(HBĐT) - Qua đường dây nóng, người dân xã Phú Cường (Tân Lạc) phản ánh việc hàng ngày phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống. Phóng viên Báo Hòa Bình đã về Phú Cường tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế.


Không có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hàng ngày, gia đình anh Bùi Văn Hải ở xóm Bai Vìn, xã Phú Cường (Tân Lạc) phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo.

Phú Cường là xã vùng thượng của huyện Tân Lạc. Toàn xã hiện có hơn 1.500 hộ với gần 7.500 nhân khẩu, sinh sống ở 11 khu dân cư. Tuy vậy, hầu hết các hộ dân của xã đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh trầm trọng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: Dù dân cư đông nhưng hiện tại trên địa bàn xã chưa có một công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tập trung đủ tiêu chuẩn được xây dựng. Nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân chủ yếu được lấy từ khe núi, chảy qua nhiều nơi khác nhau. Vài năm trở lại đây, nguồn nước ngày một ô nhiễm. Do nước thải trong quá trình sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất của người dân không được thu gom, xử lý. Cá biệt, nhiều người dân làm nương rẫy, sử dụng các loạt thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có trường hợp sử dụng cả thuốc diệt cỏ trong quá trình sản xuất nông nghiệp đã dẫn đến việc đầu nguồn nước có dấu hiệu bị ô nhiễm.

"Biết rằng sử dụng nguồn nước tự chảy như hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, nhưng không lấy thì không có nước sinh hoạt” - ông Hà Văn Phượng ở xóm Vó trăn trở. Lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình, khi phát hiện nước có màu, mùi lạ, "nhiều người dân đã phản ánh và cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã có ý kiến đến cơ quan chức năng. Sau đó, cũng có nhiều đoàn, đơn vị chức năng đến nghiên cứu, khảo sát lấy mẫu nước đi kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án xử lý. Dù không yên tâm nhưng người dân không có lựa chọn nào khác, vẫn phải dùng nước có mùi để sinh hoạt” - đồng chí Bùi Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.

Quan sát mó nước (hố nước) chỉ rộng khoảng 2 m2 ở phía trên khu rừng Khụ Vó, chúng tôi thấy có nhiều ống nước được cắm chằng chịt như mạng nhện, đầu lọc có gắn chai nước bằng nhựa đục lỗ để chắn rác, cỏ. Anh Bùi Văn Thường, xóm Bai Vìn cho hay: Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Do không được xây dựng, quây chắn, chỉ là một mó nước lộ thiên nên khi trời mưa nước đục ngầu, toàn bùn đất lẫn với cỏ rác. Sử dụng nguồn nước này nhiều khi chúng tôi thấy có cả mùi tanh và các mùi khác lạ... Nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm là hiển hiện. Dù vậy, không còn nguồn nước nào khác để thay thế nên người dân phải chấp nhận sử dụng. Không chỉ vậy, do là vùng núi cao, chủ yếu là núi đá vôi, các nguồn sinh thủy ở địa phương cũng rất ít nên việc lấy nước về để sử dụng cũng là một vấn đề gây nhiều khó khăn cho các hộ dân. Nhiều hộ phải đầu tư ống dài 2 - 3 km dẫn nước về nhà để dùng. Chưa kể, hàng ngày phải cắt cử thay phiên nhau đi kiểm tra các ống nước vì bị tắc, đứt.

Phương án đào, khoan giếng cũng đã được người dân tính đến nhưng theo anh Bùi Văn Hải, xóm Bai Vìn, do mạch nước ngầm khan hiếm nên việc đào giếng không khả thi, bởi địa chất nơi đây đa phần là đất đồi, đất đá, đào được giếng cũng dễ bị vùi lấp do lở đất, đá lấp giếng. Trường hợp thuê máy móc về khoan giếng thì người dân không đủ kinh phí. Trước tình trạng thiếu nước đảm bảo hợp vệ sinh hiện nay, theo bác sỹ Đặng Duy Long, Trạm trưởng Trạm y tế xã Phú Cường, vì phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo nên nhiều loại bệnh tật đang có nguy cơ phát sinh ở Phú Cường. Thực tế hiện nay, các bệnh cấp tính trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều như tiêu chảy, lỵ, tả, đau mắt... Về lâu dài, nếu người dân tiếp tục dùng nguồn nước này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Đồng chí Bùi Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Trước đây, xã cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt theo Chương trình 134, 135. Nhưng qua nhiều năm sử dụng và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên hầu như đã hư hỏng hoàn toàn. Đến nay, các công trình này không đảm bảo cung cấp được nguồn nước cho người dân. Trước thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh như hiện nay, chính quyền xã đang chờ thông báo kết quả chất lượng các mẫu nước của các cơ quan chức năng. Căn cứ vào kết quả, chính quyền địa phương sẽ thông báo công khai đến bà con nhân dân. Nếu trường hợp nguồn nước ở đây bị ô nhiễm, UBND xã sẽ kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Còn trước mắt, UBND xã tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân xây bể lọc hoặc mua nước bình sử dụng, nhưng đời sống người dân còn khó khăn nên việc này rất khó. Do đó, người dân và chính quyền địa phương mong muốn các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.

Mạnh Hùng


Các tin khác


Kiểm tra 765 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp

(HBĐT) - Năm 2019, tỉnh ta đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản. Đi đôi với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng đã chú trọng kiểm tra chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản.

Dự báo thời tiết 17/12, miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh tăng cường

Từ nay tới ngày 18/12, Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, trưa chiều trời nắng. Đến khoảng ngày 19 và 20/12, không khí lạnh tràn về, Bắc Bộ mưa rào, trời chuyển rét.

Điện lực Cao Phong tri ân khách hàng xã Thung Nai và Xuân Phong

(HBĐT) - Ngày 16/12, Điện lực Cao Phong đã tổ chức chương trình Tri ân khách hàng năm 2019 tại 2 xã Thung Nai và Xuân Phong. Đây là 2 xã đặc biệt khó khăn được ngành điện nhận giúp đỡ trong những năm gần đây. Nhân Tháng tri ân khách hàng, Điện lực Cao Phong đã dành tặng 20 bộ ghế đá, mỗi xã 10 bộ ghế đá để đặt tại các điểm giao dịch khách hàng sử dụng điện.

Hội nghị chống biến đổi khí hậu: Trắng đêm đàm phán rồi... về tay không

Sau gần hai tuần tụ tập thương lượng chán chê ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, Hội nghị khí hậu COP25 bị xem là một thất bại bởi không ghi nhận được đột phá nào đáng kể trong việc giảm mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Hiệu quả mô hình “Thắp sáng đường quê” tại xã Bắc Phong

(HBĐT) - "Từ khi triển khai mô hình "Thắp sáng đường quê”, các ngõ, ngách trong xóm được thắp sáng đã làm thay đổi rõ nét đời sống, sinh hoạt thường ngày của nhân dân. Với đèn đường chiếu sáng, buổi tối trẻ em vui chơi, nô đùa, nhân dân đi lại thuận tiện và an toàn hơn. Công trình không chỉ giúp đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng tội phạm, tăng cường an ninh tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại” - ông Vũ Quốc Sự, Trưởng xóm Hải Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong) chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chế độ cho người lao động

(HBĐT) - Việt triển khai thực hiện và ứng dụng phần mềm BHXH cho của đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn huyện huyện Kim Bôi đã tạo ra sự tiện ích cho các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, giảm được công đi lại, chi phí giấy tờ, thủ tục hành chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục