(HBĐT) - Những ngày này, tư thương bắt đầu lùng sục ở "vựa bưởi” Đông Lai (Tân Lạc). Năm nay, bưởi được mùa, giá bán ổn định đã đem lại niềm vui cho người trồng bưởi nơi đây. Đồng chí Bùi Hải Châu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2013, diện tích bưởi ở Đông Lai mới đạt 39 ha. Thế nhưng khi cây bưởi lên ngôi với hiệu quả kinh tế cao, đến nay, con số này đã tăng hơn 4 lần (168 ha). Trong đó, 70 ha đã và đang cho thu hoạch. Thời điểm này, nhiều vườn bưởi trên địa bàn xã đã chín rộ. Trong đó, một số vườn đã bán cho tư thương với giá bán buôn dao động từ 23 – 25 nghìn đồng/quả.



Những cây bưởi sai trĩu quả, chín vàng đem lại niềm vui cho người dân xã Đông Lai (Tân Lạc). ảnh chụp tại xóm Tân Lai.

Chúng tôi đến xóm Đồng Tiến, nơi khởi nguồn của giống bưởi đỏ ngọt thơm nổi tiếng. Xóm có 68 hộ, hầu như hộ nào cũng trồng bưởi, trong đó có những vườn cả chục năm tuổi. Vườn bưởi của gia đình ông Bùi Văn Vinh được trồng từ năm 2008, đến nay là năm thứ 5 cho thu liên tiếp. Không hổ danh là cây bạc triệu, bước vào vườn bưởi nhà ông Vinh ai cũng tấm tắc ngợi khen vườn sạch, gốc bưởi to, quả sai trĩu, đặc biệt là mùi hương ngào ngạt lan tỏa khắp vườn khi bưởi đã chín rộ.

Anh Bùi Văn Quang, con trai ông Vinh cho biết: "Vụ này, nhiều tư thương đến hỏi mua nhưng gia đình chưa bán. Những vụ trước, 100 gốc bưởi đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, trong đó, vụ thu nhiều nhất được 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là nguồn thu từ bán quả, còn bán cành giống cũng đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình”. Với sự cần mẫn chăm sóc, vườn bưởi của gia đình phát triển khá đồng đều. Mặc dù mỗi cây phải "cõng” trên mình vài trăm quả (có nhiều cây đạt từ 600 - 800 quả) nhưng lá cây vẫn xanh tốt.

Bưởi đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bà con xóm Đồng Tiến. ông Lê Đức Cảnh, Trưởng xóm Đồng Tiến phấn khởi cho biết: Trước đây chưa trồng bưởi thì chỉ quanh quẩn làm cây mía, cây ngô, thu nhập rất bấp bênh. Từ khi trồng bưởi, đời sống đã thay đổi. Nhiều hộ trong xóm có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngày xưa, xóm có 24 – 25 hộ nghèo, bây giờ chỉ còn 7 hộ, thu nhập bình quân đến nay ước đạt 28 triệu đồng/ người/năm.

Mặc dù đi sau nhưng ở xóm Tân Lai, diện tích đất trồng bưởi đã tăng lên nhanh chóng và người trồng bưởi cũng "gặt hái” được những thành quả xứng đáng. "Xóm chúng tôi có khoảng 100/175 hộ trồng và có thu nhập từ cây bưởi. Tổng diện tích có 34 ha, trong đó, 20 ha đã cho thu hoạch. Nói chung, trong 6 năm trở lại đây, bưởi là nguồn thu chính của bà con”, ông Phạm Quang Duy, Trưởng xóm Tân Lai cho biết. Qua khảo sát thực tế tại các vườn cũng như chia sẻ của bà con, vụ này, các vườn bưởi của xóm Tân Lai sai quả hơn so với năm vừa rồi. Trong đó, nhiều vườn bà con phải dùng cột tre để chống cành khỏi bị gãy.

ở xã Đông Lai, những cây bưởi hàng trăm quả đã trở nên phổ biến. Thậm chí có những cây cho thu đều đặn trên 1.000 quả mỗi năm. Ví như cây bưởi gần 20 năm tuổi của gia đình ông Bùi Văn Lương, xóm Cóm. Năm nay, cây bưởi được xếp vào hàng cổ thụ của gia đình ông Lương vẫn trĩu quả như ngày nào. Vui hơn nữa là 50 gốc bưởi trong vườn cũng sai hơn mọi năm. Năm ngoái, gia đình ông Lương thu được 110 triệu đồng, vụ này, với giá mua cả vườn dao động từ 22 - 24 nghìn đồng/quả mà tư thương trả, gia đình ông Lương dự kiến thu được khoảng 130 triệu đồng.

Nhờ nỗ lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là giá trị mà cây bưởi đem lại, đời sống của bà con xã Đông Lai ngày một được nâng lên rõ rệt. Trước năm 2013, thu nhập bình quân của xã mới đạt hơn 16 triệu đồng, con số này đã tăng lên 22 triệu đồng (năm 2016) và dự kiến hết năm nay sẽ đạt 27 triệu đồng/người. "Nhờ cây bưởi mà đời sống bà con đã có nhiều chuyển biến. Để phát triển bền vững, năm ngoái, xã Đông Lai đã thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch. Cây bưởi đỏ Đông Lai và các xã trên địa bàn huyện đã được trao nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”. Đây là động lực lớn để Đông Lai tiếp tục phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi đỏ”, đồng chí Bùi Hải Châu, Chủ tịch UBND xã Đông Lai cho biết.

Viết Đào

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục