tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông, lòng tự hào dân tộc, động viên khích lệ các em có thái độ sống tích cực, phấn đấu học tập và rèn luyện tốt hơn.  

Năm nay bước sang tuổi 66 nhưng ông Sản đã có 45 năm tuổi Đảng và 34 năm đi nói chuyện giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhìn lại chặng đường tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ mà ông đã đi qua, ông Sản tâm sự: “Qua các buổi nói chuyện, tôi thấy học sinh chú ý lắng nghe. Nhiều em còn chủ động đặt câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề liên quan đến lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam cũng như các tình huống thực tế chiến đấu ở chiến trường. Điều này cho thấy các em quan tâm về lịch sử đất nước và việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống là cần thiết. Do đó, tuy tuổi đã cao nhưng còn sức lực thì tôi vẫn tiếp tục cố gắng truyền đạt được nhiều hơn nữa kiến thức về truyền thống anh hùng của cha ông cho thế hệ trẻ. Hiện nay, tôi đang có một mong muốn là xây dựng đội ngũ báo cáo viên kế cận là các CCB trẻ để việc tuyên truyền được tiếp tục và sâu rộng hơn.  

Vững niềm tin bước tiếp trên con đường tiếp lửa truyền thống, chia tay chúng tôi, ông Sản lại chăm chú xem lại cuốn nhật ký chiến trường, chuẩn bị cho bài nói chuyện tại trường THCS Lê Quý Đôn, THCS Hữu Nghị và THCS Cù Chính Lan vào dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2013).

 

                                                     Dương Liễu

 

Các tin khác


Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Đại úy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy với công việc

Năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy trong công tác chuyên môn và công tác đoàn, đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Thành Nam, cán bộ Công an xã, Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Cao Dương (Lương Sơn).

Gặp Nghệ nhân Ưu tú tâm huyết sưu tầm, phục dựng và bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhiều lần gặp anh trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện và ở khu dân cư Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với vai trò biên đạo các tiết mục văn nghệ. Gần đây nhất, anh trực tiếp biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024, xã Phú Nghĩa... Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn luôn để lại cho chúng tôi ấn tượng về một nghệ sỹ vui vẻ, tâm huyết, tài năng, có nhiều đóng góp trong sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Gương sáng phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện ở xã Yên Trị

Không chỉ điển hình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) còn được biết đến là người năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện.

Phó Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

Những năm gần đây, với phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, xã Tân Thành (Mai Châu) đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó, Phó Bí thư chi đoàn xóm Chiêng Lường Văn Hân là tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục