(HBĐT) - Vài vụ mía tím gần đây, người trồng mía tím trên địa bàn tỉnh đã phải chịu những mùa mía “đắng”. Năm nay, nông dân trồng mía đón niềm vui được giá. Hiện tại, mía tím đang sốt, gần như cháy hàng. Thương lái vất vả trong việc tìm mua với giá mía tím bán tại vườn lên tới 8.000 đồng/cây, cao gấp 3 lần so với năm 2015.

 

Sụt giảm mạnh diện tích mía tím

 

 Còn nhớ vụ mía tím năm 2015, người dân trồng mía tại các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi… phải chịu thua lỗ nặng. Một số hộ trắng tay vì giá mía quá rẻ, chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/ cây, thậm chí có lúc xuống tới 1.500 đồng/ cây mà vẫn không có người mua. Người dân ngồi cả ngày tại chợ mía Vụ Bản, Hàng Trạm, Cúc Phương hoặc dọc tuyến  quốc lộ 6 vẫn không bán được vài ba bó mía để thu hồi vốn. Tiền bán mía không đủ thuê thợ dọn vườn là hoàn cảnh chung của rất nhiều hộ trồng mía. Đâu đâu cũng thấy hình ảnh người dân dọn vườn, mang những cây mía to chất đầy đầu bờ mà xót xa. Không thu hồi được vốn đầu tư do giá mía xuống quá thấp, bán muộn hay không bán được mía đã làm ảnh hưởng đến vụ mía tiếp theo. Nhiều hộ không kịp trồng đúng thời vụ hoặc chán nản, lo lắng sợ tái diễn tình trạng mía tím không bán được nên không còn thiết tha với cây mía tím chuyển sang trồng những loại cây khác.

 

Nông dân xã Nam Phong (Cao Phong) chăm sóc mía tím chuẩn bị cho thu hoạch.

 

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, năm 2016, tổng diện tích trồng mía tím toàn tỉnh chỉ còn khoảng hơn 2.000 ha, giảm hơn 50% so với năm 2015. Tại huyện Tân Lạc, một trong những vựa mía lớn của tỉnh diện tích trồng mía tím năm nay chỉ đạt 900 ha, diện tích năm 2015 là 1.466,6 ha.

 

Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc cho biết: Năm 2016, diện tích mía tím trên địa bàn huyện sụt giảm mạnh bởi nhiều lí do. Trước tiên là do giá mía năm 2015 quá thấp, người dân bị thiệt hại nặng về kinh tế. Ngoài ra, gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả như trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh, cam, chanh đào…cho hiệu quả kinh tế 700 – 800 triệu đồng/ha. Do đó, người dân đã chuyển diện tích trồng mía tím sang trồng các loại rau màu hoặc trồng cây ăn quả khiến cho diện tích trồng mía tím sụt giảm mạnh.

 

Thực tế ở Tân Lạc cũng là thực tế chung tại các địa phương khác. Người dân các huyện: Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thuỷ đã mạnh dạn đầu tư chuyển diện tích trồng mía sang trồng rau, màu ngắn ngày hoặc trồng cam, bưởi, nhãn, thanh long….

 

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho cây mía phát triển, trong khi UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cây trồng có múi, nên người dân không còn mặn mà với cây mía.

 

“Sốt” giá mía tím

 

Diện tích sụt giảm trong khi nhu cầu thị trường lớn đã làm nên cơn “sốt” mía tím. Chị Nguyễn Thị Thoa, một thương lái có thâm niên cho biết: Chưa năm nào tôi mua mía tím khó như năm nay. Diện tích giảm, số lượng mía ít nên người dân đòi giá cao. Đầu mùa cây to, cao, gióng dài giá dao động từ 5.000 -6.000 đồng/ cây. Hiện tại, giá mía tại vườn tăng cao. Chúng tôi phải tranh giành để mua được mía. Nhiều vườn tôi đã đặt tiền chưa kịp chặt nhưng người khác vào hỏi mua với giá cao hơn chủ vườn sẵn sàng đánh tháo, trả lại tiền thương lái đặt cọc. Những vườn mía đẹp, chúng tôi đã đặt tiền để bán dịp Tết đều có giá khoảng 8.000 đồng/cây. Hiện nay, để tìm mua được những vườn mía ưng ý rất khó khăn.

 

Tại thời điểm này, mía tím được tiêu thụ gần hết, đó là tín hiệu đáng mừng cho bà con trồng mía. ở các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong…diện tích mía tím  còn lại số lượng ít. Hầu hết lượng mía còn lại thương lái đã đặt tiền để bán dịp Tết và các lễ hội đầu năm. Người dân được mùa mía tím “ngọt”. Anh Bùi Văn Chin, xóm Khuận, xã Nam Phong tươi cười: Phải đến 3 năm rồi, năm nay cây mía mới mang lại cho chúng tôi niềm vui đến vậy. Nhiều gia đình đã bỏ mía tím trồng cam, quýt, rau, màu. Gia đình tôi phải vay ngân hàng, quyết tâm lắm mới trồng tiếp mía, may sao năm nay lại được mùa, được giá, cho thu nhập cao. Với diện tích 3.000 m2, giá bán 6.500 đồng/ cây, gia đình tôi thu về khoảng 70 triệu đồng.

 

Sản phẩm mía tím Hòa Bình từ lâu đã được thị trường Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam…ưa chuộng. Đặc biệt, thời tiết năm nay nắng nhiều, hanh khô đã khiến nhu cầu tiêu thụ mía tăng nên mía dễ bán và được giá.

 

Tuy nhiên, bài toán “được mùa - mất giá”, “mất mùa - được giá” của nông sản nói chung, cây mía nói riêng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Do đó, việc “sốt” giá mía năm nay vẫn chỉ được đánh giá là nhất thời. Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc chia sẻ: Huyện đã tuyên truyền cho người dân thực hiện việc quy hoạch vùng trồng mía của địa phuơng. Tuy nhiên người dân thực hiện chưa nghiêm túc. Do đó, người nông dân cứ loay hoay với việc trồng - chặt mía.

 

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần quy hoạch vùng trồng mía tím trên toàn tỉnh, đảm bảo đầu ra ổn định. Có như vậy cây mía mới thực sự là cây giúp người nông dân thoát nghèo, làm giàu. Còn nếu để việc trồng mía tự phát như hiện nay, rất có thể năm nay được giá, sang năm trồng ồ ạt lại mất giá, người nông dân lại thua lỗ. Do đó, việc định hướng, quy hoạch, hướng dẫn cho nông dân là rất cần thiết, cần được các địa phương hết sức quan tâm. Ngoài ra, một vấn đề cần quan tâm nữa là tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất luợng, mẫu mã sản phẩm. Từng bước hình thành nên thương hiệu mía tím Hoà Bình để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đây chính là những điều kiện đảm bảo cho cây mía tím phát triển ổn định.

 

                                                                            

 

                                                                         Thu Thủy

 

Các tin khác


Bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước

(HBĐT) - Năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh được HĐND tỉnh giao 7.285 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh nguồn thu còn hạn hẹp, cơ cấu thu thiếu bền vững, chưa có nguồn thu chủ lực mà chủ yếu dựa vào thu từ tiền sử dụng đất…

Phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên

(HBĐT) - Phát huy vai trò là "hạt nhân” nòng cốt, tổ chức Đoàn các cấp trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã tích cực kết nối, thành lập, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Khởi sắc đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Từ nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), huyện Tân Lạc đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Qua đó góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm T.Ư ký kết thi đua năm 2023

(HBĐT) - Sáng 24/3, Khối thi đua các doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm T.Ư tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2023.

Hội Nữ doanh nhân Hòa Bình - khát vọng vươn xa

(HBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân (DN) tỉnh là thành viên của Hiệp hội Nữ DN Việt Nam, thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình. CLB hoạt động với mong muốn tập hợp, kết nối tạo sự đoàn kết trong cộng đồng các nữ DN trên địa bàn tỉnh, cùng nhau chia sẻ, hợp tác, giúp đỡ nhau, góp phần nâng cao năng lực của từng doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo.

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Tân Lạc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó từng bước nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục