Cho dù dày công lựa chọn miếng thịt ngon, con cá tươi cùng các thứ thực phẩm chín khác… một cách "sành điệu" và kỹ càng, song nếu bỏ qua sự quan tâm tới bao bì bọc, gói, chứa các thứ trên sẽ khiến chúng ta phải trả một cái giá thậm chí không nhỏ.

 

Biết giải nghĩa con số…

Bao bì được sử dụng trong ngành thực phẩm phải tuân thủ các quy định nhiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm cho dù chúng được làm từ vật liệu gì. Chúng ta hiện đang sống trong "thời đại đồ nhựa" vì loại vật liệu này có thể thay thế cho bất cứ đồ vật thông dụng nào được sử dụng hằng ngày mà trước đây được sản xuất từ tre, nứa, sành, sứ, thủy tinh, sắt tráng men… với giá rất rẻ, trọng lượng nhẹ và đặc biệt vô cùng bắt mắt bởi màu sắc từ phong phú cho tới lung linh kỳ ảo đến độ "đột tử" bởi tính tự phát sáng của hóa chất tối độc chứa trong nó.

Để có một bao bì thực phẩm, nguyên liệu đầu vào (nhựa, chất phụ gia, chất màu…) phải có độ tinh khiết đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do các cơ quan chức năng quy định và được sản xuất trên một dây chuyền công nghệ đặc biệt nhằm đảm bảo sản phẩm được sử dụng để bao gói thực phẩm tuyệt đối không được gây độc cho thực phẩm, không làm cho thực phẩm biến đổi chất lượng, không tạo mùi vị, màu sắc lạ cho thực phẩm và có độ bền xác định đối với thực phẩm chứa trong đó.

Trước đây, người ta thường dùng nhựa MF (melamine) có tính bền nhiệt, độ cứng cao, bóng đẹp và dễ pha màu làm nguyên liệu để sản xuất đồ gia dụng chứa thực phẩm. Nhưng giá thành của nguyên liệu nhựa này khá cao. Vì thế, nhiều nhà sản xuất đã thay thế bằng nhựa UF (ureformaldehyd), PE (polyetylen), PP (polypropylen) và PVC (polyvinylclorit)…

Tuy vậy qua một thời gian sử dụng, các chuyên gia thuộc Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phát hiện ra sữa chứa trong bao bì làm từ nhựa MF có thể bị nhiễm melamine, Bisphenol-A - một thành phần được dùng để làm cứng các loại bao bì cho nhiều loại thực phẩm và đồ uống có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của loài người.

Còn Hội đồng châu Âu đã cấm bán các loại đồ chơi dùng nhựa PVC cho trẻ ở độ tuổi mọc răng bởi khi bé ngậm phải những đồ chơi này thì rất nguy hiểm do các hóa chất làm dẻo DOP có khả năng gây ra các bệnh liên quan đến ung thư và gan. Vì vậy tại các nước trên, PVC hiện nay chỉ còn được sử dụng làm bao bì công nghiệp và PET (polyetylene terephtalate) được chỉ định làm nguyên liệu để sản xuất bao bì thực phẩm.

Nguyên liệu từ hạt chất dẻo đến phụ gia, chất hóa dẻo và có thể có cả chất màu để làm bao bì thực phẩm có giá thành khá cao để đảm bảo các quy định về vệ sinh ATTP. Chính vì vậy, giá của bao bì thực phẩm được tính gộp vào giá thành sản thẩm không chỉ bởi nó là phương tiện bảo vệ mà còn phản ánh toàn bộ hồ sơ, lý lịch về thực phẩm chứa bên trong nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng lựa chọn và sử dụng. Đọc kỹ chữ và số trên bao bì, khách hàng được cung cấp các thông tin cực kỳ quan trọng.

Đó là: Thời hạn sử dụng; trọng lượng tịnh; thành phần sản phẩm bao gồm sản phẩm chính và các chất phụ gia - hương liệu - chất bảo quản…; giá trị dinh dưỡng như phần trăm lượng đạm (protein), béo (lipid), đường (carbohydrate) và các chất vi lượng như các loại vitamin, khoáng chất; chỉ số năng lượng (calo) trên một đơn vị khối lượng hay thể tích do sản phẩm cung cấp; đối tượng được sử dụng một cách tốt nhất; cách thức sử dụng và chế biến…

Cận cảnh xưởng chế tác phế liệu ni lông ở Nghĩa Đô- Hà Nội.

Rõ ràng, chỉ cần mất ít phút đọc các thông tin trên ta có thể tiết kiệm được tiền của, thời gian chế biến, phương thức sử dụng tối ưu cho từng đối tượng để xứng với đồng tiền vì nó mà ta chi tiêu một cách hợp lý nhất. Nếu trên bao bì ghi: Cấm đun nóng trên 180 độ C.

Nghĩa là có lý do: Khi đun nóng trên 180 độ C sẽ khiến dầu thực vật biến chất và sinh ra các chất độc hại - các chất axit béo có trong dầu thực vật sẽ bị biến đổi tính chất nên khi đưa vào cơ thể có khả năng làm rối loạn cấu trúc tế bào gây nên đột biến gen. Mặt khác, chúng có thể tạo ra các amin sinh vật không mong đợi nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng, ung thư gan, phổi, vú. Ngoài ra chúng còn có nguy cơ làm giảm miễn dịch của cơ thể do làm dư thừa lipid...

Trên bao bì còn ghi tỉ lệ axit béo không no omega-3 và omega-6 và thường thì tỷ lệ trên nằm ở mức 4:1. Vì nếu tỉ lệ này bị phá vỡ với omega-6 nhiều hơn sẽ khiến cho cơ thể không tiêu hóa hết và được tích lại làm tăng nguy cơ ung thư vú, đại tràng, xơ vữa động mạch, tuyến tiền liệt. Hơn thế nữa trên bao bì còn khuyến cáo nên ăn bao nhiêu dầu thực vật thì tốt. Vì các theo thống kê, sử dụng 100% dầu thực vật cũng không tốt.

Với người khỏe mạnh bình thường nên dùng cả hai loại dầu thực vật mà mỡ động vật. Trẻ em được khuyến cáo nên ăn theo tỉ lệ 50 - 50. Còn với người béo phì có lượng cholestorol, mỡ máu cao dễ gây nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường… thì chỉ nên dùng dầu thực vật nhiều hơn hoặc phần lớn song không phải hoàn toàn để giảm lượng chất béo động vật đưa vào cơ thể.

Từ "bức tử" thực phẩm đến gây bệnh cho người

Hiện nay nguy cơ vi phạm VSATTP trong sản xuất và sử dụng bao bì ở rất nhiều nước cũng như ở Việt Nam là rất nghiêm trọng, đặc biệt ở cơ sở gia công túi ni lông tư nhân và cách thức sử dụng chúng tại các khu "chợ nhân dân".

Theo quy chuẩn, vật liệu để sản xuất túi ni lông được làm từ nhựa PET nên hoàn toàn đảm bảo VSATTP. Khi gia công thành túi, người ta thường cho các chất phụ gia thêm vào để túi ni lông được mềm, dẻo, dai nên chúng chỉ an toàn sử dụng khi nhiệt độ bảo quản bình thường. Nếu các loại thực phẩm đựng trong túi ở khoảng  70-80 độ C sẽ "bức tử" chất lượng sản phẩm vì dưới tác dụng của nhiệt độ cao, các chất phụ gia sẽ tự tách ra khỏi "mạng ni lông", phát tán ra và thâm nhập vào thực phẩm khiến cho khó lường hết hậu quả xảy ra.

Còn khi tham quan các cơ sở tư nhân gia công túi ni lông ở Hà Nội, TP HCM và rất nhiều nơi khác đều có một nhận định rằng: Các cơ sở trên xuất hiện đã tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người và tiết kiệm cho xã hội của cải vì có công tái chế lại các sản phẩm đã được sử dụng.

Tại đây, họ sử dụng phế liệu thập cẩm của tứ phương đựng một nghìn lẻ một thứ từ rác nhà cho tới bệnh viện do các "vệ tinh đồng nát" thu gom để làm nguyên liệu sản xuất. Do không có dây chuyền sản xuất với vốn đầu tư lớn, nên phế liệu hầu như không qua các công đoạn phân loại, làm sạch, khử trùng… mà cho ngay vào máy nghiền - cắt, sau đó gia thêm các chất màu công nghiệp chứa các kim loại như chì, cadimi, crôm, đồng, sắt, bột đá, silíc… toàn là những chất gây hại cho bộ não và là nguyên nhân chính gây bệnh "tứ chứng nan y" nếu dùng đựng thực phẩm - rồi cho nóng chảy và kéo thành cuộn có các màu sắc khác nhau.

Sau khi xuất xưởng, từ các cuộn ni lông đó người ta chế tác ra các loại túi có kích thước khác nhau với gam màu từ trắng đục đến đen kịt (phụ thuộc vào độ bẩn của vật liệu thu gom) và tung ra thị trường với giá rẻ hơn "bèo". Theo quy định, các sản phẩm tái chế từ nhựa đã sử dụng là sản phẩm thứ cấp, chỉ được xem là bao bì công nghiệp và nhất quyết không sử dụng để bao gói thực phẩm.

Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng và cả người cung cấp đã lạm dụng một cách "dễ sợ" do người đi mua hàng hầu như không trả phí cho bao bì này mà thậm chí được cho không, biếu không để đựng tỷ thứ hàng hóa từ thực phẩm tươi đến nấu chín.

Cho dù khách hàng có kỳ công chọn lựa mặt hàng, nhất là thực phẩm nấu chín, nhưng vô ý chứa chúng trong các bao bì kiểu này thì hóa chất độc hại, kim loại nặng từ bột màu, vi khuẩn chứa mầm bệnh của túi rác… sẽ khiến cho hàng hóa có trong đó thành "trái bom nổ chậm" cho sức khỏe của toàn gia đình.

Mỗi lần sử dụng xong, do không mất tiền mua, nên người ta sẵn sàng vứt ra đường và chúng lại rơi vào tay người thu gom để quay vòng tái chế. Các túi ni lông "quá đát" không tái sử dụng được bị phơi nắng, phơi mưa ngoài bãi rác, cống rãnh, sông, lạch… chờ hàng thập kỷ để tự phân hủy tạo ra những mảnh nhỏ li ti.

Bởi những chiếc túi đó dùng một loại vật liệu cấu tạo từ các mạch dài polyme được đính với những phân tử hữu cơ vào giữa để kết nối các đoạn với nhau. Nên dưới tác động của thời gian, ánh sáng môi trường và vi sinh vật, chỉ những đoạn phân tử hữu cơ là bị phân hủy sinh học khiến cho kết cấu mảnh ni lông lớn bị vỡ vụn ra. Những mảnh vụn này vẫn giữ nguyên tác hại đối với môi trường và có thể gây ngộ độc cho người và súc vật nếu vô tình ăn phải. Còn nếu đốt thì kết quả cũng không khá hơn vì nhiệt sẽ khiến hai thành phần của túi ni lông là PE và PP chuyển hóa thành khí cacbonnic, mê tan và khí dioxin cực độc cho sức khỏe muôn loài.

Tại các nước công nghiệp phát triển ngày càng ứng dụng công nghệ tin học để cho ra các bao bì thông minh có gắn các con chip điện tử cung cấp thông tin và kiểm soát "tình hình" sử dụng sản phẩm nhằm tiết kiệm thời gian, tiền bạc tối đa, song lại nâng cao hiệu quả sử dụng hơn nữa sản phẩm cho người tiêu dùng.

Hơn thế nữa, bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ trước, người ta đã nghiên cứu chế tạo ra các bao bì từ tinh bột có thể tự phân hủy hoàn toàn dưới sự tác động của vi sinh vật để tạo ra khí và nước (CO2, H2O) sau thời gian 3 tháng và từ đó tới nay sản phẩm bao bì này đã trở thành tiêu chí đánh giá sự thông thái của người tiêu dùng trên thế giới. Chúng được gọi là bao bì là sinh học có giá thành khá cao.

"Việt Nam đất nước tôi xanh xanh lũy tre" với "các bà, các mẹ, các chị, các em tôi" có bàn tay vàng làm ra các sản phẩm tiêu dùng từ nguyên liệu thiên nhiên vô cùng phong phú ở trong nước. Các sản phẩm trên do các làng nghề sản xuất đã được đưa đi xuất khẩu khắp nơi trên thế giới.

Hiện nay, Nhà nước ta đang phát động phong trào "Người Việt dùng hàng người Việt", vậy nên hình ảnh về một người nội trợ nghiêng nghiêng chiếc nón lá bài thơ trên đầu và trong tay đong đưa một chiếc làn mây tre đi chợ "Cầu Đông" có chứa cả chiếc bánh đa vừng, không chỉ biểu hiện của lòng yêu nước mà góp phần tạo công ăn việc làm cho biết bao nhân công nhàn rỗi ở nông thôn hoặc thành thị.

Hơn thế nữa có thể giúp cho rất nhiều người bị khuyết tật có thu nhập để đảm bảo cuộc sống tối thiểu mà không cần quỹ từ thiện của xã hội. Một việc làm chứa bao nghĩa cử cao đẹp trong "thời đại đồ nhựa" này quả là sưởi ấm lòng người tiêu dùng lẫn người sản xuất.

Để minh họa có thể tham khảo một ví dụ về thông tin in trên nhãn một chai dầu thực vật được bày trong siêu thị ở Mỹ: Hiện nay xu thế sử dụng dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật đã trở nên rất phổ biến trên thế giới vì khoa học đã chứng minh rằng dầu thực vật có chứa các chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là các axit béo không no omega-3 và omega-6  và như vậy nó tốt hơn hẳn các axit béo no có trong mỡ động vật. Nhưng nếu không biết cách thức sử dụng một cách khoa học thì tác hại của nó đối với sức khỏe là "không thể đo đếm" được.

 

                                                                             Theo Bao CAND

Các tin khác


Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục